Tốc độ phát triển xe buýt ở từng nước, từng khu vực đang khá chênh lệch. Trong đó, Trung Quốc đang bỏ xa phần còn lại của thế giới.
Khoảng 99% thị phần xe buýt điện toàn cầu thuộc về Trung Quốc
Điện hóa xe buýt là một trong những giải pháp quan trọng mà nhiều nước trên thế giới đang chú trọng nhằm giảm đáng kể lượng khí thải phát sinh từ giao thông, giải quyết vấn đề môi trường.
Nhưng tốc độ phát triển xe buýt ở từng nước, từng khu vực đang khá chênh lệch. Trong đó, Trung Quốc đang bỏ xa phần còn lại của thế giới.
Trung Quốc chiếm 99% thị trường xe điện toàn cầu
Theo một nghiên cứu thị trường mới về xe buýt điện do công ty MarketsandMarkets thực hiện và công bố cuối tháng 4/2021, nếu xét về khu vực có thị trường xe điện lớn nhất trong giai đoạn 2021-2027, châu Á - Thái Bình Dương là cái tên được xướng danh. Song, thống trị thị phần xe buýt điện trong khu vực này là Trung Quốc với hơn 420.000 xe.
Đất nước đông dân nhất thế giới là quốc gia đầu tiên chủ trương phát triển mạnh xe buýt điện và đang dẫn đầu khi chiếm 99% tổng số xe buýt điện đang vận hành trên toàn thế giới. Nhờ đó, đến cuối năm 2019, Trung Quốc đã giảm nhu cầu xăng dầu xuống 270.000 thùng mỗi ngày.
Có được sự phát triển này là nhờ Trung Quốc định hướng dẫn đầu trên thị trường xe điện thế giới từ sớm và trợ cấp nhà nước mạnh tay. Chưa kể, tất cả các nhà sản xuất xe buýt hàng đầu thế giới hiện nay đều đến từ Trung Quốc như: Ankai, BYD, Foton, Shandong Yixing, Yutong, Zhongton.
Điển hình, Thâm Quyến của Trung Quốc là thành phố đầu tiên trên thế giới điện hóa hoàn toàn xe buýt công cộng. Trong 9 năm đầu, nhà vận hành xe buýt công cộng Thâm Quyến đã nhận trợ cấp quốc gia khoảng 500 nghìn nhân dân tệ (tương đương 78 nghìn USD) khi mua 1 xe điện.
Rất nhanh chóng, đến năm 2017, Thâm Quyến đã hoàn thành điện hóa toàn bộ 16.539 xe buýt công cộng, phục vụ 12 triệu dân. Khoảng 80% xe buýt điện ở Thâm Quyến được sản xuất bởi hãng xe có trụ sở tại chính thành phố này, BYD.
Ngoài Trung Quốc, các nước khác trong khu vực mới bắt đầu quá trình điện hóa xe buýt vài năm trở lại đây.
Xét trong khu vực Đông Nam Á, một đất nước nổi tiếng về hạ tầng vận tải công cộng như Singapore hiện chỉ có 60 xe buýt điện đang vận hành. Indonesia, nơi vừa đặt tham vọng toàn bộ xe buýt sẽ là xe điện đến năm 2027, đang đưa vào thử nghiệm xe buýt điện tại 3 tỉnh, thành.
Còn Malaysia vừa mới đưa vào hoạt động chiếc xe buýt điện công cộng đầu tiên vào tháng 3/2021 sau 2 năm thử nghiệm và đang chuẩn bị mua thêm 4 xe mới.
Giữa bối cảnh đó, Thủ đô Hà Nội nổi bật với kế hoạch của Vinbus khi dự kiến đưa khoảng 150-200 chiếc xe buýt điện đầu tiên vận hành trên 10 tuyến ngay trong tháng 6 này.
Qua nghiên cứu và đánh giá, Công ty MarketsandMarkets cho rằng, trong tương lai khi các nước trong khu vực quan tâm hơn về xe điện, thị trường xe điện, phụ tùng xe điện đa dạng và rẻ hơn, tốc độ phát triển hạ tầng sạc nhanh hơn, thị trường xe không phát thải tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.
Bắc Mỹ sẽ có tốc độ phát triển buýt điện nhanh nhất
Cũng theo nghiên cứu trên của MarketsandMarkets, đến năm 2027, Bắc Mỹ (bao gồm Mỹ và Canada), sẽ là thị trường phát triển nhanh nhất.
Hiện tại, so với Trung Quốc, khu vực Bắc Mỹ vẫn còn kém xa về số lượng xe buýt phát thải thấp. Tính đến tháng 12/2020, toàn khu vực chỉ có khoảng 3.000 xe đang vận hành hoặc đã được đặt hàng. Trong đó, Mỹ có 2.800 xe còn Canada có khoảng 250 xe buýt điện.
Song, khu vực này đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ chính phủ sở tại. Đáng chú ý là ngân sách trị giá 130 triệu USD để thúc đẩy triển khai phương tiện, xe buýt không phát thải của Mỹ cùng một số ưu đãi về thuế và hạ tầng của nhiều bang. Cho nên tỉ lệ phát triển xe điện tại Bắc Mỹ được nhận định sẽ tăng theo cấp số nhân.
Tuy nhiên, lĩnh vực mà Mỹ tập trung nhất sẽ là xe buýt trường học. Riêng trong tháng 3/2021, công ty xe buýt Blue Bird đã giao 400 chiếc xe buýt điện trường học cho khu vực Bắc Mỹ.
Dự kiến, trong năm 2022, công ty này sẽ giao thêm 1.000 xe buýt điện trường học. Còn ở Canada, đến năm 2025, chính phủ cam kết sẽ đưa khoảng 5.000 xe buýt không phát thải, kể cả xe buýt vận tải và buýt trường học vào vận hành.
Ông Nick Albanese, nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu Bloomberg NEF tại New York nhận định: “Do Mỹ không có chính sách công nghiệp cho xe buýt điện, vậy nên chừng nào Mỹ chưa tính đến chuyện trở thành nhà xuất khẩu xe buýt điện lớn thì Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường”.
Năm 2025, 40 thành phố sẽ không còn xe buýt phát thải
Tại châu Âu, xu hướng điện hóa bắt đầu mạnh năm 2019. Khu vực này đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, khoảng 1/4 xe buýt công cộng sẽ là xe “xanh, sạch”. Tỉ lệ này sẽ tăng lên 1/3 từ năm 2030.
Hiện có khoảng 40 thành phố châu Âu trong đó có nhiều thành phố nổi tiếng sầm uất như: Paris, Berlin, London, Copenhagen, Barcelona, Rome và Rottedam... đã ký vào Tuyên bố C40 hướng tới triển vọng đến năm 2025, toàn bộ xe buýt tại các thành phố này sẽ là xe không phát thải.
Trong đó, Hà Lan là một trong những quốc gia phát triển xe buýt điện tốt nhất trong khu vực EU. Tính đến năm 2020, ước tính cứ 4 xe buýt tại đây thì có 1 xe sử dụng năng lượng điện. Tổng số xe buýt điện hiện có ở Hà Lan là khoảng 800 xe.
Dù vậy, theo đánh giá của công ty IES, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp sạc xe điện tiên tiến từ năm 1992, với tốc độ phát triển trên nếu không có đột phá, đến năm 2025, châu Âu vẫn tiếp tục tụt sau Trung Quốc. Đất nước tỉ dân vẫn được nhận định sẽ chiếm 99% thị phần xe điện trên toàn cầu.