Công ty chia sẻ xe scooter Bird phải chi 300.000 USD để đập bỏ hàng nghìn xe e-scooter ở Trung Đông.
Xe điện của Bird có sức bền thấp, dưới nắng nóng Trung Đông, nhiều xe chỉ dùng được vài tháng
Công ty chia sẻ xe scooter Bird (có trụ sở tại California, Mỹ) đang phải chi tiền để đập bỏ hàng nghìn xe máy điện (e-scooter) ở Trung Đông dù có lô hàng hãng này mới chỉ mua về được vài tháng. Vì đâu lại có chuyện lạ đời như vậy?
Chi 300.000 USD để đập bỏ hàng nghìn xe e-scooter
Hãng tin CNBC dẫn 5 nguồn thạo tin cho biết, hiện có 8.000 - 10.000 xe máy điện do Circ (công ty đối tác của Bird sản xuất), được đưa vào dịch vụ trên khắp các thành phố tại Qatar, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).
Đây là số xe mà hãng Bird vừa mới mua của Circ từ đầu năm nhưng không rõ tổng giá trị. Và nay, công ty đang phải chi khoảng 300.000 USD để đập bỏ toàn bộ số xe này ở Trung Đông, theo tiết lộ từ một cựu nhân viên của Bird.
Chia sẻ lý do dẫn đến động thái trên, phía Bird cho biết, họ phải tạm dừng hoạt động tại Trung Đông vì thời gian không hoạt động quá lâu (nghỉ dịch) và thời tiết quá nóng. Đại diện của Bird cho hay: “Sau một thời gian chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, xe Circ không còn đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt của chúng tôi. Nếu bán hoặc sử dụng lại các phương tiện này sẽ dẫn tới những vấn đề về an toàn và bền vững. Hành động như vậy là thiếu công bằng và đạo đức đối với người mua hoặc người lái xe”.
Theo vị này, việc chi tiền đập bỏ xe là để phục vụ mục đích “tái chế”. “Trong thời gian dừng hoạt động, chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội này để tái sử dụng một cách có trách nhiệm một phần dàn xe Circ cũ đã hoạt động tại Trung Đông”, đại diện Bird nói thêm và cho biết, Bird sẽ chỉ tiếp tục vận hành những dịch vụ sử dụng xe e-scooter do Bird tự sản xuất ở Tel Aviv, Israel.
Trước động thái này, cách đây vài tháng, Bird đã phải sa thải khoảng 30% nhân lực, tương đương 406 trong tổng 1.387 nhân viên. Toàn bộ đội ngũ Circ tại Trung Đông bao gồm khoảng 75 người đã bị sa thải cùng thời gian đó và nhiều người làm nốt đến cuối tháng 5, theo một cựu nhân viên cùng 2 nguồn khác trong ngành giấu tên vì tính chất nhạy cảm của sự việc.
Theo một cựu nhân viên: “Rõ ràng, dịch Covid-19 ập đến buộc Bird phải dừng hoạt động. Chúng tôi cho rằng, sắp tới công ty sẽ còn tiếp tục phải cắt giảm lương trong khoảng thời gian khó khăn, không thể hoạt động này”.
Nhiều xe e-scooter hạn dùng chỉ vài tháng
Bird không phải là tập đoàn duy nhất đang trải qua những thách thức này. Mới đây, “anh cả” trong ngành chia sẻ xe Uber cũng buộc phải bỏ hàng nghìn xe đạp điện và scooter trị giá hàng triệu USD sau khi bán chi nhánh Jump cho công ty khởi nghiệp vận tải của Lime.
Theo Uber, họ đã quyết định “tái chế” toàn bộ những mẫu xe cũ mà Lime không muốn mua bởi sau khi nghiên cứu, họ nhận thấy quy trình bảo trì và kỹ thuật các loại xe này quá phức tạp.
Hiện đã có nhiều chính phủ quyết tâm đẩy mạnh e-scooter và e-bike làm phương tiện thay thế ô tô và phương tiện công cộng để phục vụ giãn cách xã hội trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Đồng thời, các công ty chia sẻ e-scooter cũng luôn tự hào là đơn vị mang đến phương tiện thân thiện môi trường, bền vững. Nhưng cái khó ở đây chính là độ bền của phương tiện. Một số thông tin cho biết, xe e-scooter của Bird chỉ có thời hạn sử dụng vài tháng.
Lawrence Leuschner, Giám đốc điều hành, người đồng sáng lập Công ty scooter Tier (có trụ sở ở Berlin, Đức) cho biết, ông đã đặt xe scooter của cả Uber Jump và Bird nhưng cả 2 công ty đều chưa giao hàng.
Còn ông Frank Meehan, người đồng sáng lập công ty khởi nghiệp về môi trường Equilibrium chỉ trích: “một số công ty chia sẻ xe đạp, xe máy điện lại chính là những đơn vị gây ô nhiễm môi trường nhất trong thập kỷ qua và họ thực sự vô trách nhiệm”.