Quảng cáo ô tô quá đà làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông ở Mỹ

Thứ năm, 09/09/2021 15:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mỗi năm các nhà sản xuất ô tô Mỹ chi ít nhất hơn 35 tỷ USD vào quảng cáo. Đáng chú ý, hơn một nửa số quảng cáo ô tô tại Mỹ tập trung làm nổi bật các hành vi lái xe nguy hiểm.

Theo hãng tin Bloomber, trên trang web và các kênh mạng xã hội của Dodge - thương hiệu xe tầm trung của Mỹ tràn ngập những ví dụ cho lối quảng cáo này.

Trong thời gian giãn cách phòng dịch, số vụ tai nạn tại Mỹ vẫn tăng 8%

Cú hớ của hãng xe Dodge

Dodge vốn là hãng xe có chiến lược quảng cáo tập trung vào thế mạnh mã lực, hiệu suất ô tô. Cách đây vài tháng, để tăng tương tác với khách hàng, Dodge đã đăng một trò chơi nhỏ lên mạng xã hội Twitter với nội dung: “Các bạn hãy điền vào chỗ trống. Động cơ mạnh hơn đồng nghĩa…”.

Nhưng phản ứng của cư dân mạng Twitter đã khiến Dodge bị hớ. Thay vì điền vào chỗ trống với những cụm từ như “xe càng khỏe” hay “xe càng mạnh”… cư dân mạng Twitter tại Mỹ lại bình luận bằng những cụm từ “thêm trẻ em thiệt mạng”, “thêm người đi bộ tử vong”… Cuối cùng, Dodge phải xóa vội bài viết.

Xét cục bộ, đây là lỗi nhỏ của nhóm làm nội dung quảng bá cho Dodge nhưng nhìn toàn diện, sự việc là điển hình cho lối marketing tập trung vào tốc độ, sức mạnh của xe và vô tình kích động tâm lý thích chạy xe tốc độ cao của người Mỹ.

Chẳng hạn, với quảng cáo cho mẫu xe Dodge Durango SRT Hellcat 2021, Dodge sử dụng cụm từ “chinh phục đường phố Mỹ” và nhiều động từ, tính từ như “hung hăng”, “hầm hố”, “đáng sợ” để mô tả chiếc xe. Dodge cũng chọn những danh từ rất mạnh như Charge (Ngựa chiến), Demon (Ác quỷ) hay Ram (Cừu đực) làm tên phương tiện.

Tờ báo Mỹ chỉ ra, việc truyền thông, quảng cáo quá đà với những bài viết ca ngợi dòng Dodge Charger có thể tăng tốc nhanh tới 203 dặm/giờ (370km/h) chẳng khác nào lời mời một “sát thủ” ra đường phố.

Trên thị trường, không chỉ Dodge, người tiêu dùng có thể bắt gặp nhiều quảng cáo tương tự từ các hãng xe khác Ford, BMW hay Nissan, theo Bloomberg.

Những cách quảng bá như vậy đi ngược lại với xu hướng tuyên truyền kêu gọi người tham gia giao thông duy trì tốc độ an toàn để giảm thiểu TNGT.

Nên siết quản lý quảng cáo về tốc độ xe

Một quảng cáo cho dòng xe mang tên “Ác quỷ” của Dodge

Để giảm thiểu mất mát về người và của, Bloomberg cho rằng, Chính phủ Mỹ cần siết chặt quản lý về marketing trong lĩnh vực ô tô, chấm dứt cách quảng bá thổi phồng về tốc độ, cách lái xe nhanh, ẩu. Đường phố Mỹ đang giới hạn tốc độ 30 dặm/giờ (gần 50km/h), không phải đường đua như trong phim Fast & Furious.

Một nghiên cứu năm 2010 từng chỉ ra, sau khi xem các quảng cáo ô tô vẽ ra viễn cảnh lái xe tốc độ cao, tăng tốc nhanh, người xem thường nghĩ rằng, cách lái này là ý tưởng hay.

Hiện tại, chưa có quy định rõ ràng về cách quảng cáo ô tô để đảm bảo an toàn. Trong khi đó, từ lâu, Mỹ đã có tiền lệ tác động vào các ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá, rượu bia... để hạn chế tác động tới sức khỏe con người.

Chẳng hạn, Mỹ đã cấm quảng cáo thuốc lá trên đài phát thanh và truyền hình theo Luật Quốc hội năm 1971. Quảng cáo ngoài trời theo kiểu phim hoạt hình nhắm tới trẻ em như Joe Camel của thuốc lá Camel, đã bị cấm từ năm 1998.

Tuy nghiên cứu về tác động giữa quảng cáo với hành vi hút thuốc của con người còn nhiều tranh cãi nhưng những phân tích về mức độ giảm tiêu thụ thuốc lá khi cấm quảng cáo thuốc lá, lại rất rõ ràng.

Với ngành công nghiệp rượu, đã có một bộ tiêu chuẩn riêng trong ngành tự phát triển để quản lý hoạt động quảng cáo.

Trên thế giới, Australia và Canada đã có hướng dẫn quảng cáo, không khuyến khích các công ty thực hiện quảng bá liên quan tới hành vi lái xe nguy hiểm.

Năm 2018, Anh cấm quảng cáo của Ford, Nissan và Fiat-Chrysler (nay đã sáp nhập với PSA Group thành Tập đoàn FCA) vì kích thích hành vi lái xe nguy hiểm.

TNGT do tốc độ gây tổn thất kinh tế Mỹ tới 40,4 tỷ USD/năm

Thống kê tại Mỹ cho thấy, mỗi năm TNGT cướp đi sinh mạng của gần 40 nghìn người, khiến hơn 4 triệu người bị thương. Trong đó, tốc độ và cách lái xe hung hăng, cẩu thả là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến 1/4 số người thiệt mạng vì TNGT.

Đáng chú ý, năm 2020, khi Mỹ thực hiện giãn cách xã hội, lưu lượng giao thông giảm nhưng tỉ lệ TNGT tại Mỹ lại tăng 8%.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này là do người tham gia giao thông lợi dụng đường vắng để tăng tốc, phóng nhanh. Ngoài thiệt hại về người, TNGT do tốc độ còn gây tổn thất kinh tế tới 40,4 tỷ USD/năm, theo Cơ quan ATGT đường cao tốc Mỹ.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)