Trung Quốc muốn vươn lên hàng đầu thế giới, không phụ thuộc vào công nghệ tiên tiến trong ngành giao thông vận tải.
Sáng tạo, ứng dụng toàn diện công nghệ vào giao thông
Cận cảnh hệ thống tàu đệm từ mới của Trung Quốc
vừa được ra mắt tại Thanh Đảo - ảnh CNS Photo
Kế hoạch trên vừa được đưa ra trong hướng dẫn chung do Bộ Giao thông và Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc ban hành nhằm tăng cường ứng dụng sáng kiến, đổi mới khoa học công nghệ vào xây dựng hệ thống vận tải.
Theo đó, Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ củng cố đáng kể về nghiên cứu cơ bản trong giao thông và ứng dụng vào thực tiễn.
Bắc Kinh sẽ tập trung tạo đột phá ở những lĩnh vực công nghệ trọng yếu, tăng cường kết hợp công nghệ tiên tiến nhất vào giao thông.
Nước này sẽ thiết lập hệ thống đổi mới công nghệ, khoa học, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có mạng lưới giao thông mạnh.
Đến năm 2035, Trung Quốc kỳ vọng năng lực sáng tạo, đổi mới trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ giao thông cơ bản của nước này sẽ được củng cố toàn diện.
Từ đây, Trung Quốc sẽ đủ khả năng độc lập, không phụ thuộc quốc gia khác trong những công nghệ quan trọng.
Hiện tại, Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu tàu siêu cao tốc từ tháng 8/2017. Tốc độ cao nhất được thiết kế cho loại tàu này dự kiến là 1.000km/h.
Cách đây 2 tháng, hệ thống vận tải đệm từ trường nhanh nhất thế giới (vận tốc lên đến 600km/h) do Trung Quốc tự phát triển, chính thức ra mắt tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Trung Quốc về công nghệ và sản xuất đường sắt tốc độ cao.
Vì sao Trung Quốc muốn độc lập công nghệ?
Máy bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh - Extremetech
Theo các chuyên gia, tham vọng dẫn đầu và độc lập về khoa học, kỹ thuật và công nghệ của Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực giao thông, ngày càng sôi sục không chỉ vì nước này thấy trước điểm yếu trong việc phụ thuộc vào công nghệ phương Tây mà còn bởi Bắc Kinh muốn thoát khỏi hình ảnh công xưởng thế giới và muốn trỗi dậy khi bị Hoa Kỳ và các đồng minh gây áp lực.
Nhiều nhà phân tích dự báo, Trung Quốc có thể thúc đẩy phát triển các tiêu chuẩn riêng, khác biệt với các tiêu chuẩn và khuôn khổ quốc tế hiện có, đẩy nhanh sự phân tách toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ giữa Trung Quốc và phương Tây.
Thực tế, đất nước tỷ dân này đã phát triển thần kỳ về công nghệ tàu cao tốc chỉ trong vòng 10 năm, từ một quốc gia phải sử dụng công nghệ Nhật Bản, Pháp... sang xuất khẩu công nghệ đường sắt, cạnh tranh với Nhật Bản.
Năm 2004, Bắc Kinh công bố chương trình phát triển đường sắt cao tốc, Bộ Đường sắt kêu gọi đầu tư xây một đường sắt tốc độ cao (200km/h, tối đa 350km/h).
Lúc đó, Trung Quốc đã mời các công ty nước ngoài bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki (Nhật), Bombardier (Canada), Siemens (Đức) và Alstom (Pháp) để thành lập một doanh nghiệp liên doanh cùng các đối tác Trung Quốc. Tại đây, các bên được yêu cầu cùng chia sẻ công nghệ.
Ba năm sau, lần đầu tiên Trung Quốc ra mắt đường sắt tốc độ cao CRH1A, với tốc độ tối đa đạt 250km/h. Kể từ đó tới nay, các công ty Trung Quốc nắm bắt công nghệ nước ngoài, biến thành công nghệ của riêng mình, thậm chí còn xuất khẩu công nghệ đường sắt ra các nước trên thế giới (Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Thái Lan, Nga…).
Chuyên gia kinh tế François Chimits, Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng và Thông Tin Quốc Tế (CEPII) đánh giá: "Trung Quốc đã huy động rất nhiều phương tiện tài chính để phát triển công nghệ phục vụ các lĩnh vực trong ngành công nghiệp".
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, mục tiêu độc lập về công nghệ của Trung Quốc còn khá xa. Trong nhiều lĩnh vực như ngành công nghiệp không gian, hàng không (sản xuất máy bay thương mại)..., Bắc Kinh còn cách xa so với các nước đã dẫn đầu. Do vậy, Trung Quốc sẽ luôn trong thế cần phải đuổi kịp các đối thủ quốc tế.
Hiện tại, ưu tiên của Bắc Kinh vẫn là thu hẹp khoảng cách với các nền công nghiệp phương Tây, tập trung phát triển các phương tiện sản xuất tại chỗ, tức là có nhà máy sản xuất từ phụ tùng đến thành phẩm, ít lệ thuộc vào nhập khẩu, ông Chimits nói.