Vấn đề phát hành, chứng thực, quản lý hộ chiếu vaccine trên thế giới, cụ thể là ở Mỹ đang tồn tại rất nhiều bất cập.
New York là bang đầu tiên ứng dụng hộ chiếu y tế điện tử
qua ứng dụng Excelsior Pass Wallet
Hộ chiếu y tế điện tử (hay còn gọi là hộ chiếu vaccine) là nền tảng trên điện thoại, cho phép tiếp cận và xác nhận dữ liệu y tế của 1 cá nhân như tình trạng tiêm chủng hoặc kết quả xét nghiệm Covid-19. Công nghệ này đang được kỳ vọng giúp nối lại vận tải quốc tế giữa đại dịch. Nhưng, vấn đề phát hành, chứng thực, quản lý hộ chiếu vaccine trên thế giới, cụ thể là ở Mỹ đang tồn tại rất nhiều bất cập.
Các bang và hãng hàng không tự phát triển ứng dụng hộ chiếu vaccine
Là nền kinh tế lớn nhất thế giới và từng trải qua đợt dịch Covid-19 nặng nề, Mỹ đã và đang đẩy mạnh tiêm phòng vaccine để sớm mở cửa trở lại.
Về phát hành, quản lý hộ chiếu vaccine, theo CNBC, chính quyền liên bang Mỹ khẳng định, các đơn vị tư nhân tự xây dựng ứng dụng quản lý hồ sơ y tế điện tử. Việc duy trì cơ sở dữ liệu tiêm chủng cũng tùy thuộc chính sách từng bang.
Đến thời điểm này, chỉ có 2 bang là New York và Hawaii thực thi quy định về hộ chiếu y tế. Còn lại, đa phần các bang đều không yêu cầu thậm chí có nhiều bang như Alabama, Arizona... đã cấm áp dụng trong những hoạt động, dịch vụ, kinh doanh tại bang.
Bang New York là nơi đầu tiên ra mắt hộ chiếu y tế điện tử dành cho những người đã được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 hoặc những người có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Loại thẻ này do Công ty IBM phát triển, người dùng có thể in hoặc lưu trữ các giấy tờ trên điện thoại thông minh với ứng dụng mang tên “Excelsior Pass Wallet”.
Một số hãng hàng không như JetBlue Airways cũng đang thử nghiệm thẻ y tế điện tử do tổ chức phi lợi nhuận The Commons Project phát triển được gọi là “Common Pass”.
Gần đây, hãng United Airlines cũng cho biết sẽ bổ sung vào ứng dụng sẵn có tính năng đặt chỗ xét nghiệm Covid-19 trực tuyến, tự động cập nhật kết quả qua ứng dụng rồi gửi thông báo hành khách có thể di chuyển hay không.
Nhiều bất cập
Cách quản lý kiểu này sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, các hãng bay sẽ không có cơ sở chung để xác nhận giấy tờ xét nghiệm và chứng nhận đã tiêm phòng.
Ông Dakota Gruener, Giám đốc điều hành Liên minh ID2020, một dự án giải pháp nhận dạng kỹ thuật số hướng đến việc đảm bảo an toàn trên internet nhận định: “Nếu không có quy định quản lý cụ thể, hành khách rất dễ rơi vào tình trạng đến sân bay và trình giấy tờ y tế điện tử đã lưu trong ứng dụng nhưng lại không được hãng bay hoặc nhân viên hải quan công nhận. Lúc đó, họ sẽ chẳng biết làm cách nào để lên được máy bay”.
Mặt khác, chứng nhận bằng giấy lại dễ bị thất lạc, đặc biệt là dễ bị làm giả, dẫn tới khó có thể kiểm soát chính xác và thuận tiện. Khoảng giữa tháng 4 vừa rồi, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã thông báo, rất nhiều quốc gia từ Pháp đến Brazil, Bangladesh và Afghanistan... ghi nhận tình trạng hành khách sử dụng giấy tờ tiêm chủng/xét nghiệm Covid-19 giả.
Nhiều cơ quan quản lý biên giới và lực lượng chức năng ở các nước như Anh, Tây Ban Nha, Indonesia, Zimbabwe... cũng phát hiện rất nhiều trường hợp bán giấy tờ y tế giả mạo.
Hơn nữa, khi không có sự kiểm soát từ chính phủ, những thông tin y tế nhạy cảm của người dân có thể bị đơn vị thứ 3 tiếp cận và lợi dụng để khai thác vào nhiều mục đích khác.
Chính vì vậy, ngành du lịch, vận tải Mỹ tha thiết kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thiết lập một bộ tiêu chuẩn y tế điện tử để có thể sớm dỡ bỏ những quy định hạn chế đi lại. Bởi nền kinh tế Mỹ đã gánh chịu tổn hại không nhỏ trong suốt hơn 1 năm qua vì rào cản đi lại.
Giám đốc điều hành Liên minh ID2020 cũng cảnh báo nếu không có tiêu chuẩn, khung quản lý chung, hành khách và nền kinh tế Mỹ sẽ phải chịu đựng những những hậu quả không đáng có.
Sáng kiến liên minh hộ chiếu y tế điện tử toàn cầu
Các công ty, tổ chức quốc tế kêu gọi thiết lập tiêu chuẩn chung
toàn cầu hỗ trợ lẫn nhau về hộ chiếu y tế điện tử
Để tự cứu mình, nhiều công ty trong ngành công nghệ, y tế và du lịch đã bắt tay cùng thực hiện sáng kiến Good Health Pass Collaborative, tạo ra một kế hoạch tổng thể cho các hệ thống thẻ y tế điện tử trên toàn cầu. Hệ thống này có thể tương hỗ lẫn nhau và xây dựng lộ trình an toàn nhằm khôi phục lại hoạt động đi lại trên toàn cầu, tái khởi động nền kinh tế toàn thế giới.
Chỉ trong thời gian ngắn, đã có 120 công ty và tổ chức tham gia sáng kiến trên với nhiều cái tên nổi bật như: Lumedic, IBM, Mastercard, Evernym, tổ chức Hội đồng sân bay quốc tế, Sáng kiến hồ sơ Covid-19, tổ chức Commons Project Foundation, Phòng thương mại quốc tế, Liên minh ID2020…
Good Health Pass Collaborative đã gửi thư lên Điều phối viên ứng phó Covid-19 Nhà Trắng Jeff Zients kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thiết lập hướng dẫn chính thức cụ thể để phát triển và triển khai hệ thống hộ chiếu y tế điện tử sử dụng cho mục đích đi lại và nhiều trường hợp khác.
Cuối tháng 5 vừa rồi, sáng kiến Good Health Pass Collaborative cũng hối thúc các nước thành viên trong nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) xây dựng thỏa thuận tiêu chuẩn quốc tế trong ứng dụng hộ chiếu y tế điện tử.
Từ tháng 2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) yêu cầu tất cả hành khách tới Mỹ, kể cả công dân Mỹ từ nước ngoài trở về đều phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 được thực hiện trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay.
Dù đó là yêu cầu bắt buộc nhưng đại diện Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết, nhân viên của cơ quan này sẽ không kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 của hành khách khi họ nhập cảnh mà thủ tục này sẽ do các hãng hàng không thực hiện.