Nhắc đến đường sắt đô thị tại châu Á, người ta thường trầm trồ về hệ thống metro tại Đài Loan hay Thái Lan… Ít ai biết rằng thuở ban đầu các dự án này đã gặp chông gai thế nào khi chậm tiến độ và đội vốn. Thậm chí, Thái Lan đã phải bỏ dở một dự án và dính tranh chấp pháp lý suốt hơn 2 thập kỷ qua.
Tuyến metro khai trương chậm 4 năm, đội vốn 56% ở Đài Bắc
Hệ thống giao thông đại chúng Đài Bắc (MRT hay metro) được ca ngợi là mô hình tàu điện an toàn, đáng tin cậy và chất lượng số 1 thế giới trong 4 năm liên tiếp (2004 - 2007). Metro Đài Bắc có tổng cộng 6 tuyến, dài 131km, đi qua 117 nhà ga.
Với khả năng phục vụ 2 triệu lượt khách/ngày, metro Đài Bắc đã góp phần không nhỏ vào giảm tắc nghẽn giao thông tại thủ phủ đảo Đài Loan. Tuy nhiên, để có ngày hôm nay, dự án metro này cũng trải qua nhiều chông gai.
Ý tưởng xây dựng đường sắt đô thị được đưa ra lần đầu tiên vào ngày 28/5/1968.
Song, kế hoạch xây dựng bị hoãn hàng chục năm vì vấn đề tài chính và tại thời điểm đó, nhiều ý kiến vẫn nhận định, đường sắt đô thị chưa phải nhu cầu cấp thiết.
Đường sắt đô thị Đài Bắc. Ảnh: Taiwan Pro Photo
Mãi đến khi Đài Bắc đối mặt với tắc nghẽn giao thông do tốc độ phát triển kinh tế nhanh vào những năm 70 của thế kỷ trước, người ta mới bắt đầu thấy cần phải có hệ thống vận tải công cộng bền vững.
Sau thời gian dài thiết kế, nghiên cứu tính khả thi, đánh giá tác động, đến tháng 12/1988, dự án này mới khởi công giai đoạn đầu tiên.
Mất 3 năm, tuyến đường sắt trên cao đầu tiên (Muzha - Neihu) dài 10,5km, qua 12 nhà ga mới hoàn thành và đến năm 1996 mới khai trương (chậm 4 năm so với kế hoạch).
Trong quá trình xây dựng, dự án này cũng gặp phải vô số trở ngại như hỏa hoạn, đình công, tranh chấp pháp lý giữa nhà cung cấp và chính quyền địa phương.
Hơn nữa, tại thời điểm đó, lưu lượng giao thông tại Đài Loan tăng cao trong khi nhiều tuyến đường xung quanh công trường bị hạn chế để phục vụ xây dựng đã khiến người dân địa phương rơi vào cảnh khổ sở vì tắc nghẽn mà đến nay người Đài Loan vẫn gọi đó là “thời kỳ giao thông đen tối của Đài Bắc”.
Ngoài ra, metro Đài Bắc còn gây tranh cãi suốt từ lúc xây dựng cho đến khi đi vào hoạt động vì những sự cố như lỗi máy tính do bão, lỗi hệ thống ở một số đoạn trên cao và vấn đề đội vốn.
Tuy nhiên, sau khi vượt qua được trở ngại, từ năm 1996 đến năm 2000, Đài Bắc đã nhanh chóng hoàn thành thêm 2 tuyến đường sắt khác, đi qua 62 nhà ga. Trong 9 năm, số lượng khách đã tăng 70%. Từ năm 2008, hệ thống này mở rộng ra 131 nhà ga, lượng khách tăng thêm 66%.
Về vấn đề đội vốn, tại thời điểm năm 1996, khi tuyến đầu tiên đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư là 66,7 tỷ Tân Đài tệ (tương đương 2,4 tỷ USD) đội vốn 57% so với ước tính 42,6 tỷ Tân Đài tệ vào năm 1988.
Dự án ám ảnh Thái Lan hơn 2 thập kỷ
Một phần dự án “ma” Hopewell của Thái Lan. Ảnh: Thethaiger
Nhắc đến lịch sử đường sắt trên cao Thái Lan, ai cũng biết tới dự án rất thành công là Bangkok Skytrain với lượng khách vượt dự đoán và mang lại nhiều lợi nhuận.
Song ít người biết, bên cạnh Skytrain, Thái Lan đã thất bại với một dự án mang tên Hopewell. Dù đã bị đình chỉ từ năm 1992 và loại bỏ từ năm 1998 nhưng qua hơn 2 thập kỷ, dự án này vẫn ám ảnh Thái Lan về vấn đề bồi thường thiệt hại.
Dự án này bắt đầu từ tháng 11/1990 khi chính quyền lãnh đạo Chatichai Choonhavan trao cho Công ty Hopewell (Thái Lan), công ty con của Tập đoàn Hopewell Holdings (Hong Kong) xây dựng, vận hành theo hợp đồng nhượng quyền 30 năm, kết nối Don Mueang - sân bay quốc tế duy nhất của thủ đô thời điểm đó với Bangkok.
Hợp đồng đã được ký bất chấp những cáo buộc về tham nhũng, thỏa thuận đất đai bất thường và được tiến hành xây dựng trong khi chưa giải quyết xong vấn đề quyền sở hữu đất.
Dự án này nằm trong Hệ thống tàu và đường trên cao của Bangkok, dự kiến xây 60km đường trên cao, bao gồm 1 đường cao tốc tới sân bay Don Mueang, 1 tuyến đường sắt chính cho tàu thường và 1 tuyến đường sắt nhẹ nối sân bay và thành phố.
Vì vướng mắc ở giải phóng mặt bằng nên quá trình thực hiện dự án rất chậm. Hai năm sau, công tác xây dựng phải tạm ngưng vì đảo chính. Tất cả chỉ được nối lại vào cuối năm đó khi lãnh đạo mới là ông Chuan Leekpai lên nắm quyền.
Nhưng chỉ được vài năm, dự án lại rơi vào bế tắc vì đỉnh điểm khủng hoảng tài chính châu Á. Trong quãng thời gian đó, chỉ có khoảng 10% dự án được hoàn thành và tiến độ chậm đến nỗi người ta đặt tên cho Hopewell là “dự án 7 thế hệ”.
Rất nhiều cột bê tông xây nửa chừng, trơ sắt vẫn còn đến ngày nay. Lúc đó, tỷ phú Hong Kong - Gordon Wu, Chủ tịch Hopewell Holdings đổ lỗi cho tình hình chính trị bất ổn tại Thái Lan làm chậm quá trình giải tỏa mặt bằng.
Song, theo nhiều nhà quan sát, dự án này bị chậm vì thiếu vốn.
Kể từ đó, Cơ quan đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT), Bộ Giao thông Thái Lan và tỷ phú Hong Kong Gordon Wu đã rơi vào tranh chấp kiện tụng cho đến nay.