UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quy định về cơ chế ưu đãi trong hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa
Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được Nhà nước đầu tư xây dựng, cơ sở hạ tầng, thông tin tuyên truyền phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt; được ưu đãi về hỗ trợ tín dụng với hạn mức vay vốn hỗ trợ lãi suất đến 70% tổng vốn đầu tư của dự án trong thời gian tối đa 15 năm; được miễn giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; được miễn phí cầu đường và giảm giá dịch vụ lưu đậu xe; được miễn tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe, ưu tiên trong thuê đất; được hưởng chính sách trợ giá. Đối với xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch được miễn lệ phí trước bạ, được ưu tiên khi tham gia đấu thầu tuyến mới.
Các tuyến xe buýt được hưởng cơ chế ưu đãi phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoạt động phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày của hành khách bằng xe buýt trong phạm vi nội thành, nội thị (với đô thị từ loại 3 trở lên) hoặc nối giữa đô thị với vùng phụ cận của địa phương liền kề (xã tiếp giáp của huyện liền kề), các tuyến xe buýt kết nối giữa thành thị với các xã thuộc địa bàn huyện nghèo; đồng thời phải đảm bảo hoạt động tối thiểu 12 giờ trong ngày, khoảng cách thời gian tối đa giữa hai chuyến là 30 phút trong nội thành, nội thị và 60 phút với các tuyến khác.
Ngoài ra, theo quy định trên, các đối tượng sử dụng xe buýt được ngân sách Nhà nước hỗ trợ gồm: Trẻ em dưới 6 tuổi, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, người khuyết tật nặng và người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ 100% theo mức giá vé tháng; học sinh, sinh viên là công dân Việt Nam đang học các trường trên địa bàn tỉnh có thời gian học từ 12 tháng trở lên; người khuyết tật, người cao tuổi, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hỗ trợ 70% thông qua vé tháng.