Hàng không trước nguy cơ sụt giảm mạnh vì dịch Corona

Thứ tư, 05/02/2020 10:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra lần này đặt ra thách thức lớn cho các hãng hàng không trên toàn cầu.

Tiếp viên khử trùng phòng chống dịch trên máy bay

Gần giống như đại dịch Sars bùng nổ vào năm 2003, dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra lần này đặt ra thách thức lớn cho các hãng hàng không trên toàn cầu.

Rủi ro có thể tương tự dịch Sars

Theo các nhà phân tích đến từ Công ty S&P bao gồm hai chuyên gia Philip Baggaley và Rachel Gerrish, trong đợt bùng phát dịch Sars, tình hình không lưu, lợi nhuận của ngành hàng không đã giảm mạnh ở một số khu vực và với một số hãng hàng không cụ thể. “Chúng ta có khả năng sẽ chứng kiến tác động tương tự trước dịch virus Corona bùng phát”, các nhà phân tích đưa ra nhận định.

Theo Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA), tại thời điểm dịch Sars bùng phát vào tháng 5/2003, các hãng hàng không trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương (APAC) chứng kiến tình hình sụt giảm lợi nhuận hành khách/km (RPK) hàng tháng tới 35% so với mức trước khủng hoảng (lợi nhuận hành khách/km là thước đo lượng khách mà các hãng hàng không vận chuyển).

Tính trong cả năm 2003, các hãng hàng không khu vực APAC giảm tổng cộng 8% chỉ số RPK và 6 tỉ USD lợi nhuận, do hoạt động đi lại bên trong khu vực giảm mạnh. Các hãng hàng không như: Singapore Airlines (SIA), Cathay Pacific (Hong Kong), Japan Airlines và ANA Holdings (Nhật Bản) là một trong những hãng báo cáo thua lỗ tài chính thời điểm đó.

Các chuyên gia cho rằng, lần này, một số tuyến tại Trung Quốc và khu vực APAC sẽ bị ảnh hưởng nặng (hiện có hơn 450 triệu hành khách bay đến/đi/nội địa Trung Quốc). Thời gian bùng phát dịch trùng đúng vào thời điểm diễn ra dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán và mùa đi lại bận rộn nhất Trung Quốc.

Hiện nay, các hãng hàng không đều đã có phản ứng bằng việc tạm huỷ và ngừng chuyến bay. Các hãng hàng không giá rẻ của ASIA là Scoot đã thông báo huỷ toàn bộ các chuyến bay từ Singapore đến Vũ Hán đến cuối tháng 3. Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Asia cũng ngừng các chuyến bay tới 3 thành phố Trung Quốc bao gồm: Hợp Phì, Quý Dương và Từ Châu cho đến ngày 31/3. Cathay Pacific thì cho biết, đã giảm năng lực chở khách tới Trung Quốc khoảng 50% hoặc có thể hơn, bắt đầu từ ngày 30/1. Nhiều hãng hàng không khác trong khu vực bao gồm: Korean Air Lines, China Airlines của Đài Loan và ANA của Nhật Bản cũng huỷ các chuyến bay đến và đi từ Vũ Hán sau khi giới chức thông báo đóng cửa thành phố. Hãng hàng không Indonesia Lion Air Group sẽ ngừng toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc từ đầu tháng 2.

Có thể hồi phục trong vòng 9 tháng?

Mặc dù vậy, IATA vẫn khá lạc quan khi cho rằng “tuy có rủi ro do việc gián đoạn hoạt động đi lại trên quy mô lớn nhưng lịch sử chỉ ra, mọi ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng không đều là tạm thời” .

IATA cho biết, tính trong giai đoạn từ năm 2005 - 2013, Sars là “đại dịch nghiêm trọng nhất” ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng không, còn các đại dịch cúm khác đều có ảnh hưởng khá nhẹ và tác động ngắn tới hàng không.

Theo đánh giá của IATA, hoạt động vận tải hàng không thường sẽ hồi phục rất nhanh ngay khi nỗi lo sợ virus Corona trên toàn cầu suy giảm. “Kể cả khi Sars bùng phát, lưu lượng khách toàn cầu hàng tháng quay trở lại mức trước khủng hoảng chỉ trong vòng 9 tháng”, IATA đánh giá.

Trong khi đó, các nhà phân tích của Công ty S&P cũng cho rằng, các công ty cho thuê máy bay và kể cả các hãng hàng không liên quan nhiều tới Trung Quốc đã có những sự chuẩn bị tương đối tốt trước dịch viêm phổi cấp khởi phát tại Vũ Hán.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)