Boeing tỏ ra thất vọng và khẳng định sẽ đánh giá thận trọng quyết định trên của tòa án trước khi đưa ra bước đi tiếp theo.
Sau hơn 3 năm lận đận, tiêu tốn tới 20 tỷ USD để xử lý bê bối liên quan tới dòng máy bay Boeing 737 Max, lãnh đạo Boeing tiếp tục bị các nhà đầu tư kiện vì thiếu giám sát, kiểm tra, đánh giá và xử lý các vấn đề an toàn ngay từ đầu, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Hàng nghìn máy bay Boeing 737 Max bị “treo động cơ”
suốt 20 tháng. Ảnh: The Seatle Times
Phớt lờ cảnh báo ngay từ vụ tai nạn đầu tiên
Đây một phần trong nội dung phán quyết dài 102 trang do bà Morgan Zurn, Thẩm phán Tòa thượng thẩm bang Delaware, vừa công bố cách đây vài ngày liên quan tới những đơn kiện chống lại ban điều hành Boeing.
Tòa án Delaware là nơi tập trung giải quyết các đơn kiện của các cổ đông (nhà đầu tư) đối với lãnh đạo Boeing.
Trong quá trình xét xử sơ thẩm, một số đơn kiện bị tòa bác bỏ. Nhưng đã có đơn kiện đưa ra đủ bằng chứng chứng minh, ban lãnh đạo hãng phớt lờ “cảnh báo nguy hiểm” về an toàn trên máy bay Boeing 737 Max ngay từ vụ tai nạn đầu tiên.
Theo hãng tin Reuters, cáo buộc trên do hai nhà đầu tư của Boeing là Quỹ hưu trí bang New York và Hiệp hội quỹ lương hưu cảnh sát, lực lượng phòng cháy chữa cháy bang Colorado đưa ra.
Theo họ, sự việc xảy ra từ tháng 10/2018 đã làm dấy lên nhiều vấn đề trong hệ thống kiểm soát chuyến bay tự động (MCAS) nhưng đã bị ban giám đốc Boeing lờ đi, không quan tâm xử lý triệt để.
Mãi đến khi chiếc máy bay thứ 2 của Boeing 737 Max lao xuống cánh đồng tại Ethiopia vào tháng 3/2019, họ mới có động thái giám sát, xử lý về chất lượng và an toàn trên diện rộng.
Tại một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ cách đây ít lâu, bản thân ông Dennis Muilenburg, cựu CEO Boeing cũng thừa nhận, sau vụ tai nạn đầu tiên của Lion Air, vị CEO này đã biết, các phi công tham gia thử nghiệm máy bay gửi tin nhắn nội bộ cho nhau bàn về vấn đề liên quan tới hệ thống MCAS.
Song ông Muilenburg không đọc hết tin nhắn, mà chuyển cho luật sư của Boeing. Vị cựu CEO khẳng định, nếu biết rõ nội dung tin nhắn về an toàn của Boeing 737 Max như vậy, Boeing đã có quyết định sớm.
Lãnh đạo che đậy sự thật
Giám đốc điều hành Boeing David Calhoun. Ảnh: CNBC
Hai cổ đông trên cũng cho rằng, thời gian đầu khi hai vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, ông David Calhoun, lúc đó còn là Chủ tịch không điều hành của Boeing, đã có những phát ngôn không đúng sự thật về phản ứng của ban lãnh đạo, nhằm cứu vớt danh tiếng của hãng.
Qua quá trình xét xử sơ thẩm, nữ phẩm phán Zurn cũng đồng tình và khẳng định, ông Calhoun đã đưa ra 4 phát ngôn không chính xác sau vụ máy bay Lion Air lao xuống biển Java năm 2018 khiến 189 người thiệt mạng.
Theo bà, vì các thành viên ban lãnh đạo của Boeing lờ đi những dấu hiệu từ vụ tai nạn đầu tiên nên đã dẫn tới vụ tai nạn chết người thứ 2 vào năm 2019.
Từ năm 2020 đến nay, ông Calhoun đã được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc điều hành của Boeing (CEO), thay thế ông Dennis Muilenburg để vực lại tập đoàn sau 2 cuộc khủng hoảng kể trên.
Tuy nhấn mạnh CEO Calhoun đã có phát ngôn không chính xác nhưng thẩm phán Zurn không đưa ra phán quyết với từng cá nhân trong ban giám đốc của Boeing mà chỉ nói chung rằng, ban lãnh đạo hãng đã không chân thành khi thực thi và bao quát hệ thống ở cấp lãnh đạo trong quá trình giám sát, báo cáo về vấn đề an toàn.
Theo nữ thẩm phán, những nạn nhân đầu tiên vì sự tắc trách này chính là hành khách đã thiệt mạng trên 2 chuyến bay sử dụng máy bay 737 Max và thân nhân của họ. Nhóm nạn nhân tiếp theo chính là doanh nghiệp Boeing và các cổ đông. Hai vụ tai nạn đã khiến tập đoàn cùng các nhà đầu tư thua lỗ hàng chục tỷ USD.
Trong đó, đầu năm nay, hãng Boeing phải trả 2,5 tỷ USD để dàn xếp cuộc điều tra tại Mỹ liên quan đến các vụ rơi máy bay dòng 737 Max. Tổng cộng, tập đoàn thua lỗ tới 20 tỷ USD và đối mặt hàng trăm vụ kiện tụng. Hơn hết là mất mát về người trong hai thảm họa (346 người thiệt mạng) và tổn hại về danh tiếng của Boeing.
Sau phán quyết trên, phía Boeing tỏ ra thất vọng và khẳng định sẽ đánh giá thận trọng quyết định trên trước khi đưa ra bước đi tiếp theo.
Nguyên nhân dẫn đến cả hai vụ tai nạn được cho là do hệ thống kiểm soát chuyến bay tự động (MCAS) đã bị kích hoạt do lỗi cảm biến góc tấn, khiến phi công không thể can thiệp để kiểm soát phương tiện.
Boeing 737 Max đã bị cấm bay gần 2 năm. Sau khi Boeing hoàn tất sửa lỗi thiết kế và cải thiện hệ thống máy tính kiểm soát chuyến bay của Max, Cục Hàng không Liên bang Mỹ mới cấp phép cho hoạt động thương mại trở lại từ năm 2020.