Xe buýt nhanh BRT: Mảnh ghép quan trọng của giao thông đô thị Hà Nội

Thứ năm, 19/10/2017 13:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Tuyến buýt nhanh BRT01 Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã đã vận hành được 9 tháng, khởi đầu cho sự xuất hiện của vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) khối lượng lớn tại Hà Nội.

Bằng ưu thế vận hành và vận chuyển của mình, xe buýt BRT đã cho thấy sự vượt trội so với loại hình xe buýt thông thường.

Lợi thế từ năng lực vận chuyển và vận hành

Tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội: Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã được triển khai từ đầu năm 2013; trải qua nhiều gian nan, ngày 31/12/2016 đã được chính thức đưa vào vận hành với số hiệu BRT01. Tuyến BRT01 được lưu thông trong một làn đường riêng 3,5m, sát dải phân cách giữa, tách biệt với làn đường dành cho phương tiện hỗn hợp trên suốt lộ trình: Quang Trung - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ. Xe buýt BRT có thể vận chuyển 90 hành khách/chuyến với tốc độ 20 - 22 km/giờ; hành khách mua vé và được soát vé một lần duy nhất khi vào nhà chờ.

Trạm dừng đỗ xe buýt BRT tại Bến xe Kim Mã

Các chuyên gia lý giải, lợi thế của BRT bao gồm 4 điểm chính: Khối lượng vận chuyển lớn: 30.000 - 40.000 hành khách/ngày; làn đường biệt lập, được ưu tiên tại các nút giao cắt nên rút ngắn được tối đa thời gian di chuyển, chờ đợi; loại bỏ hoàn toàn thao tác ngoặt vào - rẽ ra khi dừng đón trả khách trên đường nên hạn chế tối đa gây cản trở, UTGT. Nếu so sánh với xe buýt thông thường hiện nay, chỉ chở được từ 50 - 70 hành khách/chuyến, sử dụng chung làn đường với các loại phương tiện khác, thì ưu thế của buýt BRT là không cần bàn cãi. Tuy nhiên cũng cần nhớ rằng, đây là tuyến BRT đầu tiên của cả nước cũng như Hà Nội. Việc thiếu kinh nghiệm vận hành, chưa có thói quen tôn trọng làn đường riêng dành cho xe buýt ít nhiều đã khiến cả đơn vị thực hiện lẫn người dân gặp những khó khăn, phức tạp không cách nào tránh khỏi. Kỹ sư Vũ Hà, một trong những người đầu tiên tham gia dự án xe buýt BRT của Hà Nội nhận định, phương án tổ chức giao thông dành sự ưu tiên tuyệt đối cho xe buýt BRT là tối cần thiết để phát huy hiệu quả của loại hình VTHKCC khối lượng lớn này. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, sẽ cần phải có thêm thời gian để người dân Hà Nội thực sự dành những ưu tiên cho xe buýt BRT nói riêng và VTHKCC nói chung.

Điểm nhấn trên mạng lưới vận tải công cộng

Theo Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị, ThS Nguyễn Hoàng Hải: “Sự vượt trội cả về năng lực, thời gian vận hành, lẫn tính tiện lợi của xe buýt BRT đã và đang dần thu hút một bộ phận không nhỏ người dân từ bỏ các phương tiện cá nhân, áp lực giao thông cũng nhờ đó mà giảm đi rất nhiều”.

Thống kê của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho thấy, tính chung 6 tháng đầu năm, xe buýt BRT đã đạt hiệu vận chuyển khá cao với bình quân 13.485 hành khách/ngày, 40 hành khách/lượt, ngày cao điểm đạt 17.465 lượt hành khách/ngày. Đáng chú ý là vào các cung giờ cao điểm, buýt nhanh đã bước đầu có dấu hiệu quá tải. Cụ thể, vào khung giờ cao điểm, bình quân xe đạt 70 hành khách/lượt, nhiều lượt vận chuyển từ 105 - 115 hành khách. Đại diện Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội nhìn nhận: “So sánh với các tuyến buýt khác, sản lượng hành khách trên tuyến BRT thuộc nhóm có sản lượng vận chuyển cao”. Hành khách của xe buýt BRT tập trung chủ yếu vào giờ cao điểm từ 7 - 9 giờ và 16 giờ 30 - 18 giờ 30; chiếm khoảng 50% sản lượng của cả ngày. Số lượng hành khách sử dụng vé tháng để đi lại thường xuyên ổn định, dẫn đầu trong mạng lưới xe buýt nói chung của TP. Có 53,7% hành khách tham gia trả lời khảo sát cho biết đã đi bộ để tiếp cận tuyến BRT trước và sau chuyến đi.

Có thể thấy, không chỉ đặt dấu ấn đầu tiên cho loại hình VTHKCC khối lượng lớn mà xe buýt BRT còn đang tác động rất tích cực đến việc thay đổi thói quen đi lại của người dân; góp phần hạn chế lư thông phương tiện cá nhân và giảm UTGT tại Hà Nội.

kimcuc

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)