Pháp là quốc gia có tỷ lệ tai nạn giao thông thấp và người tham gia giao thông có ý thức khá tốt. Điều này được giải thích một phần là do Pháp đã đầu tư nhiều vào việc giáo dục ý thức giao thông cho trẻ ngay từ nhỏ. Ở Pháp, một trong những điều gây ấn tượng là ý thức về an toàn giao thông của trẻ nhỏ. Mỗi khi bước lên xe ô tô là trẻ tự động thắt dây an toàn; mỗi khi qua đường, trẻ biết kiên nhẫn chờ tín hiệu đèn và khi đi xe đạp, việc đeo mũ bảo hiểm là không thể thiếu... Đó là hành động nhỏ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Pháp là quốc gia có tỷ lệ tai nạn giao thông thấp và người tham gia giao thông có ý thức khá tốt. Điều này được giải thích một phần là do Pháp đã đầu tư nhiều vào việc giáo dục ý thức giao thông cho trẻ ngay từ nhỏ
Ở Pháp, một trong những điều gây ấn tượng là ý thức về an toàn giao thông của trẻ nhỏ. Mỗi khi bước lên xe ô tô là trẻ tự động thắt dây an toàn; mỗi khi qua đường, trẻ biết kiên nhẫn chờ tín hiệu đèn và khi đi xe đạp, việc đeo mũ bảo hiểm là không thể thiếu... Đó là hành động nhỏ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Nhưng ý thức đó không phải ngẫu nhiên có được, mà là nhờ sự giáo dục từ sớm. Tại Pháp, việc giáo dục ý thức giao thông là bắt buộc tại các trường học từ năm 1957. Tổ chức “Phòng ngừa tai nạn giao thông” của Pháp, được thành lập từ năm 1949, là một trong những tổ chức hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh.
Một giờ giáo dục về giao thông cho trẻ em tại Pháp
Theo ông Emmanuel Renard, Giám đốc phụ trách giáo dục và đào tạo của tổ chức “Phòng ngừa tai nạn giao thông”, ý thức của người tham gia giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế tai nạn giao thông. Ông Emmanuel Renard cho biết: “Đúng là có nhiều yếu tố liên quan giúp giảm tai nạn giao thông như cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng phương tiện giao thông và có những hình phạt thích đáng đối với những lỗi vi phạm, nhưng giáo dục giao thông cũng rất quan trọng vì nó làm thay đổi cơ bản hành vi của người tham gia giao thông”.
Ông Emmanuel Renard cho biết, trong nhiều trường hợp, việc giáo dục ý thức giao thông cho trẻ nhỏ lại gián tiếp tác động tới hành vi tham gia giao thông của người lớn, bởi với những gì được học, trẻ em thường yêu cầu cha mẹ mình nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông. Do tầm quan trọng của việc giáo dục ý thức giao thông từ sớm, tổ chức “Phòng ngừa tai nạn giao thông” xây dựng cả những chương trình cho trẻ từ 3 - 4 tuổi. Ông Renard giải thích: “Chúng ta càng giáo dục ý thức cho trẻ từ sớm, trẻ càng dễ tiếp thu và hình thành thói quen. Nếu chờ quá quá lâu, không những chúng ta để cho trẻ gặp rủi ro mà còn khiến trẻ khó thay đổi hành vi của mình. Thường thì từ 3-10 tuổi, việc giáo dục ý thức giao thông là dễ nhất, sau đó thì sẽ khó khăn hơn”.
Ông Emmanuel Renard
Mỗi độ tuổi lại có những cách giáo dục khác nhau. Chẳng hạn, đối với trẻ 3-4 tuổi, song song với việc giải thích cho các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục tìm cách làm cho trẻ hiểu sự cần thiết của những hành động đơn giản như: phải thắt dây an toàn trong xe ôtô, nắm chặt tay cha mẹ khi qua đường...
Đối với những trẻ lớn hơn, các mô hình trình diễn về hậu quả của tai nạn giao thông hay các buổi thảo luận chuyên đề lại tỏ ra hiệu quả.
Ngoài ra, để thu hút sự quan tâm, chú ý của công luận, Tổ chức “Phòng ngừa tai nạn giao thông” cũng mời những nhân vật uy tín và được công chúng mến mộ như cầu thủ bóng đá Karim Benzema tham gia các chiến dịch tuyên truyền.
Ông Emmanuel Renard cho rằng công tác vận động, tuyên truyền và giáo dục ý thức giao thông là công việc lâu dài và khó khăn, đôi khi khiến chính các nhà giáo dục cảm thấy sốt ruột.
Hiện nay, tuy tỷ lệ tai nạn giao thông tại Pháp đã giảm mạnh so với vài thập kỷ trước, nhưng số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao, trên 4.000 người/năm, trong đó gần 1/3 là ở thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi. Chính vì thế, tổ chức “Phòng ngừa tai nạn giao thông” đang “đấu tranh” để đảm bảo cho mỗi học sinh được học một giờ về an toàn giao thông mỗi tháng trong suốt quá trình đi học./.
Theo VOV