Mỹ, Canada có thể phạt tù chung thân đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái diễn nhiều lần.
Cảnh sát Mỹ kiểm tra một tài xế nghi đã uống rượu bia bằng hình thức theo dõi chuyển động
của đồng tử (phương pháp không dùng máy)
Nhiều nước trên thế giới không chỉ phạt tiền hay tước bằng lái, mà còn đưa ra hình phạt hà khắc hơn như cấm điều khiển phương tiện vĩnh viễn, thậm chí ngồi tù chung thân đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn mà gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái diễn nhiều lần.
Chính sách không khoan nhượng
Ở Mỹ và châu Âu, các khóa học đào tại lái xe cũng đã cung cấp cho người học những kiến thức nhất định về một số loại thức ăn, thuốc tân dược, ảnh hưởng của rượu cồn, ma túy... đến hoạt động lái xe và học viên bắt buộc phải được học và kiểm tra trong phần thi lý thuyết.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 0,05% là mức giới hạn nồng độ cồn cho phép với tài xế phổ biến ở nhiều quốc gia. Một số nước như Na Uy, Ba Lan và Thụy Điển có giới hạn thấp hơn là 0,02%. Nga cũng quy định nồng độ cồn cho phép là 0,02% và người bị kết án lái xe sau khi đã uống rượu, dù chỉ một lần, sẽ bị tước bằng lái vĩnh viễn.
Cũng giống như Việt Nam (sau khi Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia), nhiều quốc gia trên thế giới cũng áp dụng chính sách luật không khoan nhượng (zero tolerance) trong kiểm tra, xử phạt luật giao thông, tức là không cho phép lái xe có nồng độ cồn trong máu lớn hơn 0.
Lệnh cấm hoàn toàn sử dụng đồ uống có cồn trước khi lái xe được Cộng hòa Czech áp dụng từ năm 1953. Có 3 mức độ vi phạm tùy thuộc nồng độ cồn của lái xe. Ở mức 0 - 0,03%, lái xe bị phạt 500 - 700 euro và tước bằng lái đến 6 tháng.
Tại Hungary cũng áp dụng quy định tương tự từ năm 2018. Với nồng độ cồn 0 - 0,08%, tài xế có thể bị cấm điều khiển phương tiện nhiều nhất 3 năm và số tiền phạt có thể lên tới 3.000 euro.
Ở Slovakia, luật pháp nước này quy định tài xế có nồng độ cồn từ 0 - 0,01% bị xử lý hình sự với mức phạt tiền 200 - 1.000 USD và phạt tù tới 12 tháng. Một số nước khác như: Cuba, Croatia, Romania, Bỉ, Pháp, Phần Lan cũng là các quốc gia áp dụng chính sách “zero tolerance” với tài xế sử dụng đồ uống có cồn trước khi tham gia giao thông.
Mỹ, Canada có thể kết án chung thân
Cảnh sát Canada kiểm tra nồng độ cồn một lái xe ô tô
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2015, Nam Phi, Canada và Mỹ là 3 quốc gia có tỷ lệ tai nạn vì lái xe sử dụng rượu bia cao nhất thế giới. Hình phạt đối với người bị quy vào tội lái xe trong tình trạng say xỉn ở các nước này rất nghiêm khắc. Mức phạt áp dụng dựa trên chỉ số nồng độ cồn được tính theo tiêu chuẩn hàm lượng thể tích cồn trong máu (Blood Alcohol Concentration) hay trong hơi thở và cường độ vi phạm.
Tại Nam Phi, ngay lần đầu tiên vi phạm, tài xế có thể đối diện mức án 10 năm tù, bị phạt 10.000 USD hoặc cả 2.
Trong khi đó, Luật Hình sự Canada quy định ở lần vi phạm đầu tiên với nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,04%, tài xế bị buộc nộp phạt 1.000 USD. Nếu tái phạm lần 2, người lái xe bị buộc ngồi tù 30 ngày. Nếu vi phạm lần thứ 3, hình phạt tăng lên 120 ngày tù. Mức án cao nhất dù phạm tội lần đầu tiên hay tái phạm đều là 10 năm tù.
Ở Canada, tài xế say rượu bia gây thương tích cho người khác đối diện mức án dao động từ 2 - 14 năm tù tùy mức độ. Với hành vi lái xe gây chết người do sử dụng bia rượu, mức án cao nhất là tù chung thân và buộc nộp phạt 1.000 - 2.000 USD tùy nồng độ cồn trong máu.
Ngay cả trường hợp tài xế từ chối yêu cầu thử nồng độ cồn từ cảnh sát, lực lượng tuần tra, thi hành công lý cũng bị phạt với mức tối thiểu 50 USD.
Trong khi đó, ở hầu hết các bang của Mỹ, người bị quy vào tội lái xe trong tình trạng say xỉn đều bị xử lý hình sự. Người vi phạm lần đầu với nồng độ cồn từ 0,08 - 0,18% có thể bị phạt 500 - 1.000 USD, phạt tù tới 12 tháng và tước bằng lái xe 6 tháng.
Mức phạt cho người vi phạm lần đầu có nồng độ cồn trên 0,18% là nộp phạt tối thiểu 1.000 USD, phạt tù tối thiểu 12 tháng, thu hồi bằng một năm và bị buộc lắp đặt thiết bị kiểm tra nồng độ cồn trước khi được phép khởi động xe. Đối với những tài xế tái phạm hơn 3 lần khiến người khác bị thương hay gây tai nạn chết người, bản án có thể từ 10 năm tù đến chung thân, tước bằng lái vĩnh viễn, tịch thu phương tiện, hủy đăng ký xe.
