Cùng với các dự án đường sắt đô thị, Sở GTVT Hà Nội đang tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án thí điểm xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT), phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2015. Đến thời điểm này, các hạng mục chính của Dự án vẫn đang bám sát tiến độ theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội và Ngân hàng Thế giới (WB).
Cùng với các dự án đường sắt đô thị, Sở GTVT Hà Nội đang tập trung đẩy nhanh tiến độ Dự án thí điểm xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT), phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2015. Đến thời điểm này, các hạng mục chính của Dự án vẫn đang bám sát tiến độ theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội và Ngân hàng Thế giới (WB).
Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội do WB tài trợ có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 495 triệu USD bao gồm cả tái định cư, trong đó hợp phần Hanoi BRT có mức đầu tư khoảng 55 triệu USD. Tuyến Hanoi BRT sẽ được xây dựng và lắp đặt thiết bị từ Bến xe Yên Nghĩa đến Bến xe Kim Mã, gồm xây dựng Nhà ga đề pô Yên Nghĩa (4.000m2), xây dựng nhà chờ loại 4m và 5m, trạm trung chuyển Kim Mã, tuyến đường BRT từ Nhà ga đề pô Yên Nghĩa đến trạm trung chuyển Kim Mã dài khoảng 14,7km. Tốc độ khai thác dự kiến của tuyến Hanoi BRT vào khoảng 22 - 25km/h, sử dụng xe buýt sàn cao, sức chứa 90 hành khách, chiều dài khoảng 12m, trọng tải 18 tấn. Tuyến Hanoi BRT dự kiến đưa được vào sử dụng vào quý II/2015.
Đến thời điểm này, chủ đầu tư và các nhà thầu đã triển khai xây dựng làn đường dành riêng cho BRT đoạn từ phố Hoàng Ngân đến Khuất Duy Tiến và Trung tâm điều khiển tại Bến xe Kim Mã, Bến xe Yên Nghĩa. Các gói thầu khác của dự án vẫn đang bám sát tiến độ theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội và WB. Trong đó, gói thầu CP4e xây dựng trạm đầu cuối Yên Nghĩa theo kế hoạch sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 2/3/2014 (dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2014). Các gói thầu CP4k (xây dựng và lắp đặt cầu vượt cho người đi bộ trên tuyến BRT); CP4b (xây dựng đường đoạn từ Khuất Duy Tiến đến Yên Nghĩa và trạm xe buýt trên toàn tuyến); gói thầu CP4c (xây dựng đường đoạn từ Bộ Y tế - Giang Văn Minh - Kim Mã - Giảng Võ); gói thầu CP4f (xây dựng khu bảo dưỡng, sửa chữa trong Bến xe Yên Nghĩa rộng 4.000m2)… đang trong giai đoạn phê duyệt hồ sơ mời thầu và chuẩn bị mời thầu để chính thức triển khai.
Ông Trần Anh Tú - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho biết, ngay trong đầu tuần tới, nhà chờ xe buýt mẫu đầu tiên trong chuỗi nhà chờ của BRT sẽ được khởi công xây dựng. Nhà chờ mẫu được xây dựng trên dải phân cách tại ngã tư Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương (mang tên "Trạm Nguyễn Tuân"), được thiết kế với đầy đủ công năng của một nhà chờ xe buýt nhanh theo chuẩn quốc tế. Nhà chờ Nguyễn Tuân rộng 5m, diện tích 129m2, được thiết kế theo đúng chuẩn của BRT quốc tế; đồng thời được nghiên cứu để phù hợp với đặc thù giao thông trên các tuyến phố Hà Nội. Cốt nền nhà chờ được tôn cao để tạo độ bằng phẳng với sàn xe buýt giúp người đi xe tiếp cận dễ dàng hơn nhiều so với xe buýt truyền thống, đặc biệt là người sử dụng xe lăn. Lối lên xuống nhà chờ cũng được thiết kế để hỗ trợ người đi xe lăn với thiết kế dài và thoải. Phòng chờ xe buýt ốp vách kính cường lực, rộng rãi sạch sẽ, đáp ứng được lưu lượng khách lớn, bảo đảm an toàn tiện nghi cho khách đi xe. Cửa từ nhà chờ bước lên xe buýt là hệ thống kính trượt đóng mở tự động. Chỉ khi xe buýt cập bến cửa trượt mới tự động mở để giữ an toàn và tạo thói quen xếp hàng trật tự khi vào xe. Nhà chờ được trang bị máy bán vé, máy quẹt thẻ/soát vé tự động, cũng như quầy hỗ trợ khách hàng có nhân viên trực tại chỗ. Thời gian di chuyển của khách được tiết kiệm tối đa nhờ các hệ thống tự động và quy trình mua vé, soát vé, quẹt thẻ đều được thực hiện ngay khi bước vào nhà chờ. Trên tuyến sẽ có 21 nhà chờ, là điểm đón trả hành khách tham gia giao thông trên tuyến Kim Mã - Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương kéo dài - Lê Trọng Tấn - Quang Trung - Bến xe Yên Nghĩa, gồm 3 loại với quy mô diện tích 113m2, 129m2, 99m2. Toàn bộ kiến trúc công trình nhà chờ trên tuyến được thiết kế với ngôn ngữ dễ hiểu, khung mái và cột bằng kết cấu thép, hình thức đơn giản, hài hòa với kiến trúc của tuyến giao thông và tuân thủ hệ thống nhận diện thương hiệu xe buýt Hanoi BRT.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn cho biết: Sau khi đưa vào khai thác, BRT sẽ trở thành một trong những loại hình giao thông công cộng quan trọng của Thủ đô đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Trong quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 8 tuyến buýt nhanh BRT. Tuyến BRT Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa thành công sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố xem xét nhân rộng trên các tuyến khác.
Nguồn: Báo Hà Nội mới