Kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về giao thông vận tải

Thứ hai, 09/08/2010 18:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Mặc dù diện tích đất hẹp, mật độ dân số bình quân cao nhất thế giới, nhưng hệ thống giao thông Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thống vận chuyển công cộng (bao gồm tàu điện ngầm, xe buýt, xe taxi) với phạm vi hoạt động và tính hiệu quả cao nhất thế giới.

Mặc dù diện tích đất hẹp, mật độ dân số bình quân cao nhất thế giới, nhưng hệ thống giao thông Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thống vận chuyển công cộng (bao gồm tàu điện ngầm, xe buýt, xe taxi) với phạm vi hoạt động và tính hiệu quả cao nhất thế giới. Ngay từ năm 1972, Chính phủ Singapore đã quy hoạch chiến lược mạng lưới các trục giao thông để hình thành bộ khung cứng cho hệ thống giao thông trong tương lai sau 40 năm, và được phân kỳ đầu tư từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 15 năm. Sau 10 năm quy hoạch, được xem xét điều chỉnh một lần, năm 2001 quy hoạch này đã được điều chỉnh lần thứ 3.  

Hệ thống tàu điện ngầm là hệ thống giao thông xương sống của Singapore, hiện nay có trên 67 trạm phục vụ và đang tiếp tục mở rộng. Khu vực trung tâm thành phố, hệ thống này chạy dưới đường ngầm, phía ngoài khu vực trung tâm được thiết kế nằm tầng trên cao và song song với các trục đường bộ dành cho xe ô-tô. 
Hệ thống giao thông đường bộ mặc dù không lớn nhưng được tính toán, phân luồng một cách khoa học và chặt chẽ; phần lớn đều tổ chức giao thông một chiều; các nút giao thông đều được tổ chức các ngã rẽ phụ, nhằm hạn chế lưu lượng xe vào nút hoặc tổ chức giao thông khác mức. Hầu hết các tuyến đường lớn đều có cầu vượt cho người đi bộ và xe thô sơ. Đặc biệt, vỉa hè trên các tuyến giao thông đều có thiết kế lối đi riêng dành cho người đi bộ, cách ly với mặt đường bằng dải cây xanh và hoa để tạo ra cảnh quan, gây cảm giác an toàn và dễ chịu cho người đi bộ; người đi bộ chỉ được phép qua đường tại các vị trí có tín hiệu đèn xanh, đỏ và cầu vượt hoặc hầm chui… 
Tránh tình trạng ùn tắc giao thông, cân bằng việc đi lại trong đô thị, Chính phủ Singapore đã có các chính sách và giải pháp như: Hạn chế sở hữu cá nhân. Việc sở hữu xe tại Singapore rất đắt đỏ, do phải nộp thêm nhiều chi phí phụ khác. Ngoài chi phí mua xe, tiền bảo hiểm, thuế đường, phí đỗ xe, người mua xe phải đấu giá và nộp một khoản tiền cho Nhà nước để được quyền mua và lưu hành xe. Khoảng hai tháng, chính quyền tổ chức đấu giá một lần với số lượng hạn chế, số xe được nhập vào cân đối với số xe thải ra và một số nhu cầu cấp thiết.
Số tiền đấu giá này được đóng góp vào ngân sách để đầu tư phát triển mạng lưới giao thông, hoặc cách đầu tư hình thành các trung tâm đô thị mới, các trung tâm vệ tinh và các khu công nghiệp tại nhiều khu vực, nhằm phân tán đều lưu lượng xe cộ giao thông trên các trục đường cũng như trên từng loại phương tiện giao thông. Tăng cường đầu tư hạ tầng và các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe taxi có mặt ở mọi nơi; tổ chức phân luồng giao thông chặt chẽ; hạn chế đi lại khu vực trung tâm vào giờ cao điểm.
Việc đi lại trong khu vực trung tâm hay các đường cao tốc vào các giờ cao điểm đều phải trả thêm phí lưu thông. Hệ thống thu phí được tự động hóa bằng các thiết bị gắn sẵn trên xe và các đường vào. Đây cũng chính là nguồn thu để duy tu và tái đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng. Ngoài ra, chi phí duy tu hằng năm được tính bằng 1% giá trị công trình do ngân sách cấp để duy tu sửa chữa thường xuyên mạng lưới giao thông.
