Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng những chế tài xử phạt vô cùng nghiêm khắc đối với hành vi chiếu laser vào buồng lái.
Phi công có thể bị mù tạm thời nếu bị chiếu tia laser vào mắt
Thời điểm máy bay cất, hạ cánh là lúc rủi ro cao nhất khi phi công cùng lúc phải xử lý rất nhiều việc trong buồng lái. Nhưng mọi nỗ lực đảm bảo an toàn cho cả chuyến bay sẽ đổ xuống sông xuống biển khi có những hành vi thiếu ý thức như chiếu laser vào buồng lái. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng những chế tài xử phạt vô cùng nghiêm khắc đối với hành vi này.
Phi công bị mù tạm thời, uy hiếp an toàn bay
Trước khi có chế tài xử phạt, nhiều nước như: Anh, Mỹ, Australia… chứng kiến hành vi chiếu tia laser vào buồng lái phi công dày đặc. Gần đây nhất, vào tháng 7, ở Canada, hàng không nước này chứng kiến 3 sự cố liên quan tới đèn laser. Trong đó có vụ một phi công lái máy bay Cessna đã bị chiếu tia laser xanh vào mặt trong khoảng 10 giây.
Tại Việt Nam, vấn nạn này bắt đầu xuất hiện liên tiếp thời gian gần đây. Chỉ trong tháng 10, theo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), đã có tới 4 vụ tổ lái bị chiếu đèn laser vào tàu bay trong quá trình cất/hạ cánh.
Với phi công, hành vi tưởng chừng vô hại này có thể khiến người điều khiển máy bay bị mất tập trung hoặc mù tạm thời ngay tại thời điểm họ phải dồn hết sức để cùng lúc xử lý nhiều việc đảm bảo an toàn bay.
Rất ít khả năng tia laser khiến phi công bị mù vĩnh viễn nhưng nguy cơ uy hiếp an toàn bay là rất cao. Chỉ một sơ suất nhỏ trong lúc mất tập trung của phi công có thể buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp, quay đầu thậm chí gây tai nạn nghiêm trọng, đe doạ tính mạng hàng trăm người.
Ngay đầu năm nay, một máy bay đang hạ cánh tại sân bay quốc tế Sarasota - Bradenton, bang Florida, Mỹ bị chiếu tia laser khiến phi công bị mù tạm thời. Sau đó, khả năng nhìn của anh bị suy giảm suốt một thời gian dài.
Quy định quản lý nghiêm ngặt
Hiện tại, các quốc gia như Anh và Mỹ… đã áp chế tài xử phạt rất khắt khe để ngăn chặn tình trạng này.
Tại Mỹ, mọi hoạt động chiếu tia laser trong các khu vực chỉ định đều phải được báo trước với phi công trước chuyến bay, qua điện văn thông báo hàng không (NOTAM). Những cá nhân/tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tới 5 năm tù hoặc mức phạt hành chính tới 250.000 USD hoặc cả hai. Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) ra hướng dẫn về việc sử dụng tia laser và ánh sáng cường độ cao. Trên trang web chính thức, FAA viết: “Sử dụng tia laser nhắm vào máy bay gây ra rủi ro an toàn nghiêm trọng và vi phạm luật liên bang. Nhiều tia laser cường độ cao có thể vô hiệu hóa phi công hoàn toàn trong khi họ đang nỗ lực đưa máy bay, chở hàng trăm hành khách vận hành an toàn tới đúng địa điểm”.
Để hoạch định rõ khu vực quản lý, FAA đã thiết lập các khu vực quan trọng và quy định mức độ ánh sáng được sử dụng tại đó. Cụ thể, khu vực xung quanh sân bay bao trùm không gian xung quanh và trên đường băng. Tại đây tia laser hoặc ánh lớn hơn dù chỉ 0,05 μW/cm2 sẽ bị cấm sử dụng.
FAA còn thiết lập khu vực bay quan trọng, trải dài 18,5km xung quanh sân bay, ánh sáng bị hạn chế ở khoảng 5 μW/cm2.
Cuối cùng là khu vực bay nhạy cảm, cường độ ánh sáng phải ở dưới 100 μW/cm2 chẳng hạn như ở xung quanh đường bay bận rộn hoặc nơi có hoạt động quân sự. Mức độ ánh sáng này sẽ chưa đủ khiến người bị chiếu mờ mắt hoặc gây dư ảnh.
Ngoài ra, chính quyền Mỹ còn bắt buộc các đơn vị vận hành tia laser ngoài trời phải báo cáo lên FAA trước ít nhất 30 ngày, nêu cụ thể địa điểm và công suất laser. FAA không có thẩm quyền cấp phép mà chỉ ra văn bản thông báo có phản đối hay không. Đây là điều kiện tiên quyết để các tổ chức/cá nhân có thể sử dụng tia laser cho một chương trình biểu diễn hoặc trưng bày… Khi đã có văn bản này, đơn vị tổ chức tiếp tục phải xin cấp phép từ Cơ quan Dược và Thực phẩm (FDA), Trung tâm Thiết bị và Sức khoẻ Phóng xạ Mỹ.
Còn với Anh, nước này hạn chế ánh sáng cường độ cao, tia laser ở trong khu vực bán kính 5,6km xung quanh sân bay cùng với khu vực đường băng dài 37km và rộng 1km.
Tương tự như Mỹ, mọi hoạt động sử dụng tia laser, đèn pha rọi và bắn pháo hoa đều cần phải báo trước ít nhất 28 ngày. Năm 2017, Anh đã ban hành chế tài rất nghiêm khắc liên quan tới tia laser. Theo đó, người chiếu tia laser vào phi công hoặc lái tàu, xe bus sẽ bị phạt tù tới 5 năm. Thậm chí, tòa án tại Anh còn được phép quyết định mức phạt không giới hạn đối với hành vi này nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Một số nước như Australia cấm sử dụng tia laser cường độ cao từ tháng 7 để chặn đứng hành vi tấn công phi công bằng laser ngay “từ tận ngọn”. Theo luật Australia, tất cả cá nhân/tổ chức muốn nhập khẩu thiết bị laser cường độ cao trên 1milliwatt (0,1μW/cm2) cần phải xin phép hải quan và cảnh sát.