Xe buýt là loại hình phương tiện giao thông công cộng được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm xe cá nhân và có giá rẻ, phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên, hoạt động của loại hình vận tải này trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện nhiều tồn tại, bất cập từ công tác quản lý nhà nước đến việc thực hiện các quy định pháp luật về giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự ATGT trên địa bàn.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Yên Khánh kiểm tra 1 xe buýt lưu thông qua địa bàn
Nhiều tồn tại, bất cập đáng quan ngại
Trong thực tế hiện nay chúng ta không khó để bắt gặp những trường hợp xe buýt đón, trả khách tùy tiện không đúng nơi quy định trên nhiều tuyến đường, khiến cho các xe buýt trở thành các xe “dở buýt, dở khách cố định”.
Một vài hộ dân ven đường cho biết: Xe buýt chạy trên tuyến Quốc lộ 1 đón trả khách tự do là chuyện xảy ra thường xuyên. Đang chạy có khi họ tấp vào lề đón khách khiến nhiều người đi đường không xử lý kịp, chỉ bất cẩn một chút là rất dễ xảy ra tai nạn.
Tiến hành tổ chức kiểm tra đột xuất tuyến xe buýt số 2, Ninh Bình - Kim Đông (Kim Sơn), chỉ trong 2 ngày giữa tháng 10, qua kiểm tra 11 phương tiện xe buýt, lực lượng thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải đã phát hiện cả 11 trường hợp vi phạm với các lỗi chủ yếu: không niêm yết đúng đường dây nóng; trang phục không đúng quy định; không phát vé cho hành khách; dừng, đỗ, đón khách không đúng nơi quy định...
Trước đó, lực lượng thanh tra giao thông cũng đã phát hiện và xử lý 2 trường hợp xe buýt phạm lỗi không thực hiện đúng các nội dung đăng ký niêm yết về điểm đầu, điểm cuối của tuyến và lỗi lái xe có giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại đang điều khiển.
Con số trên đã phần nào phản ánh sự “lộn xộn” trong hoạt động của các xe buýt trên địa bàn trong thời gian vừa qua. Theo đồng chí Nguyễn Duy Phong - Chánh thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải: Kinh nghiệm cho thấy, nếu kiểm tra thường xuyên, liên tục thì các xe buýt chấp hành rất tốt, nhưng cứ không thường xuyên kiểm tra thì các xe lại tái phạm.
Ngoài các vi phạm của các phương tiện xe buýt, hệ thống biển báo điểm dừng, đỗ của xe buýt hiện nay trên địa bàn tỉnh còn thiếu và chưa được quan tâm.
Đi dọc tuyến đường 477 đoạn Gia Viễn - Nho Quan, chúng tôi nhận thấy hầu như không có bất cứ biển báo điểm dừng, đón, trả khách nào đối với xe buýt. Tuyến đường 10 đoạn Yên Khánh - Kim Sơn là tuyến đường có lượng xe buýt lưu thông nhiều, nhưng cũng chỉ có rất ít các điểm được lắp biển báo dừng, đón, trả khách.
Trao đổi vấn đề này với đồng chí Phạm Quốc Chính - Trưởng phòng quản lý kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông vận tải, được biết: Do hiện nay tỉnh mới chỉ có quy hoạch các tuyến xe buýt, nhưng chưa có quy hoạch vị trí cắm biển báo điểm dừng, đỗ của xe buýt nên việc lắp đặt biển điểm đón, trả khách chưa được thực hiện chỉnh chu. Hơn nữa hệ thống biển báo dành cho xe buýt là do các doanh nghiệp khai thác tự cắm và quản lý, dưới sự đồng ý về vị trí đặt biển của Sở Giao thông vận tải.
Khi bắt đầu thực hiện mở khai thác tuyến, các biển báo được cắm rất đầy đủ; tuy nhiên sau 1 thời gian dài đi vào hoạt động, hệ thống biển báo bị gãy, đổ, hoặc bị mất, Sở Giao thông vận tải đã nhắc nhở nhiều lần nhưng doanh nghiệp chưa tiến hành khảo sát và khắc phục lại.
Tình trạng này, không chỉ gây khó khăn cho người dân trong việc chờ đón xe buýt mà còn gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi thực hiện các chế tài xử lý.