Tài xế uống 1 ly bia bị phạt 3 năm tù, khách cũng bị vạ lây
Nhật Bản là nước có khung hình phạt nghiêm khắc vào loại nhất ở châu Á cũng như trên thế giới với các tội liên quan đến uống rượu bia và lái xe. Với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở (tương đương với 1 ly bia), người điều khiển xe bị quy vào lỗi “lái xe trong điều kiện không tỉnh táo”, bị phạt tù lên tới 3 năm và 500.000 Yen (khoảng 4.500 USD).
Nếu CSGT Nhật Bản phát hiện tài xế lái xe trong tình trạng say rượu, người vi phạm có thể bị phạt tới 5 năm tù và 1 triệu Yen (khoảng 200 triệu đồng). Nếu phương tiện của lái xe say rượu hoặc không tỉnh táo chở theo hành khách, hành khách cũng bị xử phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù.
Những lái xe không tuân thủ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn có thể bị áp dụng mức phạt tương đương hoặc hơn tội lái xe trong tình trạng say rượu.
Nhật Bản quy định những hình phạt cho tội lái xe say rượu gây tai nạn là 20 năm đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người. Ở Nhật Bản, người đi xe đạp cũng chịu những chế tài về rượu bia như người lái ôtô để đảm bảo an toàn.
Giống như ở Nhật Bản, Hà Lan cũng xử phạt tiền hoặc án tù tới 3 năm với người ngồi phía sau tài xế say rượu. Người điều khiển ôtô, xe gắn máy hai bánh nếu vi phạm nồng độ cồn có thể đối diện mức án 6 năm tù kèm tiền phạt, tước bằng trong một năm. Người đi xe đạp nếu phát hiện có sử dụng rượu bia cũng bị xử phạt như các phương tiện tham gia giao thông khác.
Tại Singapore, nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 3.600 USD) và đối diện với 6 tháng tù giam. Những lỗi nặng nhất sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối diện với các hình phạt tù và lao động công ích. Đối với các hành vi tái phạm nhiều lần, hình phạt cũng sẽ tăng thêm.
Singapore phạt tù từ 6 - 12 tháng và phạt tiền từ 3.000 - 10.000 SGD (từ 50 - 130 triệu đồng) đối với tài xế tái phạm lần thứ 2 và phạt 30.000 SGD (510 triệu đồng) và 3 năm tù, tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế phạm lỗi lần thứ 3.
Không hạch sách, gây khó dễ cho tài xế chấp hành nghiêm
Cảnh sát Anh kiểm tra nồng độ cồn bằng máy đo cầm tay đối với một lái xe mô tô hai bánh
Ở các nước phát triển như Mỹ và châu Âu, các lực lượng cảnh sát giao thông, tuần tra, chấp hành pháp luật, thực thi công lý thường ít khi dừng xe, tiến hành thủ tục kiểm tra nồng độ cồn hoặc lạm dụng luật để hạch sách, gây khó dễ cho cánh tài xế nếu họ không vi phạm luật giao thông hoặc không phải là đối tượng tội phạm đang bị truy nã.
Thống kê của Cảnh sát Mỹ cho thấy, hầu hết các tài xế bị dừng xe, kiểm tra nồng độ cồn đều là những người trước đó đã có các hành vi vi phạm luật giao thông hoặc họ là những đối tượng nguy hiểm đã được cảnh báo trước.
Cảnh sát ở Mỹ và các nước châu Âu được đào tạo các kỹ năng cơ bản để phát hiện các tài xế vi phạm nồng độ cồn bằng kỹ thuật đánh giá bằng mắt thường cũng như thông qua các thiết bị kỹ thuật.
Cảnh sát Mỹ cho biết, các tài xế say rượu thường có các biểu hiện như: Tăng tốc hoặc giảm tốc nhanh khi đang lưu thông trên đường; Lái xe theo đường zíc zắc; Đi sai làn đường; Có xu hướng lái lẹm vào lề đường hoặc lao vào các vật thể trên lề đường; Dừng xe không có lý do hoặc phanh thất thường; Ra vào làn sai quy định; Bật tín hiệu (còi, đèn, xi-nhan) không phù hợp với hành động lái xe; Phản ứng chậm với tín hiệu giao thông; Điều khiển xe đè vạch chỉ làn đường; Không bật đèn khi lái xe vào ban đêm; Lái xe quá chậm; Quay đầu, rẽ đột ngột; Đi ngược chiều...
Thực tế ghi nhận, có rất ít các trường hợp khiếu nại, kiện cáo liên quan đến việc đo, đếm nồng độ cồn sai do tài xế dùng thức ăn, uống thuốc chữa bệnh gây ra.
Thông thường, sau khi kiểm tra nồng độ cồn, cảnh sát tuần tra thường đều hỏi tài xế dùng rượu bia, thức ăn có chứa thành phần bị lên men... khi nào. Khi đó, người bị kiểm tra bắt buộc phải khai đúng sự thật nếu không sẽ gặp rất nhiều rắc rối. Rất hiếm có trường hợp tài xế bị xử phạt vì ăn thức ăn khiến nồng độ cồn tăng cao vượt mức.
Với những trường hợp tài xế sử dụng thuốc chữa bệnh khiến hơi thở có nồng độ cồn vượt mức cho phép, cảnh sát cũng sẽ cho người bị kiểm tra quyền giải thích, đồng thời, tài xế phải cung cấp cho lực lượng tuần tra đơn thuốc mà họ đã sử dụng. Cần lưu ý rằng, tại các quốc gia phát triển, tất cả các loại thuốc chữa bệnh dù ít nghiêm trọng nhất cũng phải có đơn kê của bác sỹ.