Trên thế giới, khá nhiều quốc gia đã và đang áp dụng thu phí với các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư rất hiệu quả, trong đó có Trung Quốc.
Thu phí góp phần để Trung Quốc có số km đường bộ cao tốc dài nhất thế giới
Tại Việt Nam, việc thu phí với các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư là một trong những đề xuất nhận được phản hồi khá tích cực bởi sẽ giúp tăng nguồn vốn đầu tư, cải thiện chất lượng dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Trên thế giới, khá nhiều quốc gia đã và đang áp dụng phương thức này rất hiệu quả, trong đó có Trung Quốc - đất nước có hệ thống đường cao tốc trả phí lớn nhất thế giới.
Mang về lợi nhuận 79,1 tỷ USD cho Trung Quốc
Trung Quốc có tổng chiều dài đường cao tốc trả phí chiếm tới 70% của thế giới và lập kỷ lục vì tốc độ xây dựng đường cao tốc lớn trong thời gian cực ngắn. Hiện tại, việc áp dụng thu phí cao tốc đang ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, điển hình như: Australia, Brazil, Pháp, Đức, Ấn Độ, Italy, Nhật Bản, Mexico, Thuỵ Điển. Tại Mỹ, hơn 4.000km đường cao tốc liên bang đều áp dụng thu phí.
Theo dữ liệu từ Bộ Giao thông Trung Quốc được công bố hồi tháng 8 vừa rồi, tính đến cuối năm 2018, hệ thống đường cao tốc trả phí tại nước này dài 168.100km, mang về 555,24 tỷ nhân dân tệ (tương đương 79,1 tỷ USD) lợi nhuận thường niên.
Cơ chế thực hiện chiến lược đó là, Bộ Giao thông Trung Quốc (MOT) sẽ xây dựng chiến lược và tiêu chuẩn, còn các tỉnh chịu trách nhiệm phần lớn tài chính trong đó đa phần từ đi vay hoặc trích ngân sách.
Chính quyền địa phương sẽ lựa chọn và thành lập một số công ty chuyên biệt để xây dựng và vận hành đường bộ, dựa theo từng trường hợp. Mỗi công ty sẽ chịu trách nhiệm cho một đoạn đường cao tốc cụ thể, huy động vốn thông qua đầu tư trực tiếp, niêm yết công khai hoặc chứng khoán hóa. Các công ty sẽ thu phí để đóng góp cũng như phục hồi các chi phí tài chính (vận hành và bảo trì đường).
Tại sao phải thu phí?
Lý giải điều này, các chuyên gia như ông Binyam Reja, Paul Amos, Fan Hongye đến từ China Communications News, đã lập luận dựa trên 2 nguyên tắc kinh tế.
Trong đó, nguyên tắc đầu tiên là những người sử dụng, làm hao mòn tài sản khan hiếm nên chịu ít nhất một phần chi phí nếu không sẽ gây ra xu hướng tận dụng quá mức. Tiền phí cao tốc sẽ được sử dụng vào vận hành, bảo trì, cải tạo đường hiện tại và xây dựng đường mới.
Trung Quốc từng gặp phải cảnh tắc đường kinh hoàng sau khi chính phủ miễn phí sử dụng các tuyến đường cao tốc chất lượng cao, lần đầu tiên trên toàn quốc vào năm 2012, nhân dịp nghỉ lễ Trung thu 8 ngày. Người dân đổ xô sử dụng đường cao tốc chất lượng cao dẫn đến cảnh tắc nghẽn từ sáng sớm.
Cơ quan Quản lý giao thông Bắc Kinh cho biết, 17 tuyến đường tại Bắc Kinh tắc từ 6h sáng. Tại Thượng Hải, đơn vị quản lý còn phải dựng tạm nhà vệ sinh di động ở một số điểm trên đường cao tốc, hỗ trợ tài xế và hành khách bị kẹt trên đường. Chưa kể, cùng thời điểm, tỉ lệ tai nạn giao thông nghiêm trọng cũng tăng cao.
Nguyên tắc thứ 2 đó là bản chất của cạnh tranh. Nếu cho phép sử dụng hệ thống đường bộ chất lượng cao miễn phí, sẽ có lượng khách lớn từ đường sắt chuyển sang đường bộ, dẫn tới mất cân bằng giữa các hạ tầng vận tải.
Hiện, tất cả đường cao tốc thu phí tại đất nước tỷ dân này được xây dựng song song với một tuyến đường cao tốc có sẵn nhưng miễn phí hoặc phí thấp, cho phép người dân có nhiều sự lựa chọn.
Ngân hàng Thế giới đánh giá, việc thu phí đường bộ chính là yếu tố quan trọng cho thành công của chương trình xây dựng đường cao tốc quốc gia Trung Quốc, góp phần giúp chính quyền địa phương hiện thực hóa tham vọng xây dựng hệ thống đường cao tốc quốc gia trong thời gian ngắn và lột xác giao thông đường bộ xuyên vùng cả về năng suất và hiệu quả, góp phần thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế; cải thiện kết nối khu vực và giúp lan tỏa lợi ích phát triển kinh tế…