Sân bay London City Airport, thường đón, đưa hơn 5 triệu lượt khách mỗi năm với điểm đến chủ yếu tại châu Âu, đã tuyên bố ngừng hoạt động cho đến hết tháng 4 để phòng ngừa dịch COVID-19.
Một chiếc máy bay của British Airways tại sân bay London City, ở phía đông London ngày 16/3
Ngày 25/3, sân bay London City Airport gần thủ đô London của Anh thông báo đã ngừng tất cả các chuyến bay đến nước này cho đến hết tháng 4 để phòng chống dịch COVID-19.
Theo thông báo mới nhất, ban quản lý sân bay trên cho biết: "Tạm ngừng tất cả các chuyến bay thương mại và tư nhân từ sân bay London City Airport nay là một quyết định khó khăn, nhưng điều này là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp."
Thông báo nhấn mạnh: "Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nhanh và ở mức độ chưa từng có tiền lệ, chúng tôi nghĩ rằng đây là trách nhiệm cần phải làm."
Quyết định trên có hiệu lực từ đêm 25/3 và dự kiến sẽ kéo dài tới hết tháng 4 phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh.
Sân bay London City Airport thực hiện đón, đưa hơn 5 triệu lượt khách mỗi năm, với điểm đến chủ yếu tại châu Âu.
Cũng trong nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, sân bay Orly nằm ở phía Nam thủ đô Paris của Pháp cũng thông báo sẽ "đóng cửa" hoạt động vận tải thương mại kể từ ngày 31/3.
Phát biểu với truyền thông trong nước, Giám đốc sân bay trên Edward Arkwright cho biết sự sụt giảm mạnh các chuyến bay tại cả sân bay Orly và sân bay Charles de Gaulle, ở phía Bắc thủ đô Paris, là nguyên nhân chính khiến ban quản lý sân bay đưa ra quyết định trên.
Ông Edward nói: "Chỉ trong ngày 25/3, sân bay Orly đã giảm tới 92% lưu lượng vận tải và sân bay Charles de Gaulle giảm tới 89% lưu lượng."
Cũng một phần do lệnh phong tỏa trên toàn quốc, ngoài hàng không, các dịch vụ đường sắt và tàu điện ngầm tại thủ đô Paris và các vùng lân cận sẽ giảm hoạt động xuống mức tối thiểu.
Cụ thể, từ ngày 26/3, khoảng 50 trong tổng số 300 nhà ga tàu điện ngầm tại Paris sẽ đóng cửa; các tuyến nối với các vùng phụ cận thủ đô sẽ chỉ hoạt động từ 6-22h hằng ngày.
Các nhà điều phối dịch vụ cho biết chỉ duy trì một số chuyến tàu đủ để phục vụ các nhân viên y tế và đối tượng vẫn cần tới công sở làm việc. Hoạt động của xe buýt và xe điện nổi cũng giảm lưu lượng xuống còn 30% so với mức bình thường.
Liên quan đến dịch COVID-19, ngày 25/3, các công đoàn đại diện cho người lao động của hãng chế tạo máy bay Airbus tại Tây Ban Nha đã phản đối quyết định nối lại hoạt động sản xuất bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Lý do các nhân viên Airbus đưa ra là điều này đe dọa sức khỏe của người lao động khi hiện đã có 138 đồng nghiệp của họ đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Công đoàn GCT, đã kêu gọi công nhân của Airbus bắt đầu cuộc biểu tình vào ngày 30/3 nhằm phản đối việc nối lại hoạt động sản xuất vào ngày 30/3.
Trong khi đó, theo thống kê mới nhất tính đến 12 giờ 30 ngày 26/3 (giờ Việt Nam) của worldometes.info, số ca tử vong tại Tây Ban Nha đã lên tới 3.647 ca và nước này đã vượt Trung Quốc - nơi khởi phát dịch COVID-19 hồi tháng 12/2019, về số ca tử vong trong đại dịch này, đứng thứ hai thế giới sau Italy.
Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 49.515 người.
Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Carmen Calvo hiện đang phải điều trị tại bệnh viện sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh.
Hiện Tây Ban Nha là quốc gia chịu tác động mạnh của COVID-19 đứng thứ 4 thế giới sau Trung Quốc, Italy và Mỹ.
Cùng ngày, Phần Lan thông báo phong tỏa toàn bộ thủ đô Helsinki để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Từ ngày 27/3, một loạt lệnh cấm nghiêm ngặt hơn sẽ được áp đặt trên cả nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng phần Lan Sanna Marin nói: "Mọi hoạt động ra, vào vùng thủ đô - tỉnh Uusimaa đều bị cấm, trừ một số trường hợp đặc biệt cần thiết như gia đình cho người qua đời hoặc vận chuyển hàng hóa theo quy định riêng. Tuy nhiên, mọi người có quyền trở về nhà hoặc nơi mình sinh sống."
Vùng thủ đô Uusimaa có khoảng 1,7 triệu dân, chiếm gần 30% dân số Phần Lan.