Là một nước phát triển, Canađa hiện có tỉ lệ người sử dụng ôtô riêng luôn ở mức cao so với tổng dân số hơn 33 triệu người hiện nay. Tuy nhiên, trật tự giao thông ở nước này được coi là một tiêu chuẩn mà nhiều nước trên thế giới đang học tập.  
Dưới đây là một vài kinh nghiệm quản lý lái xe và giao thông mà nhà chức trách đã và đang áp dụng:
Việc người dân từ 18 tuổi trở lên sở hữu một hay nhiều phương tiện giao thông (chủ yếu là ôtô) là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Để quản lý chặt chẽ lượng ôtô, xe máy ngày càng tăng, chính quyền nước này qui định, chỉ những người được cấp bằng lái xe, mới được quyền mua ôtô và sở hữu ôtô (Các đại lý ôtô chỉ bán xe cho những người có bằng lái xe được cấp).
Bằng lái xe được cấp chứa nhiều thông số quan trọng. Những thông số cá nhân này được nạp vào hệ thống websites của ngành giao thông và được nối mạng toàn quốc, ngay cả trên các xe lưu động hàng ngày của cảnh sát giao thông. Điều này giúp cho cảnh sát giao thông dễ dàng theo dõi, quản lý bất cứ lái xe nào vi phạm luật, khi đang điều khiển phương tiện trên đường.
Những qui định giao thông cũng rất rõ ràng. Tất cả các điểm giao kết của các tuyến đường lớn đều có hệ thống đèn tín hiệu, có biển qui định tốc độ cho phép, biển chỉ dẫn tên đường, phương hướng. Mọi lái xe khi đến bất cứ ngã ba, ngã tư nào trên đường, dù điểm đó không có hệ thống đèn tín hiệu, đều bắt buộc phải giảm tốc độ và dừng lại 30 giây hay một phút trên đường kẻ ngang mặt đường để tránh va quệt với những xe chạy trên đường cắt ngang trước mặt.
Khi xẩy ra va quệt, cảnh sát giao thông được gọi đến ngay lập tức để xử lý. Cảnh sát chỉ cần nạp số hiệu của người lái xe vào hệ thống trang web giao thông đặt trên xe của mình là biết ngay đương sự đã vi phạm luật giao thông mấy lần và nếu vi phạm lần thứ 3 thì nghiễm nhiên người lái xe bị tước bằng vĩnh viễn. Việc phạt những lỗi vi phạm giao thông cũng được xử lý nghiêm minh bằng hệ thống thông tin mối mạng. Cho nên, không thể xẩy ra hiện tượng lái xe hối lộ hay đút lót cảnh sát. Những xe phạm luật nhận được tại chỗ giấy phạt của cảnh sát (cảnh sát không được phép thu tiền phạt của lái xe) thì chủ phương tiện phải đến sở thuế nộp tiền phạt, chậm nhất là 3 đến 5 ngày sau đó. Nếu nộp phạt chậm sẽ bị tính tăng mức phạt theo luỹ tiến. Vì vậy, người lái xe luôn phải có ý thức cao trong việc chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông mỗi khi điều khiển phương tiện của mình.
Một quy định bắt buộc là tất cả các chủ sở hữu ôtô đều phải mua bảo hiểm. Khi xẩy ra va quệt, các công ty bảo hiểm ôtô, xe máy có trách nhiệm sửa chữa hoặc đền bù thiệt hại cho người mua bảo hiểm. Đối với trường hợp chủ phương tiện phạm lỗi trong vụ tai nạn giao thông, người này sẽ phải đóng khoản tiền bảo hiểm thiệt hại cho sửa chữa hoặc cho việc được cấp xe mới của công ty bảo hiểm vào năm sau đó, ngoài số tiền bảo hiểm qui định phải đóng hàng năm.
Một vấn đề quan trọng nữa là công tác qui hoạch giao thông ở Canađa rất khoa học và khá hoàn chỉnh. Trên các tuyến cao tốc, thông thường có hai chiều đi và về riêng. Mặt đường rộng và chất lượng mặt đường tốt. Còn tại các trung tâm đô thị, thành phố, đều có những qui định tốc độ rõ ràng cho từng loại đường. Đường hai chiều và đường một chiều được phân định rất khoa học. Từng loạiphương tiện giao thông cũng được qui định nghiêm ngặt về thời hạn sử dụng và tổng số lượng km của phương tiện đó được chạy trên đường.
Cách quản lý trên tự nó lý giải cho những lý do vì sao lưu lượng và mật độ phương tiện giao thông hoạt động cao ở Canađa hiện nay mà không mấy khi xẩy ra ách tắc hay ít khi xẩy ra tai nạn giao thông./.

Nguyễn Thông, Sở GTVT Hà Tĩnh

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)