Theo Finnair, khẩu trang vải không được chấp nhận vì cho phép không khí lọt vào bên trong, không thể bảo vệ tốt trước nguy cơ lây nhiễm.
Những chiếc khẩu trang vải có thể giặt và tái sử dụng sẽ không được dùng trên máy bay của nhiều hãng hàng không trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu.
Lý do là nó không có khả năng bảo vệ tốt nhất trước các biến chủng Covid-19 nguy hiểm, lây lan nhanh.
Nhiều hãng hàng không khuyến cáo nên dùng khẩu trang y tế
hoặc mặt nạ phòng độc như N95 trên máy bay Ảnh: Finnair
Cấm khẩu trang vải, khuyên dùng loại y tế hoặc N95
Theo tờ Fortune, trên thế giới đã có các hãng hàng không như Finnair (Phần Lan), Swissair (Thuỵ Điển)… thay đổi chính sách về khẩu trang nhằm tăng khả năng phòng virus trước biến chủng Delta “siêu lây nhiễm”.
Mới đây nhất, ngày 16/8, Finnair thông báo không chấp nhận hành khách sử dụng khẩu trang vải khi lên máy bay, chỉ cho phép sử dụng các loại khẩu trang chuyên dùng trong phẫu thuật, khẩu trang phòng độc không có van thở (cùng tiêu chuẩn như mặt nạ N95) và yêu cầu hành khách đeo khẩu trang che kín mũi, miệng, trong toàn bộ chuyến bay.
Theo Finnair, khẩu trang vải không được chấp nhận vì cho phép không khí lọt vào bên trong, không thể bảo vệ tốt trước nguy cơ lây nhiễm.
Một số hãng hàng không khác, hầu hết hoạt động tại khu vực châu Âu, cũng nói không với loại khẩu trang có thể tái sử dụng này.
Hãng bay Lufthansa không cho phép sử dụng khẩu trang vải trên các chuyến bay đến và đi từ Đức kể từ ngày 1/2/2021. Hãng Swissair (Thuỵ Điển) cũng có chính sách tương tự.
Trong khi đó, 2 hãng hàng không Air France và Croatia Airlines yêu cầu cụ thể là phải sử dụng khẩu trang y tế.
Tại Mỹ, các hãng hàng không chưa có quy định về khẩu trang vải mà chỉ cấm dùng những phụ kiện thời trang như khăn bandannas hay khăn quàng cổ thay khẩu trang.
Theo Fortune, trước tình hình biến chủng Delta tiếp tục lây lan và xuất hiện nhiều biến chủng đáng quan tâm, các chính sách tại Mỹ có thể sẽ thay đổi.
Nên chọn và dùng khẩu trang như thế nào?
Hãng hàng không Finnair không chấp nhận hành khách sử dụng khẩu trang vải
Khẩu trang N95/KN95 là một loại mặt nạ phòng độc, sẽ ôm khít khuôn mặt của người dùng hơn các loại bằng vải hoặc khẩu trang y tế dùng 1 lần.
Các loại khẩu trang vải thường bị hở ở hai bên mặt hoặc mũi. Các khe hở có thể tạo lỗ hổng cho phép giọt bắn đường hô hấp có chứa virus rớt vào bên trong hoặc virus di chuyển xung quanh khẩu trang vào trong.
Hơn nữa, theo Fortune, rất khó để có thể chỉnh dây đeo ở tai cho khẩu trang vải dùng 1 lần vừa với khuôn mặt.
Ngoài ra, các loại N95/KN95 có thể lọc tất cả phân tử bụi từ nhỏ đến lớn khi người dùng hít thở. Trong khi đó, khẩu trang vải chủ yếu chỉ giúp người dùng phòng tránh bị dính giọt bắn dịch tiết đường hô hấp.
Bên cạnh đó, loại N95/KN95 thường có tới 5 lớp bảo vệ, khẩu trang y tế có 3 lớp còn một số loại khẩu trang vải chỉ có 1-2 lớp.
Về phân biệt giữa khẩu trang N95 và KN95, cả hai đều hiệu quả trong việc loại bỏ các phân tử trong không khí, có thể lọc tới ít nhất 95% phân tử cực nhỏ.
Nhưng khẩu trang KN95 là một loại mặt nạ thường được sản xuất và sử dụng ở Trung Quốc.
Tuy KN95 chưa được Chính phủ Mỹ phê duyệt để dùng trong môi trường y tế nhưng có khả năng ôm khít khuôn mặt và lọc bụi, vi khuẩn cao nên vẫn hiệu quả trong bảo vệ phòng tránh virus.
Với N95, loại mặt nạ phòng độc này đã được Viện Sức khoẻ và An toàn Nghề nghiệp Quốc gia Mỹ phối hợp với Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ phê duyệt từ năm 2018.
Song, Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo không được dùng các loại mặt nạ N95/KN95 có van thở vì đây có thể là nơi các giọt bắn có thể rơi rớt vào và tạo điều kiện cho virus xâm nhập. Ngoài ra, các loại mặt nạ này có thể gây khó chịu cho người dùng hơn các khẩu trang vải/y tế.
Ban đầu, khi dịch bệnh hoành hành mạnh, nhiều quốc gia như Mỹ và Anh… không kịp ứng phó và đối mặt tình trạng thiếu khẩu trang, giới chức các nước khuyến khích người dân nên ưu tiên dành mặt nạ N95 cho nhân viên y tế. Các nhà bán lẻ không bán mặt hàng này cho khách thường.
Tuy nhiên, hiện nay, ở các nước phương Tây, tình trạng thiếu hụt đã qua, người tiêu dùng có thể mua khẩu trang N95 dễ dàng. Các trang thương mại điện tử như Amazon đều đã cho phép khách hàng mua N95/KN95.
Trong trường hợp không có điều kiện kinh tế, để có thể bảo vệ tốt nhất trước biến chủng Delta, CDC Mỹ khuyến cáo có thể kết hợp cả khẩu trang y tế dùng một lần đeo bên trong và khẩu trang vải đeo bên ngoài, điều chỉnh khẩu trang cho ôm sát khuôn mặt để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm virus.
CDC Mỹ cũng chỉ ra cách chọn khẩu trang vải tốt nhất đó là loại được làm bằng nhiều lớp vải dệt chặt, thoáng khí. Đặc điểm nhận biết là khi giơ lên trước luồng sáng mạnh, khẩu trang vải có thể chặn được ánh sáng đi qua. Ngoài ra, người dùng nên lựa chọn khẩu trang có gọng mũi để điều chỉnh và dây đeo vừa vặn sau tai.
Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) từng nhận định: “Hiệu quả lọc, ngăn chặn virus của khẩu trang vải nhìn chung thấp hơn khẩu trang y tế và mặt nạ phòng độc. Song, khẩu trang vải có thể giúp bảo vệ phần nào nếu được thiết kế và sử dụng hợp lý”.