Bí quyết đưa Singapore thành cảng bận rộn hàng đầu thế giới

Thứ sáu, 16/09/2022 09:26
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Singapore là trung tâm vận chuyển hàng hóa nằm trong danh sách bận rộn bậc nhất thế giới, kết nối tới 600 cảng tại 120 quốc gia.

Bên cạnh đó, Singapore còn liên tục đứng vị trí hàng đầu trong nhiều bảng xếp hạng. Vậy lý do gì khiến đảo quốc nhỏ bé này chiếm tới 1% khả năng chuyển tải container toàn cầu?

Tận dụng lợi thế, khắc phục yếu điểm về địa lý

Theo nghiên cứu do Đại học Quốc gia Singapore phối hợp với Viện Logistics châu Á - Thái Bình Dương và Viện Công nghệ Georgia thực hiện, vừa được công bố, Singapore sở hữu vị trí địa lý đắc địa, ngay gần eo biển Malacca, nơi kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, được mệnh danh là “huyết mạch” vận tải biển, kết nối các nước ở Đông Á, châu Đại Dương, Nam Á, Tây Á, châu Phi và châu Âu.

Kể từ năm 2000, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN, nhu cầu vận tải biển trong khu vực tăng cao, khiến lợi thế địa lý của Singapore trở nên nổi bật hơn. Singapore nhanh chóng thu hút một loạt doanh nghiệp hàng hải và xây dựng một hệ sinh thái ngành vận tải biển toàn diện.

Tàu container sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng cập cảng Singapore. Ảnh: Bloomberg

Dù không có lợi thế về diện tích nên quốc đảo này cũng phải “co kéo” mới có đủ không gian cho cảng. Từ năm 2013, Singapore đã quyết tâm phải mở rộng cảng, đầu tư lớn để xây một cảng mới mang tên là Tuas ở bờ biển phía Tây. Tổng đầu tư cho dự án này là 14 tỷ USD.

Tháng 11/2021, giai đoạn 1 Cảng biển Tuas thế hệ mới của nước này đã hoàn tất xây dựng, diện tích 414ha, gồm 21 cầu cảng nước sâu có thể tiếp nhận và xử lý 20 triệu TEU mỗi năm. Ngay trong cuối năm 2021, hai trong số 21 cầu cảng này đã được đưa vào khai thác.

Theo các chuyên gia, kế hoạch này phù hợp với bối cảnh chuỗi cung ứng biến động hiện nay như thể được báo trước.

Ông Ley Hoon Quah, Giám đốc điều hành Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore cho biết, việc mở rộng đã tạo ra không gian cần thiết để vận hành hiệu quả và đưa thành phố vượt qua đại dịch.

Về lâu dài, khi hoàn thành vào năm 2040, Tuas sẽ giúp tăng công suất cảng của Singapore lên gấp đôi, khoảng 65 triệu TEU, đưa cảng Singapore trở thành cảng tự động lớn nhất thế giới.

Ứng dụng số hóa, giảm thời gian làm thủ tục

Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng công nghệ cao và số hóa giúp thời gian quay vòng tại cảng Singapore (bao gồm thời gian xử lý cảng và thông quan) nhanh, hiệu quả.

Chẳng hạn, nhờ toàn bộ thủ tục đều được số hóa nên thời gian một đơn hàng được cấp phép thương mại chỉ khoảng 15 - 20 phút. Trong khi một số quốc gia láng giềng vẫn yêu cầu nhập tay và cần giấy tờ bằng bản cứng nên thời gian lâu hơn. Nếu như ở một số cảng, để 1 container thông quan phải mất tới vài ngày thì ở Singapore thời gian chỉ khoảng nửa ngày.

Singapore nằm trong số cảng biển đầu tiên cắt giảm các thủ tục giấy tờ. Đây là 1 trong 7 khu vực pháp lý trên toàn cầu chấp nhận vận đơn điện tử. Sự thay đổi này là một bước nhảy vọt so với thông lệ hàng thập kỷ trước đó là nộp giấy tờ bằng bản cứng để xác minh hàng hóa.

Chính vì thế, ngay cả khi dịch Covid-19 ở đỉnh điểm, các hoạt động tại cảng của Singapore không gặp bất cứ trục trặc hay chậm trễ nào như các trung tâm vận chuyển hàng hóa khác.

Trong tương lai, Singapore còn tham vọng sẽ tự động hóa cảng toàn diện hơn nữa như đưa vào vận hành các phương tiện được dẫn đường tự động để vận chuyển container từ kho bãi tới bến tàu. Người điều khiển có thể sử dụng các bộ cảm biến và hệ thống liên lạc không dây để dẫn một đoàn gồm nhiều phương tiện tự lái ra vào cảng.

Thậm chí, Singapore còn dự định sử dụng máy bay không người lái để vận chuyển từ bờ ra tàu hay hỗ trợ giám sát an ninh.

Nhiều ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp

Yếu tố cuối cùng lý giải cho thành công của Singapore là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển.

Thời gian gần đây, do tình trạng chậm trễ, gián đoạn vận tải biển trên toàn cầu nên các chủ tàu luôn đắn đo từng điểm đến. Nắm được tâm lý này, Singapore đã biến cảng trở thành trung tâm có thể đáp ứng mọi nhu cầu của các chủ tàu: Từ hệ thống ngân hàng đến dịch vụ tiếp nhiên liệu, dỡ hàng container và lưu trữ cho đến khi có tàu tiếp theo.

Bến container Brani thuộc cảng quốc tế Singapore. Ảnh: Bloomberg

Bên cạnh đó, Singapore đã phát triển nhiều mô hình như Mô hình 3PL trong đó các công ty logistics bên thứ 3 đủ tiêu chuẩn, có thể cung cấp các dịch vụ quản lý logistics cho khách hàng nước ngoài mà không cần nộp thuế thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và được hỗ trợ trung chuyển.

Các công ty có thể tập kết hàng hóa ra khỏi khu vực thương mại tự do rồi tái xuất. Trong khi ở các nước láng giềng như Malaysia, nếu đưa hàng hóa ra khỏi khu phi thuế quan để tái xuất thì phải nộp thuế. Do đó, nhiều chủ hàng và thương nhân đã chọn Singapore làm trung tâm phân phối các sản phẩm và phụ tùng.

Ông Choi Na Young Hwan, Trưởng nhóm phân tích về hậu cần quốc tế thuộc Viện Hàng hải Hàn Quốc nhận định: “Singapore là trung tâm vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới, một vị trí mà nước này sẽ còn giữ trong nhiều năm tới. Quốc đảo sư tử đang vươn lên đặt mình làm tiêu chuẩn cho các cảng khác”.

Đầu năm 2022, Singapore tiếp tục được trao ngôi vị hàng đầu về cảng trung chuyển container hàng đầu thế giới với lượng container trung chuyển qua đây tăng lên mức kỷ lục 37,5 triệu TEU (1 TEU = 1 container 20 feet).

Singapore cũng duy trì là cảng nhiên liệu số một. Trong năm 2021, doanh số bán nhiên liệu truyền thống và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Singapore là khoảng 50 triệu tấn.

Cùng năm, cảng Singapore xử lý 599 triệu tấn hàng hóa. Dù con số này thấp hơn so với trước dịch nhưng trong bối cảnh thế giới đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, việc duy trì được vị thế trên là không hề đơn giản.

nhunghv

Nguồn: Báo Giao thông

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)