Trong 15 năm tới, người dân châu Âu sẽ được hưởng hạ tầng, phương tiện vận tải hiện đại tốc độ cao, tập trung vào công nghệ mới nổi.
Một mẫu máy bay hydrogen của Airbus
Nếu tưởng tượng theo “Chiến lược Vận tải Thông minh và Bền vững” vừa được Ủy ban châu Âu công bố, trong 15 năm tới, người dân châu Âu sẽ được hưởng hạ tầng, phương tiện vận tải hiện đại tốc độ cao, tập trung vào công nghệ mới nổi như tàu ống tốc độ cao (hyperloop) và máy bay sử dụng nhiên liệu hydrogen trong khi thực hiện được mục tiêu tối thượng là giữ môi trường trong sạch.
Hạ tầng giao thông “xanh”, thông minh, thuận tiện
Theo chiến lược trên, trong 15 năm, EU sẽ tập trung xây dựng giao thông ở lục địa già theo hướng bền vững, thông minh và linh hoạt. Chỉ cần kế hoạch này thành công, châu Âu có thể cắt giảm 90% khí thải nhà kính liên quan tới giao thông tính đến năm 2050.
Cụ thể, đến năm 2030, sẽ có ít nhất 30 triệu ô tô không phát thải di chuyển trên đường, chuẩn bị thị trường cho các phương tiện vận tải đường biển sử dụng điện; triển khai phương tiện tự lái trên quy mô lớn; mở rộng hạ tầng dành cho xe đạp.
Tới năm 2035, EU mong muốn chuẩn bị thị trường cho máy bay lớn không phát thải. Lúc này, gần như toàn bộ ô tô, xe tải, xe bus vận hành trên đường đều phải là phương tiện chạy điện. Đồng thời, EU dự định tăng vận tải đường sắt lên gấp đôi.
Còn tương lai gần, giới chức châu Âu dự đoán người dân trong khu vực có thể tiếp cận và di chuyển dễ dàng bằng máy bay không người lái, xe tự lái, máy bay sử dụng nhiên liệu hydrogen… và đặc biệt là hệ thống tàu cao tốc hyperloop.
Nếu như các phương tiện như xe điện, xe tự lái, máy bay không người lái được nhắc đến nhiều và đường hướng phát triển khá rõ thì tàu cao tốc hyperloop và máy bay sử dụng nhiên liệu hydrogen lại là những dấu hỏi lớn trong kế hoạch trên của châu Âu.
Trước hết là việc triển khai tàu ống cao tốc hyperloop. Ý tưởng phát triển hệ thống này còn quá mới và mạo hiểm vì độ khó kỹ thuật và an toàn.
Hyperloop có dạng ống, sử dụng động cơ điện cực hiệu quả, đệm từ… cho phép tàu có thể vận chuyển nhiều người hơn tàu điện ngầm, ở tốc độ máy bay trong khi không phát thải trực tiếp ra môi trường.
Hiện tại, chỉ có 1 vài công ty đang nghiên cứu về công nghệ này như Virgin Hyperloop của tỷ phú Anh Richard Branson, người sở hữu startup không gian Virgin Galactic; hệ thống Hyperloop của SpaceX thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk và gần đây nhất là dự án của công ty khởi nghiệp Hardt thuộc Hà Lan.
Trong đó, ông Elon Musk dự định mở đường tàu siêu tốc 1.200km/h mang tên Hyperloop tại 3 nước châu Âu, cho phép hành khách đi từ Vienna đến Bratislava (56km) theo đường thẳng trong 8 phút, vượt quãng đường từ Bratislava đến Budapest (160km) trong 10 phút.
Châu Âu đã làm việc với các công ty hyperloop, các cơ quan quản lý, cơ quan tiêu chuẩn trong suốt 2 năm qua để đưa ra cơ sở và tiêu chuẩn an toàn cho hyperloop.
Với máy bay hydrogen, nếu được phát triển, loại máy bay này có mức phát thải bằng 0, giúp các hãng hàng không châu Âu giải quyết bài toán đau đầu nhất về khí thải. Nhưng khó khăn ở chỗ, nhiên liệu hydrogen rất khó lưu trữ và sử dụng vì dễ cháy, chi phí sản xuất theo quy trình sạch còn đắt, hạ tầng sân bay chưa đáp ứng điều kiện để tiếp nhiên liệu này cho máy bay.
Tuy nhiên, tương lai của máy bay hydrogen đang dần khởi sắc hơn khi đến tháng 9 vừa rồi, nhà sản xuất máy bay Airbus công bố tới 3 mô hình mẫu máy bay vận hành bằng hydrogen và đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ phát triển kỹ thuật thành công.
Dự án này của Airbus đã nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều cổ đông như chính phủ Pháp, Đức và Tây Ban Nha - những nước đã cam kết đưa khí phát thải carbon về mức zero vào năm 2050.
Mục tiêu còn mơ hồ, thiếu thực tế
Mục tiêu giới chức châu Âu đặt ra là vậy nhưng nhiều tổ chức về môi trường lại có nhận định trái chiều. Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng, mục tiêu về cắt giảm khí thải giao thông của châu Âu khá tham vọng nhưng cách thực thi vẫn còn mơ hồ.
Trong một thông báo phản ứng về kế hoạch này, tổ chức vì môi trường phi lợi nhuận Greenpeace khu vực châu Âu cho rằng: “Đề xuất trên của Ủy ban châu Âu không hề nhắc đến việc phải giảm lượng vận tải hàng không hay giảm số lượng xe cá nhân”.
Hiện tại đã có khoảng 3 quốc gia ở châu Âu bao gồm: Anh, Na-Uy, Đức và Canada đặt mục tiêu cấm bán phương tiện chạy bằng xăng, diesel trong vài năm tới. Trong đó Anh rút ngắn thời gian thực thi từ 2025 xuống 2020. Đức đã bắt đầu cấm xe sử dụng diesel cũ và các phương tiện phát thải cao từ năm 2018. Nhưng giới chức các nước này không yêu cầu hạn chế số xe cá nhân.
Ngoài ra, theo tổ chức này, tuy chính quyền châu Âu yêu cầu, tính đến năm 2030, tất cả các hình thức vận tải đại chúng như tàu, xe bus, đường sắt dưới 500km phải trung lập carbon nhưng không có các biện pháp ràng buộc như cấm vận hành máy bay chặng ngắn tại những nơi có thể tận dụng các biện pháp thay thế ít phát thải như tàu.
Để hiện thực hóa “Chiến lược Vận tải Thông minh và Bền vững”, châu Âu sẽ tập trung vào các sáng kiến và công nghệ mới: Tạo điều kiện tốt nhất cho các đơn vị phát triển công nghệ, dịch vụ tiên tiến; thiết lập cơ chế, quy định để quản lý.