Vận tải hành khách công cộng (VTCC) ở thành phố Hà Nội những năm qua đã được cải thiện đáng kể, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của một đô thị hiện đại trong tương lai, đã có hai tuyến đường sắt đô thị được xây dựng và TP sẽ tiếp tục triển khai thêm một số tuyến nữa. Dù đều gặp khó khăn và chưa thể đưa vào khai thác trong ngày một, ngày hai, nhưng việc nghiên cứu, tính toán phương án quản lý, khai thác bảo đảm kết nối đồng bộ, hiệu quả là rất cần thiết.
Vận tải hành khách công cộng (VTCC) ở thành phố Hà Nội những năm qua đã được cải thiện đáng kể, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Để đáp ứng nhu cầu đi lại của một đô thị hiện đại trong tương lai, đã có hai tuyến đường sắt đô thị được xây dựng và TP sẽ tiếp tục triển khai thêm một số tuyến nữa. Dù đều gặp khó khăn và chưa thể đưa vào khai thác trong ngày một, ngày hai, nhưng việc nghiên cứu, tính toán phương án quản lý, khai thác bảo đảm kết nối đồng bộ, hiệu quả là rất cần thiết.
Hệ thống xe buýt ở TP hiện có hơn 1.000 chiếc, hoạt động trên 62 tuyến, trung bình mỗi năm vận chuyển hơn 400 triệu lượt hành khách. Sau một giai đoạn phát triển mạnh, đáp ứng phần nào nhu cầu đi lại của người dân, xe buýt bắt đầu có dấu hiệu quá tải. Việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị vận chuyển khối lượng lớn vì thế càng trở nên cấp thiết. TP Hà Nội đã có 2 tuyến đường sắt đô thị được khởi công xây dựng là: Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông. Một số tuyến khác đang trong giai đoạn chuẩn bị để có thể triển khai trong thời gian tới. Giám đốc Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Quang Mạnh cho biết, sớm nhất phải đến năm 2015, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên mới có thể hoàn thành đưa vào khai thác. Các tuyến đường sắt đô thị khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết bài toán giao thông nội đô, giảm ùn tắc giao thông và tạo sự kết nối với các vùng lân cận.
Dù chưa hoàn thành, đưa vào khai thác, nhưng để bảo đảm kết nối đồng bộ, khai thác hiệu quả, cần thiết phải sớm nghiên cứu, tìm ra giải pháp kết nối đồng bộ, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt đô thị tương lai với hệ thống VTCC hiện tại. Ông Grégory Clemente, Giám đốc khu vực Châu Á cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho rằng, nếu chỉ xây dựng hệ thống đường sắt mà không xây dựng được hệ thống khớp nối với các hệ thống giao thông công cộng đang có như xe buýt, xe taxi, trạm trung chuyển... thì sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, các dự án đường sắt đô thị ở TP hiện được nghiên cứu, xây dựng từ nhiều nguồn vốn khác nhau, sử dụng công nghệ khác nhau. Việc tìm ra tiếng nói chung trong quản lý vận hành đồng bộ, bảo trì, bảo dưỡng là thách thức không nhỏ.
Quản lý, điều hành, khai thác hệ thống VTCC khối lượng lớn tại đô thị là một lĩnh vực mới ở nước ta và đây sẽ là thách thức không nhỏ cho các ngành chức năng. Trên thế giới cũng có nhiều mô hình quản lý, khai thác, vận hành khác nhau tùy theo điều kiện thực tế. Tại cuộc hội thảo mới đây do UBND TP Hà Nội và AFD phối hợp tổ chức, đại diện các doanh nghiệp Pháp quan tâm và giới thiệu một số mô hình giúp các ngành chức năng tham khảo. Chủ tịch Cơ quan tổ chức giao thông TP Lyon (SYTRAL), cho rằng, có nhiều nhà khai thác sẽ tạo ra sự cạnh tranh; đây sẽ là cơ hội để hành khách nhận được chất lượng phục vụ tốt nhất. Tuy nhiên, sẽ khó có sự thống nhất trong phối hợp khai thác, ảnh hưởng đến vận hành chung, đồng bộ của giao thông công cộng. Giám đốc kỹ thuật Hiệp hội Hợp tác vì phát triển và cải thiện giao thông đô thị (CODATU) cũng cho rằng, để các đơn vị VTCC hoạt động riêng rất dễ nảy sinh mâu thuẫn cạnh tranh trong quá trình khai thác, còn nếu gộp lại cũng sẽ phát sinh các khó khăn khác, đặc biệt về kinh phí. Do vậy, việc gộp quản lý đường sắt đô thị, xe buýt về một mối là vấn đề cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã đề xuất thành lập 3 đơn vị quản lý, điều hành các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai ở TP. Tuy nhiên, cũng cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ đề xuất này. Theo đó, trong quản lý, vận hành cần phải chia ra các cấp hành động, từ cấp chiến lược, đến cấp chiến thuật rồi mới tới cấp thực hiện cụ thể. Như vậy, mới tạo ra sự đồng bộ, hiệu quả, trên cơ sở giao việc quản lý khai thác, bảo dưỡng mạng lưới giao thông công cộng cho các vùng, địa phương.
Sẽ không có một phương án chung cho tất cả các dự án và đòi hỏi đặt ra là lựa chọn phương án phù hợp nhất. Dù chưa có kinh nghiệm, nhưng với sự quan tâm của không ít công ty, nhà đầu tư quốc tế vào lĩnh vực này, các cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn chủ động trong việc chọn lựa, tìm giải pháp phù hợp, có lợi nhất. Vấn đề đặt ra là cần ý thức đúng vai trò, vị thế và không để các yếu tố lợi ích chi phối trong quá trình, lựa chọn.
Theo báo Hà Nội mới