Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 6 tuyến xe buýt nội thị TP. Nha Trang và 7 tuyến liên huyện với hơn 100 đầu xe đang hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn do lượng khách ít, phải bù lỗ, chi phí đầu tư bến bãi cao.
Còn nhiều khó khăn
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020. Theo đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tăng tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách bằng xe buýt đáp ứng nhu cầu người dân từ 10 - 15%; Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ từ 5 - 10%; các tỉnh, thành còn lại 1 - 5%. Theo ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa, quyết định là vậy nhưng trên địa bàn tỉnh, việc phát triển mạng lưới xe buýt rất khó do nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân không cao, nhất là tuyến nội thị. Vừa qua, sở đã cho DN mở thêm tuyến Chợ Đầm - Vĩnh Phương nhưng sau một thời gian hoạt động không có khách nên đã tạm dừng. 1 ngày tuyến này chỉ thu được 200.000 - 300.000 đồng/xe.
Tại Khánh Hòa, người dân đi lại bằng xe buýt ngày càng giảm
Hiện nay, 6 tuyến nội thị, lượng hành khách đi xe chưa đạt 50% công suất. Trung bình mỗi ngày có 44 xe hoạt động với 492 lượt xe chạy nhưng chỉ thu được khoảng 30 triệu đồng. Ông Dần khẳng định: “Lượng hành khách đi xe buýt giảm không phải do chất lượng phương tiện, lộ trình, số lượt, mà chủ yếu là do học sinh các trường THCS và THPT thích tự đi học bằng xe đạp, xe máy điện”. Ngoài ra, từ tháng 6-2014 đến nay, khi Nhà nước không trợ giá, DN phải tự cân đối thu chi, giá vé xe buýt cũng được điều chỉnh tăng lên. Hiện nay, giá vé lượt là 7.000 đồng/lượt; vé tháng 2 tuyến 320.000 đồng/tháng, 3 tuyến đến 6 tuyến 360.000 đồng/tháng. Đây cũng là nguyên nhân khiến hành khách đi xe buýt giảm.
Riêng các tuyến xe buýt liên huyện, ngoài 7 tuyến hoạt động theo hình thức xã hội hóa, DN tự cân đối thu chi gồm: Nha Trang - Ninh Tây; Nha Trang - Dốc Lết; Nha Trang - Vạn Giã; Vạn Giã - Đại Lãnh; Diên Khánh - Khánh Vĩnh; Nha Trang - Cam Lâm - Cam Ranh; Nha Trang - Sân bay Cam Ranh với 56 đầu xe, hoạt động hơn 400 lượt/ngày, hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên cũng đã thống nhất cho Công ty TNHH Quyết Thắng Nha Trang nối tuyến Nha Trang - Vạn Giã thành tuyến Nha Trang - Tuy Hòa. Hiện nay, công ty đang xây dựng kế hoạch trình sở xem xét. Dự kiến, tuyến này sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động trong 3 tháng tới. Ngoài ra, Sở GTVT đang xem xét cho DN mở thêm tuyến Vạn Giã - Đầm Môn. Tuy nhiên, việc phát triển thêm các tuyến vẫn còn khó khăn do DN vẫn đang phải bù lỗ cho một số tuyến. Ông Nguyễn Thái Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng Nha Trang cho biết, DN có 4 tuyến hoạt động; trong đó có 3 tuyến phải bù lỗ mỗi tháng trên 100 triệu đồng gồm: Nha Trang - Ninh Tây; Nha Trang - Dốc Lết và Vạn Giã - Đại Lãnh.
Ông Nguyễn Đình Hậu - Trưởng Chi nhánh Phương Trang tại Nha Trang cho biết, hiện nay, xe buýt Phương Trang chạy chỉ để quảng cáo thương hiệu, còn doanh thu không bù được chi. Trong khi đó, DN lại vừa đầu tư một dàn xe mới hoàn toàn, lượng khách giảm mạnh, việc thu hồi vốn rất khó.
Doanh nghiệp cần được tiếp sức
Ông Nguyễn Thái Thanh cho biết, qua hơn 5 năm hoạt động vận tải bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, DN vẫn chưa nhận được một sự hỗ trợ nào. Hiện nay, DN phải đi thuê mặt bằng nên bến, bãi khá tạm bợ. 5 năm hoạt động, DN đã 4 lần chuyển địa điểm làm việc và bến, bãi. Việc này không chỉ khiến DN không ổn định kinh doanh mà còn tốn kém về mặt kinh tế. Để duy trì hoạt động các tuyến xe buýt, DN phải tiết kiệm các chi phí như: xăng dầu, sửa chữa, phí vận hành… “Chúng tôi rất mong các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ về mặt bằng bến bãi để DN ổn định hoạt động và có điều kiện mở rộng các tuyến, đầu tư phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách” - ông Thanh nói. Được biết, không chỉ xe buýt Quyết Thắng mà cả xe buýt Phương Trang cũng đang gặp khó khăn về bến, bãi điểm đầu và cuối.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dần cho biết, hiện nay, đối với hoạt động xe buýt, tỉnh mới chỉ hỗ trợ được một phần cho các tuyến xe buýt nội thị TP. Nha Trang. Biết rằng các tuyến này đang rất khó khăn nhưng DN đang trong giai đoạn cam kết theo quy định đấu thầu là 7 năm nên rất khó tháo gỡ. Hiện trên địa bàn TP. Nha Trang đang đầu tư, nâng cấp mở rộng một số tuyến đường, nút giao thông như: Cao Bá Quát - Cầu Lùng, Phong Châu… Sau khi hoàn thành, sở sẽ báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh lại lộ trình cho phù hợp nhằm thu hút hành khách đi xe. Riêng các tuyến liên huyện gần như chưa được hỗ trợ, DN phải tự hạch toán thu chi, kể cả bến đầu và cuối. Tại Nha Trang, do quỹ đất hạn chế nên rất khó kiến nghị hỗ trợ về bến bãi cho xe buýt. Còn tại các huyện, thị xã, tuy quỹ đất còn nhiều nhưng do đã phân cấp quản lý nên sở chỉ đề nghị địa phương tạo điều kiện hỗ trợ DN. “Hiện nay, hầu hết các địa phương còn thiếu sự quan tâm về bến, bãi mà khoán trắng cho DN. Để thu hút các DN phát triển mạng lưới xe buýt, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN”, ông Dần nói.