Vì sao Facebook và nhiều “ông lớn” công nghệ đầu tư vào Gojek?

Thứ tư, 10/06/2020 08:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ Facebook vừa đầu tư vào công ty gọi xe, giao hàng tận nơi của Indonesia - Gojek.

Siêu ứng dụng Gojek đang được định giá khoảng 10 tỷ USD

Việc đầu tư đã giúp Facebook góp tên mình vào danh sách dài nhiều “ông lớn” công nghệ đặt kỳ vọng vào ứng dụng của Indonesia với tổng số vốn có thể lên tới hàng tỷ USD.

Đưa hàng triệu doanh nghiệp nhỏ lên thương trường ảo

Cả Facebook và phía Gojek đều chưa tiết lộ công khai quy mô đầu tư nhưng trong một bài viết đăng tải trên mạng xã hội này, tập đoàn của Mỹ nhấn mạnh nỗ lực của họ là nhằm đưa hàng triệu doanh nghiệp nhỏ lên thương trường trực tuyến.

Facebook đánh giá Gojek là ứng dụng phát triển đầu tiên và nhanh nhất của Indonesia về giao thực phẩm, mua sắm, đi lại và đưa thanh toán điện tử lan tỏa khắp Đông Nam Á.

Động thái đầu tư đầu tiên của Facebook vào một doanh nghiệp có trụ sở tại Indonesia cho thấy kỳ vọng muốn xây dựng nền tảng vững chắc tại đất nước vạn đảo.

Bởi, ngoài nhà đầu tư cỡ lớn là Facebook, Gojek còn nhận được sự quan tâm, góp vốn của hệ thống tin nhắn WhatsApp, tập đoàn công nghệ Google, ứng dụng thanh toán Paypal.

Khoản đầu tư từ những “gã khổng lồ công nghệ” của Mỹ cũng như các nhà đầu tư khác sẽ giúp Gojek tăng cường dịch vụ tài chính, thanh toán trong khu vực.

Ông Matt Idema, Giám đốc Vận hành của WhatsApp cho biết: “WhatsApp đã giúp các doanh nghiệp nhỏ kết nối với khách hàng và bán hàng. Cùng với Gojek, chúng tôi tin có thể đưa hàng triệu người tham gia vào nền kinh tế điện tử đang phát triển của Indonesia”.

Trong khi đó, CEO Gojek Andre Soelistyo cho hay: “Khi cộng tác cùng nhau, các bên cùng có cơ hội đạt được những điều thực sự độc đáo vì chúng tôi muốn giúp thêm nhiều doanh nghiệp điện tử hóa cũng như đảm bảo hàng triệu người tiêu dùng hưởng lợi từ nền kinh tế điện tử”.

Chẳng hạn, với mối quan hệ hợp tác cùng Paypal, người dùng ứng dụng Gojek có thể sử dụng ví điện tử GoPay để tiếp cận hệ thống hơn 25 triệu hoạt động thương mại trên khắp nước Mỹ.

Một chuyên gia tại Forrester nhận định: “Lĩnh vực thanh toán vẫn còn nhiều “đất” phát triển và cơ hội tại các thị trường mới nổi ở Đông Nam Á như Indonesia có giá trị hàng tỷ USD.

Đối với Gojek, công ty này có thể đưa dịch vụ ví kỹ thuật số của Facebook (tương tự WhatsApp Pay) vào nền tảng của họ.

Cơ hội vàng tại nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á

Một lý do khác khiến các công ty công nghệ lớn đổ tiền vào Gojek là bởi công ty này đang sở hữu ứng dụng phát triển mạnh nhất ở Indonesia - một trong những quốc gia có số lượng lớn dân số sử dụng mạng.

Điều kiện này mang đến cơ hội rất giá trị cho những công ty công nghệ toàn cầu như Facebook để xây dựng dịch vụ thương mại tới các doanh nghiệp quy mô nhỏ, lớn và vừa, đặc biệt thông qua dịch vụ tin nhắn phổ biến WhatsApp.

Bên cạnh đó, nền kinh tế internet của Indonesia đang phát triển nhanh và lớn nhất tại Đông Nam Á, theo báo cáo công nghiệp do Google, nhà đầu tư quốc gia Singapore Temasek, Công ty tư vấn Bain & Company thực hiện và công bố năm ngoái.

Giá trị nền kinh tế này đang trên đường vượt qua 130 tỷ USD tính đến năm 2025 và dự kiến sẽ hưởng lợi khi người dân đang dần mở lòng dễ chấp nhận hơn với thanh toán điện tử. Tính chung cả khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế internet đang được dự đoán sẽ đạt tới 300 tỷ USD đến năm 2025.

Công ty khởi nghiệp của Indonesia đang được định giá khoảng 10 tỷ USD. Trong vòng gây quỹ mới nhất, họ đã gọi 1,2 tỷ USD.

Công ty này đang cạnh tranh với đối thủ đến từ Singapore là Grab tại khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực như gọi xe, thanh toán và giao nhận thực phẩm. Cả hai công ty đều cho biết đang hướng tới mục tiêu trở thành “siêu ứng dụng” của khu vực, tức là tích hợp nhiều dịch vụ vào trong một ứng dụng.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)