Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu phi công nghiêm trọng nhất trong nhiều năm gần đây.
Nhiều hãng hàng không buộc phải cắt giảm nhiều chuyến bay trong khi nhu cầu đi lại của hành khách đang tăng mạnh.
Khủng hoảng phi công
Đại dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thiếu hụt phi công tại Mỹ. Trong thời gian dài virus Corona lây lan, các chương trình tuyển dụng, đào tạo và cấp phép phi công tại Mỹ bị chậm lại.
Trong khi đó, để cắt giảm các khoản chi trong thời kỳ đại dịch do nhu cầu đi lại của hành khách giảm mạnh, các hãng hàng không đã đưa ra nhiều chế độ nghỉ hưu sớm cho hàng nghìn phi công và các nhân viên.
Tình trạng thiếu hụt phi công khiến nhiều hãng hàng không Mỹ lâm vào khó khăn
dù nhu cầu đi lại của hành khách đang tăng trở lại
Hiện tình trạng thiếu hụt phi công và nhân viên trong bộ phận khác đã buộc các hãng hàng không Mỹ phải suy nghĩ lại kế hoạch tăng trưởng. JetBlue Airways và Alaska Airlines là hai trong nhiều hãng hàng không đã cắt giảm công suất gần đây.
Trong tháng 4/2022, ban lãnh đạo JetBlue Airways thông báo sẽ phải giảm công suất bay từ 8 - 10% cho đến cuối tháng 5. Alaska Airlines cũng quyết định giảm 2% công suất bay cho đến cuối tháng 6, với lí do hoạt động đào tạo phi công bị đình trệ và thiếu hụt phi hành đoàn.
Hãng SkyWest cũng thông báo với Bộ Giao thông Vận tải Mỹ về kế hoạch cắt giảm một số chuyến bay đến 29 thành phố nhỏ nằm trong danh sách được chính phủ Mỹ hỗ trợ phát triển dịch vụ hàng không.
Việc thiếu hụt này diễn ra đặc biệt nghiêm trọng tại các hãng hàng không nhỏ chuyên vận hành chuyến bay nối những đô thị lớn tới các thành phố nhỏ hơn.
Dallas News dẫn thông tin từ Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Chuyên nghiệp Mỹ tháng 4/2020 cho biết, trong tổng số 25.300 thành viên của hiệp hội, khoảng 7.960 người đã đăng ký tự nguyện nghỉ hoặc nghỉ hưu sớm.
Trong đó, khoảng 7.200 tiếp viên hàng không đã đăng ký nghỉ việc tạm thời trong khoảng thời gian 3, 6 hoặc 12 tháng và khoảng 760 người nghỉ hưu sớm. Các phi công trong độ tuổi 62 - 65 cũng đủ điều kiện đăng ký các gói nghỉ hưu sớm này.
Dù mức lương, thưởng và ưu đãi tại các hãng hàng không nhỏ đã quay lại thời kỳ trước đại dịch nhưng con số này vẫn kém hấp dẫn hơn so với lương, thưởng và ưu đãi từ các hãng hàng không lớn.
Chưa kể các “ông lớn” cũng đang ráo riết thu hút phi công. Theo ông Kit Darby, một cố vấn về chế độ cho phi công và từng là cơ trưởng của United Airlines, các hãng hàng không lớn của Mỹ đang cố gắng thuê hơn 12.000 phi công trong năm nay, cao hơn gấp đôi con số tuyển dụng thường niên kỷ lục của hãng này. Do đó, các hãng bay nhỏ càng khó khăn hơn.
Hãng Mesa Air có trụ sở tại Phoenix đã tổn thất gần 43 triệu USD doanh thu trong quý vừa qua do phải dừng một số chuyến bay vì không có đủ phi công.
Loay hoay tìm giải pháp
Để tạm thời giải quyết tình trạng này, ngành công nghiệp hàng không Mỹ đang phải nỗ lực tìm giải pháp.
Về khía cạnh chính sách, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên Đảng Cộng hòa đến từ bang South Carolina cho biết, đang xem xét giới thiệu một đạo luật có thể nâng độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc của phi công.
Hiện tại, phi công bắt buộc phải nghỉ hưu ở tuổi 65. Theo dự luật mới, họ có thể làm việc ít nhất tới năm 67 tuổi - một số nguồn tin thân cận với kế hoạch của ông Graham chia sẻ.
