Phát triển vận tải hành khách công cộng (VTCC) là đòi hỏi đặc biệt quan trọng tại các đô thị lớn để góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Tại Hà Nội, hệ thống xe buýt đang giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, mật độ phương tiện lớn, ý thức người tham gia giao thông chưa cao, trong khi đầu tư cho xe buýt có phần hạn chế khiến chất lượng dịch vụ chưa thỏa mãn yêu cầu của hành khách…
Phát triển vận tải hành khách công cộng (VTCC) là đòi hỏi đặc biệt quan trọng tại các đô thị lớn để góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Tại Hà Nội, hệ thống xe buýt đang giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, mật độ phương tiện lớn, ý thức người tham gia giao thông chưa cao, trong khi đầu tư cho xe buýt có phần hạn chế khiến chất lượng dịch vụ chưa thỏa mãn yêu cầu của hành khách…
Thẳng thắn mà nói, chất lượng dịch vụ VTCC ở thành phố hiện nay còn rất nhiều hạn chế. Điều này được cơ quan chức năng Hà Nội khẳng định trong cuộc họp mới đây về chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt. Các doanh nghiệp cũng không mặn mà đầu tư vào kinh doanh xe buýt, khi cả thành phố hiện chỉ có 3 đơn vị tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt với khoảng 1.200 xe, trong đó Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) giữ vai trò chủ lực với 900 xe. Vậy mà, trung bình mỗi năm, hệ thống xe buýt vận chuyển hơn 400 triệu lượt hành khách, riêng Transerco chiếm khoảng 90% khối lượng. So với "người anh em" VTCC bằng taxi (hơn 100 doanh nghiệp) với hơn 15 nghìn xe, nhưng chỉ vận chuyển khoảng 100 triệu lượt khách/năm, hệ thống xe buýt thực sự là… "người hùng". Vậy mà, có một điều đã được nhắc đến nhiều, nhưng không được chú ý, ngay cả với hành khách thường xuyên, đó là xe buýt chưa đạt chuẩn.
Trong vài ba năm nữa, chắc chắn xe buýt vẫn giữ vai trò chủ đạo trong vận chuyển hành khách đô thị. Đó là điều không thể phủ nhận, khi các dự án đường sắt đô thị sớm nhất chỉ có thể đưa vào khai thác trong năm 2015 (Cát Linh - Hà Đông) và 2016 (Nhổn - Ga Hà Nội). Tiến độ dự án xe buýt nhanh (BRT) đang được đốc thúc để có thể hoàn thành trong năm 2013 nhằm bảo đảm… thời hạn giải ngân. Ngay cả khi tuyến buýt nhanh này hoàn thành, nhiệm vụ của hệ thống buýt hiện tại chắc chắn vẫn rất lớn. Tuy nhiên, sau một thời gian đầu tư mạnh để "mua" thói quen của hành khách, dường như các cơ quan quản lý đã có vẻ hài lòng với thành công bước đầu. Gầm xe buýt hiện không đạt chuẩn, nhưng nếu đạt chuẩn cũng không thể hoạt động hiệu quả do hạ tầng giao thông quá kém. Cả thành phố chỉ có thể bố trí đường dành riêng cho xe buýt trên đoạn phố Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) - Trần Phú (Hà Đông), nhưng chất lượng rất kém. Đó là chưa kể giao thông hết sức lộn xộn khi các loại phương tiện khác tùy tiện ra vào phần đường dành cho xe buýt. Bên cạnh đó, có quá ít nhà chờ có mái che. Số bến đón, trả khách, xe buýt có "đường ưu tiên" để ra vào thuận lợi chưa nhiều. Trong bối cảnh giao thông hỗn hợp, phức tạp, ý thức người tham gia giao thông hạn chế, chắc chắn đây là áp lực rất lớn cho lái xe buýt để không bỏ bến mà vẫn bảo đảm thời gian chạy tuyến. Có thể đây là một phần nguyên nhân khiến hành khách kêu "lái" xe chạy ẩu khi vào bến...
UBND thành phố đang cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tiếp tục thực hiện dự án tăng cường giao thông công cộng tại Hà Nội với mục tiêu xây dựng kế hoạch, quy hoạch ưu tiên phát triển xe buýt cũng như hạ tầng xe buýt, từ đó tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân, chuyển sang xe buýt. Việc đẩy mạnh đầu tư, đặc biệt là hạ tầng, chuẩn hóa hệ thống xe buýt là hết sức cần thiết để "người hùng" đô thị này không bị hụt hơi trong thực hiện vai trò quan trọng của mình trong vài ba năm tới. Trong bối cảnh giao thông hiện tại, đầu tư hạn chế, các cơ quan chức năng vẫn đánh giá hoạt động VTCC bằng xe buýt là tốt. Tuy nhiên, hành khách mới là "thượng đế" và cần đầu tư thích đáng để họ tiếp tục gắn bó, thay vì quay lưng với xe buýt. Chất lượng dịch vụ VTCC tốt, người dân sẽ tự bỏ phương tiện cá nhân.
Hà Nội mới