Đặc biệt, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện thêm sự hoạt động của tuyến xe buýt số 19 từ thành phố Ninh Bình đi Xích Thổ, Nho Quan và ngược lại của Công ty TNHH đầu tư vận tải Bình An, mặc dù tuyến này đang trong giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng, chưa được Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu và công bố tuyến; điều này gây bức xúc trong doanh nghiệp trên địa bàn và tiềm ẩn nguy cơ tranh giành khách, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến ATGT toàn tuyến đường.
Một trong những nguyên nhân của các tồn tại trên được các cơ quan chức năng đưa ra là: Do dân số phân bố không đều, trên địa bàn chưa có hệ thống đường gom nên khó quản lý được điểm dừng, đỗ của các xe buýt; người dân có thói quen bắt xe tự do dọc đường; thiếu lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát; bên cạnh đó, chế tài xử phạt các lỗi đối với xe buýt còn ở mức thấp, chưa đủ sức răn đe; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa thường xuyên liên tục...
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến xe buýt, 59 xe với tổng số 150 chuyến/ngày, do 3 doanh nghiệp đầu tư khai thác kinh doanh. Với tần suất hoạt động cao trong khi việc khai thác kinh doanh loại hình xe buýt trên địa bàn còn tồn tại nhiều nỗi lo, đã gây bức xúc đối với hành khách đi xe và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, vi phạm trong hoạt động của xe buýt nhiều nhưng lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý được rất ít. Theo đồng chí Nguyễn Duy Phong - Chánh Thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải: Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở kiểm tra, xử lý 36 trường hợp, xử phạt trên 100 triệu đồng. Đồng chí Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải cũng cho biết: Lực lượng Thanh tra giao thông vẫn thường xuyên phân công lực lượng kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các tuyến xe buýt, tuy nhiên lực lượng làm nhiệm vụ mỏng, khối lượng công việc nhiều nên việc kiểm tra, xử lý xe buýt chưa được liên tục.
Việc kiểm tra thường chỉ được triển khai đột xuất, hoặc vào các đợt nghỉ lễ, tết; hơn nữa thẩm quyền xử lý của Thanh tra giao thông bị hạn chế, do chỉ được phép kiểm tra, xử lý tại những điểm xe buýt dừng, đỗ mà không được quyền kiểm soát khi xe đang lưu thông trên đường...
Tăng cường các giải pháp
Đại diện Sở giao thông vận tải cho biết: Để khắc phục các tồn tại trên và thực hiện nghiêm các quy định trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe buýt, đảm bảo trật tự ATGT, đáp ứng tốt yêu cầu đi lại của nhân dân và tạo dựng niềm tin của nhân dân trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các phòng chức năng trực thuộc Sở tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn.
Tích cực tuyên truyền pháp luật về ATGT đến các đơn vị vận tải, lái xe, phụ xe và hành khách đi xe. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt theo quy định; kiên quyết không cho các xe buýt chưa đủ điều kiện lưu thông các tuyến.
Về lâu dài, để đảm bảo quy hoạch mạng lưới tuyến buýt trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tỉnh cũng đã có giải pháp toàn diện trong cơ chế chính sách quản lý quy hoạch và quản lý điều hành cũng như ưu đãi hỗ trợ tài chính và vận động tuyên truyền người dân...
Về phía các đơn vị kinh doanh vận tải cũng đang khẩn trương chấn chỉnh và có các biện pháp kiên quyết xử lý các lái xe, phụ xe vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kiên quyết không giao xe cho các lái xe không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện.
Tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông nhằm nhắc nhở, xử lý kịp thời các sai phạm trong hoạt động vận tải.
Rà soát lại hành trình và biểu đồ vận hành của các tuyến xe buýt để đề nghị Sở Giao thông vận tải điều chỉnh cho phù hợp. Rà soát, cắm bổ sung các biển “điểm dừng xe buýt”, tu sửa, bổ sung đầy đủ thông tin tại các biển điểm dừng xe buýt trên toàn tuyến xe buýt. Thực hiện việc xây dựng các nhà chờ cho hành khách tại điểm đầu và điểm cuối của các tuyến xe buýt không phải là bến xe.
Tuy nhiên, để góp phần cho hoạt động của xe buýt đi vào nề nếp, đảm bảo TTATGT, người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ việc đón, bắt xe buýt tại các điểm đã được quy định.