Xe buýt tại Hàn Quốc, Singapore, Anh… là phương tiện rất thuận tiện, được nhiều người yêu thích, tự nguyện sử dụng thay cho xe cá nhân.
Chính quyền Seoul chi khoảng 200 triệu USD/năm (20 USD/người)
để trang trải chi phí hoạt động, bù lỗ cho hệ thống xe buýt
Trong khi ở nhiều thành phố/quốc gia, nhắc đến xe buýt, nhiều người ngán ngẩm nghĩ đến cảnh chen lấn, hôi hám, phải đi bộ hàng km đến nhà chờ thì tại Hàn Quốc, Singapore, Anh… xe buýt lại là phương tiện rất thuận tiện, được nhiều người yêu thích, tự nguyện sử dụng thay cho xe cá nhân.
Kết hợp công - tư, chấp nhận bù lỗ
Tại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, xe buýt chịu trách nhiệm vận tải phần lớn lưu lượng giao thông công cộng, giảm tắc nghẽn và ô nhiễm môi trường. Kết quả này có được là nhờ nỗ lực cải cách cơ cấu và quản lý hệ thống xe buýt toàn diện của chính quyền Thủ đô.
Sau cải cách từ tháng 7/2004 đến nay, hệ thống xe buýt được quản lý theo mô hình khá đặc biệt, kết hợp công - tư. Trong đó, Seoul thành lập một hội đồng tư vấn điều hành xe buýt với sự tham gia của chính quyền thành phố cùng các công ty tư nhân.
Hội đồng này chịu trách nhiệm quản lý doanh thu chung và phân bổ lại cho các công ty tư nhân dựa trên kinh phí hoạt động cơ sở và lợi nhuận. Lợi nhuận từ những tuyến tốt được dùng để bù đắp cho các tuyến cần thiết nhưng bị lỗ. Cơ quan này cũng nắm quyền điều chỉnh tuyến, đảm bảo chất lượng và cải thiện dịch vụ.
Chính quyền kêu gọi tư nhân tham gia chung tay vào nỗ lực phát triển giao thông công cộng bằng các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho tài xế nhận lương cao hơn và giảm áp lực cạnh tranh, từ đó họ không phải tìm mọi cách để tăng số chuyến - một trong những nguyên nhân gây TNGT.
Hiện nay, chính quyền Seoul đang chi khoảng 200 triệu USD/năm (20 USD/người) để trang trải chi phí hoạt động, bù lỗ cho hệ thống xe buýt.
Kết quả, lượng khách sử dụng hệ thống xe buýt tăng 64,3% so với trước khi áp dụng, gỡ rối những vấn đề nghiêm trọng liên quan tới giao thông như số lượng xe ô tô cá nhân quá cao gây tắc nghẽn; cạnh tranh gay gắt giữa những công ty điều hành xe buýt; chồng lấn nhiều loại hình vận tải công cộng khác.
Để tạo cạnh tranh, chính quyền thành phố mở cửa cho tư nhân đấu thầu một số tuyến buýt và triển khai sáng kiến dịch vụ khách hàng. Năng lực vận hành sẽ được đánh giá theo khung. Những đơn vị hoạt động tốt sẽ được khen thưởng và ngược lại.
Singapore giao cho tư nhân nhưng có kiểm soát, hỗ trợ
Một ví dụ khác tại châu Á là Singapore. Với tỉ lệ người chọn xe buýt chiếm 60% trên toàn hệ thống giao thông công cộng, quốc đảo sư tử là một trong những quốc gia được đánh giá cao về hệ thống vận tải đại chúng bằng xe buýt.
Tại đây, xe buýt công cộng do Công ty SBS Transit và SMRT Corporation (đều đã niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore) vận hành dựa trên nguyên tắc thương mại mà không có trợ cấp trực tiếp từ chính phủ.
Song mức vé tối đa phải được Hội đồng Giao thông Công cộng kiểm duyệt chứ không thả nổi cho các công ty tự định đoạt.
Ngay tháng 9 vừa rồi, hai công ty này đề xuất tăng giá vé tối đa 4,4% nhưng đã nhận cái lắc đầu từ Hội đồng Giao thông Công Cộng. Tổ chức này yêu cầu giữ nguyên giá vé, ít nhất trong năm 2021.
Để tạo lợi nhuận, ngoài tiền vé, SBS và SMRT còn kinh doanh quảng cáo và cho thuê.
Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm đầu tư hạ tầng như nhà chờ, hệ thống đèn tín hiệu… và đưa ra những chính sách, chế tài ưu tiên cho xe buýt, chẳng hạn như làn dành riêng.
Bên cạnh đó, hai công ty này còn được hưởng miễn thuế đối với xăng, dầu diesel và miễn phí để lấy giấy phép sử dụng xe COE khi mua xe buýt mới. Đây là một loại thuế khá đắt đỏ, vốn được chính phủ đưa ra nhằm kiểm soát lượng xe mới.
Xe buýt tại Anh được chính phủ trợ cấp lớn
Tại châu Âu, Anh là một trong những quốc gia có hệ thống xe buýt phát triển nhất, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông quốc gia, là phương tiện vận tải 12 triệu lượt khách/ngày, chiếm 50% tổng số lượt vận tải công cộng, cao hơn tất cả các hình thức vận tải đại chúng khác.
Hệ thống xe buýt Anh do nhà nước quản lý, đầu tư và phát triển nhưng vẫn mở cửa cho tư nhân tham gia vận hành với một số điều kiện như phải có giấy phép vận hành (O), đáp ứng yêu cầu từ Ủy ban Giao thông địa phương.
Xác định xe buýt là lựa chọn vận tải đại chúng dễ tiếp cận và có chi phí phải chăng nhất so với các phương tiện khác nên Chính phủ Anh liên tục đầu tư đổi mới hệ thống. Không chỉ chú trọng vào cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn cập nhật những phương tiện thân thiện môi trường để hạn chế khí thải.
Từ đầu năm 2010, Vương quốc Anh đã đầu tư khoảng 150 triệu bảng Anh vào thay thế và nâng cấp dàn xe buýt. Hiện tại, nước này có hơn 1.300 xe buýt phát thải thấp và hơn 263 xe buýt không phát thải.
Với mục tiêu giảm thiểu lượng xe cá nhân, tăng sử dụng phương tiện công cộng, Chính phủ Anh đã hỗ trợ lên tới 250 triệu bảng Anh/năm cho các dịch vụ xe buýt, tạo điều kiện để các nhà vận hành vừa hạ thấp giá vé vừa nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nhưng thay vì chi cho các nhà vận hành, chính phủ chuyển tiền hỗ trợ cho chính quyền địa phương để điều phối, hỗ trợ các dịch vụ xe buýt cần thiết trong khu vực.
Nhằm cải thiện hơn nữa dịch vụ xe buýt hiện tại hoặc khôi phục những dịch vụ rất cần thiết nhưng đã bị cắt giảm, Chính phủ Anh dự định chi thêm 30 triệu bảng Anh cho chính quyền địa phương trong thời gian từ năm 2020 - 2021.
Nếu muốn hỗ trợ người nghèo, chính quyền Singapore sẽ không tác động vào hai công ty điều hành mà trích ngân sách chính phủ, áp dụng chương trình ưu đãi cho những nhóm người dễ bị tổn thương. Điển hình như chương trình voucher giao thông vận tải trị giá 50 USD cho những hộ gia đình nghèo đang được triển khai.