Theo Hiệp hội Hàng không địa phương của Mỹ, khoảng một phần ba phi công đủ tiêu chuẩn tại Mỹ nằm trong độ tuổi từ 51 - 59 và 13% phi công của nước này sẽ đến tuổi nghỉ hưu trong vòng 5 năm tới.
Từ phía các hãng hàng không, để thu hút phi công, một hãng hàng không địa phương của Mỹ đang xem xét giảm yêu cầu về giờ bay trong quy định tuyển dụng phi công.
Cụ thể, hãng hàng không địa phương Republic Airways, tháng trước đã kiến nghị chính phủ Mỹ giảm một nửa số giờ bay bắt buộc trong quy định tuyển dụng phi công. Theo đó, phi công có thể chỉ cần kinh nghiệm 750 giờ bay so với quy định hiện hành là 1.500 giờ, nếu họ hoàn thành chương trình đào tạo của hãng.
Phi công hãng hàng không United Airlines
Tuy nhiên, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) nghi ngại về đề xuất này. FAA cho biết, trong một tuyên bố với CNBC gần đây:
“Bất kỳ bên nào cũng có thể yêu cầu giảm trừ số giờ bay nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ được chấp thuận. FAA hoàn toàn hiểu được ý định của Quốc hội Mỹ khi họ đưa ra yêu cầu 1.500 giờ bay và yêu cầu đó là nhằm đảm bảo các mục tiêu an toàn FAA đề ra”.
Một số hãng hàng không khác của Mỹ, bao gồm Frontier, đang tuyển dụng một số phi công từ Australia.
Các hãng hàng không khác của Mỹ cũng đang xem xét lại các chương trình đào tạo và giảm bớt yêu cầu tuyển dụng phi công. Đầu năm nay, Delta Air Lines, Southwest, United và American Airlines bỏ yêu cầu phi công cần có bằng cử nhân 4 năm để được xét tuyển.
Về mặt đào tạo, một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay là chi phí. Mặc dù lương cho cơ trưởng tại các hãng hàng không lớn có thể trên 350.000 USD/năm, nhưng để đạt được trình độ chuyên môn như vậy phải mất nhiều năm và tốn rất nhiều kinh phí.
Tại trường dạy bay ATP, trường bay lớn nhất nước Mỹ, cần phải trả 92.000 USD/ cho một khóa học bay 7 tháng để có thể nhận được giấy phép bay cơ bản. Sau đó, những phi công này có thể mất khoảng 18 tháng hoặc lâu hơn để tích lũy đủ giờ bay cần thiết, thường là bằng cách hướng dẫn các phi công học viên hoặc lái máy bay treo biểu ngữ cho một số dịch vụ tư nhân.
Vào tháng 12 năm ngoái, hãng United Airlines đã bắt đầu giảng dạy lứa học viên đầu tiên tại trường dạy bay của chính hãng này.
Học viện bay United Aviate của hãng đã được mở ở Goodyear, Arizona, với mục tiêu đào tạo 5.000 phi công cho tới năm 2030. United Airlines cho biết họ đặt mục tiêu một nửa trong số phi công này là phụ nữ và người da màu.
Công ty này cũng đài thọ chi phí đào tạo cho đến khi phi công nhận được giấy phép bay tư nhân do chính công ty này cấp. Ước tính chi phí cho cả quá trình này khoảng 17.000 USD/học viên.
Trong khi đó, các hãng hàng không khác lại tìm đến các quỹ cho vay lãi suất thấp hoặc các sáng kiến khác để giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên.
Nhưng tất cả các biện pháp đều cần tài chính và thời gian. Ông Darby nói: “Chưa có giải pháp nhanh nào cho tình trạng thiếu hụt phi công hiện tại”.
Giám đốc điều hành của Mesa Air, ông Jonathan Ornstein cho biết, chưa bao giờ chịu mức thiệt hại như thế này. Ước tính hãng cần 120 ngày để thay thế phi công kể từ thời điểm họ thông báo ý định chuyển việc. Hiện chúng tôi chỉ có 200 phi công có thể làm việc được ngay.
Dù các hãng hàng không Mỹ đang rất muốn thuê và đào tạo thêm phi công nhưng quá trình này không thể diễn ra trong thời gian ngắn và thực trạng phải cắt giảm mạnh các chuyến bay vẫn chưa thể được giải quyết.