Các nước xử phạt sản xuất và sử dụng MBH “rởm” thế nào?

Thứ ba, 10/11/2020 09:38
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chính phủ nhiều nước đưa ra các chế tài xử phạt người điều khiển mô tô sử dụng các loại mũ thời trang, kém chất lượng, giá rẻ...

Cảnh sát giao thông Bengaluru (Ấn Độ) trong chiến dịch ra quân nâng cao nhận thức về đội mũ bảo hiểm

Hiện tại, gần như tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam đều bắt buộc người điều khiển mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Nhưng thực tế, rất nhiều quốc gia có tình trạng người điều khiển mô tô chuộng các loại mũ thời trang, kém chất lượng, giá rẻ, buộc chính phủ các nước đưa ra các chế tài xử phạt nhằm nâng cao nhận thức người dân.

Mũ không đạt chuẩn phạt tới 5.000 USD/chiếc

Đến thời điểm này, thế giới chưa có quy định chung về chất lượng mũ bảo hiểm. Mỗi quốc gia sẽ có một bộ tiêu chuẩn riêng.

Chẳng hạn, tại Mỹ, tiêu chuẩn chất lượng mũ bảo hiểm phổ biến nhất được gọi chung là DOT, do Cơ quan ATGT Quốc gia (NHTSA) kiểm tra và cấp phép. Ngoài ra còn có các tiêu chuẩn khác được gọi là Snell, do một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận cấp. DOT là tiêu chuẩn bắt buộc trên toàn liên bang trong khi Snell là tùy chọn.

Tại châu Âu, các nước trong khu vực sử dụng tiêu chuẩn do Ủy ban Kinh tế châu Âu (ECE) cấp, được đánh giá như một phiên bản châu Âu của DOT nhưng bao hàm các quy trình kiểm tra chất lượng khắt khe hơn.

Hiện tại, tiêu chuẩn này đang được công nhận tại 50 quốc gia và hầu hết các tổ chức đua xe lớn trên thế giới. Một số mô hình quản lý chất lượng ít phổ biến hơn là hệ thống SHARP tại Anh và CRASH tại Australia…

Tại Mỹ, để được dán nhãn DOT, mũ bảo hiểm phải đáp ứng một số tiêu chuẩn tối thiểu đồng thời phải vượt qua một số bài thử nghiệm tác động. Một trong số đó là đặt thiết bị giả giống hình đầu người có gắn những cảm biến đo lường vào bên trong mũ để đo tốc độ và lực khi mũ bảo hiểm rơi xuống một số bề mặt từ độ cao nhất định.

Dựa trên số liệu đo lường được, cơ quan quản lý sẽ quyết định chất lượng mũ bảo hiểm có đảm bảo hay không. NHTSA thường thực hiện mỗi loại thử nghiệm 2 lần để đảm bảo mũ có thể chịu được nhiều tác động trong một vụ tai nạn.

Mặc dù các nhà sản xuất tại Mỹ có thể tự công bố mũ bảo hiểm của họ đã đạt chuẩn DOT và dán nhãn nhưng một khi cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất mà không đạt chuẩn, hãng đó lập tức bị tước chứng nhận.

Đồng thời đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm không đạt chuẩn như đã công bố, sẽ phải chịu mức phạt rất nặng, lên tới 5.000 USD/mũ. Do đó, phần lớn các hãng đều tự thực hiện các bài kiểm định chất lượng một cách cẩn thận trước khi công bố ra thị trường để tránh bị phạt nặng.

Trong khi đó, với Snell - tiêu chuẩn mũ bảo hiểm được coi là cao gần như nhất trên thế giới, những bài kiểm tra vô cùng khắt khe. Snell sẽ đánh giá và phát hành tiêu chuẩn chứng nhận mới mỗi 5 năm/lần.

Tiêu chuẩn hiện tại là M2015 với quy trình kiểm định tương tự DOT nhưng kèm thêm một vài tiêu chuẩn khác như sử dụng 5 chiếc đe với hình dạng khác nhau tác động lên mũ để thử sức bền; mũ bảo hiểm được thả từ nhiều độ cao, thường cao hơn tiêu chuẩn DOT…

Dùng tiền phạt mua mũ bảo hiểm đạt chuẩn mới được cho đi

Vấn nạn mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng không chỉ liên quan tới các nhà sản xuất mà còn nằm ở sự chủ quan với sức khoẻ và an toàn của bản thân người tiêu dùng.

Không chỉ Việt Nam mới chứng kiến người dân đội mũ bảo hiểm thời trang kém chất lượng, Ấn Độ cũng đang đau đầu vấn đề tương tự.

Như hàng triệu người dân Ấn Độ, anh Rohtas Ahlawat (28 tuổi) cũng chọn mũ bảo hiểm dựa trên giá và đội để đối phó cảnh sát, chứ ít khi để ý tới mức độ bền, chống va đập.

Anh Ahlawat mua một chiếc mũ bảo hiểm từ một người bán ven đường với giá chỉ 250 rupee (rẻ bằng ¼ giá của chiếc mũ đạt chuẩn) dù biết rõ mũ không chất lượng với chứng nhận chất lượng ISI giả. Các nhà sản xuất mũ bảo hiểm hàng đầu của Ấn Độ nhận thấy 75 - 80% người dân nước này chọn mua mũ giả vì nhẹ và rẻ.

Coi hành vi sản xuất/bán mũ bảo hiểm giả kém chất lượng tương tự như bán thuốc giả, cách đây 2 năm, Bộ Giao thông và Đường Cao tốc Ấn Độ đã bổ sung chế tài xử phạt vô cùng khắt khe với những hành vi này.

Theo đó, những người sản xuất/bán/tàng trữ mũ bảo hiểm không đạt chuẩn ISI do Ấn Độ quy định sẽ bị phạt tới 2 năm tù hoặc ít nhất là 2.700 USD cho lần vi phạm đầu tiên và mức phạt sẽ tăng cao với những lần vi phạm tiếp theo.

Ngoài ra, một số cảnh sát địa phương còn thực hiện những chiến dịch vận động, thay đổi nhận thức người dân như tại TP Bengaluru, thủ phủ bang Karnataka, Ấn Độ. Cảnh sát giao thông thành phố đã thực hiện chiến dịch ra quân truy quét người điều khiển phương tiện và đội mũ bảo hiểm kém chất lượng nhưng cách xử phạt lại nhân văn đó là tạm giữ xe 2 tiếng và yêu cầu người vi phạm dùng chính tiền phạt để mua mũ bảo hiểm đạt chuẩn thì mới được tiếp tục tham gia giao thông.

Theo nghiên cứu mũ bảo hiểm do Liên Hợp Quốc thực hiện từ năm 2016, trên toàn cầu, người lái xe máy là đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì TNGT, với tỉ lệ thiệt mạng cao gấp 26 lần so với người lái ô tô. Nhưng chỉ cần đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, tỉ lệ sống sót sẽ tăng 42%, đồng thời tránh chấn thương não lên tới 69%.

Báo cáo còn ước đoán, trong khoảng thời gian từ năm 2008 - 2020, có khoảng 3,4 triệu người thiệt mạng vì TNGT xe máy song khoảng 1,4 triệu người có thể an toàn nếu sử dụng mũ bảo hiểm an toàn.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)