Sau hơn 1 tháng triển khai việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn TP. Nha Trang, hầu hết người dân đều chấp hành chủ trương nộp phí nhưng vẫn còn băn khoăn về mức thu; biên lai thu phí và chế tài xử lý…
Sau hơn 1 tháng triển khai việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn TP. Nha Trang, hầu hết người dân đều chấp hành chủ trương nộp phí nhưng vẫn còn băn khoăn về mức thu; biên lai thu phí và chế tài xử lý…
Theo ông Nguyễn Đình Trọng - Phó Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch TP. Nha Trang, từ đầu tháng 8, UBND TP. Nha Trang đã triển khai việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên toàn thành phố. Đến nay, hầu hết các xã, phường đều đang thực hiện bước hướng dẫn kê khai phương tiện xe mô tô cho người dân. Tuy nhiên cũng có một số xã, phường đã tiến hành thu như: Phương Sài, Vĩnh Nguyên, Tân Lập, Ngọc Hiệp, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp… Qua tìm hiểu, đa số người dân còn băn khoăn về mức thu; biện pháp chế tài xử phạt.
Theo số liệu từ Công an tỉnh Khánh Hòa, TP. Nha Trang hiện có khoảng 490.937 xe mô tô, xe gắn máy với số tiền phải nộp hàng tỷ đồng nhưng qua thực tế, đến thời điểm này số tiền thu được rất thấp.
Đa số người dân cho rằng, việc nộp phí sử dụng đường bộ nhằm bổ sung kinh phí để xây dựng đường sá tốt hơn, phục vụ việc lưu thông của người dân nên chấp hành khá tốt. Ông Tôn Thất Chung - Tổ dân phố Hoàng Diệu cho biết: “Gia đình tôi có 3 xe máy, ngay khi Tổ dân phố triển khai, chúng tôi nộp đầy đủ. Tôi thấy việc nộp phí cũng hợp lý, vì người dân có nghĩa vụ đóng góp để duy tu, sửa chữa đường được tốt hơn”. Còn anh Nguyễn Văn Thắng - phường Phương Sài cho biết, gia đình anh có 2 xe và đã nộp phí đầy đủ. Tuy nhiên, với cơ chế thiếu rõ ràng như hiện nay, sẽ có rất nhiều người không nộp phí mà vẫn không bị xử lý. Mặt khác, kể cả khi người dân nộp phí đầy đủ thì liệu có được hưởng chất lượng đường giao thông tốt hơn?
Theo bà Trương Thị Thúy - Tổ trưởng Tổ dân phố Hoàng Diệu, phường Vĩnh Nguyên, việc triển khai thu phí và mức thu không đồng bộ giữa các địa phương khiến công tác thu phí gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, nhiều người dân còn bán tín bán nghi khi tổ dân phố tới thu. “Thiết nghĩ, ngoài việc kêu gọi sự tự giác của người dân, các cơ quan chức năng nên có chế tài xử phạt những trường hợp không chấp hành việc nộp phí. Có như vậy, việc nộp phí mới công bằng, tạo được nề nếp cho người dân, tránh trường hợp “đánh trống bỏ dùi”. Năm nay mình làm không nghiêm, năm sau chắc chẳng có ai nộp” - bà Thúy nói.
Bà Võ Thị Như Hoa - Chủ tịch UBND phường Tân Lập cho biết, ngày 20/6, phường đã tiến hành họp các tổ dân phố; đồng thời phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân về việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô và hướng dẫn nhân dân kê khai. Sau hơn một tháng tuyên truyền, đến ngày 1/8, các tổ dân phố trên địa bàn phường mới tiến hành việc thu phí. Đến nay, đã có 14/18 tổ dân phố thu được số tiền trên 150 triệu đồng. “Nhiều gia đình có 3 - 4 xe mô tô nhưng chỉ nộp 1 xe. Do việc kê khai, nộp phí là tự nguyện nên địa phương cũng chưa giải quyết được vấn đề này. Ngoài ra, việc triển khai không đồng bộ giữa các xã, phường cũng là trở ngại cho các tổ dân phố khi đi thu” - bà Hoa nói.
Nghị quyết số 01/2013/NQ- HĐND ngày 1/3/2013 của HĐND tỉnh quy định: Đối với các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố loại xe mô tô có dung tích xi lanh đến 100cm3, mức thu 70.000 đồng/xe/năm và đối với loại có dung tích xi lanh trên 100cm3, mức thu 120.000 đồng/xe/năm; đối với các xã thuộc các huyện, thị xã, thành phố loại xe mô tô có dung tích xi lanh đến 100cm3, mức thu 50.000 đồng/xe/năm và đối với loại có dung tích xi lanh trên 100cm3, mức thu 100.000 đồng/xe/năm.
Tương tự, theo thống kê sơ bộ, toàn phường Vĩnh Nguyên có khoảng 8.000 xe nhưng hiện nay mới thu được trên 650 xe với số tiền gần 80 triệu đồng. Theo ông Dương Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên, đến nay một số tổ dân phố vùng biển vẫn chưa tiến hành xong việc kê khai. Khó khăn của phường hiện nay là nếu bà con không tự giác nộp phí, phường cũng chưa biết giải quyết thế nào. Theo quy định, các phường thuộc TP. Nha Trang được để lại 7% số phí sử dụng đường bộ thu được để hoạt động nhưng ngoài chi trả cho những việc liên quan, số tiền còn lại không đủ trang trải cho lực lượng trực tiếp làm công việc này.
Ông Hoàng Chữ - Chủ tịch UBND phường Phương Sài chia sẻ, qua thống kê sơ bộ trên địa bàn phường có khoảng 7.000 phương tiện mô tô, xe gắn máy với số tiền dự kiến thu khoảng 800 triệu đồng, nhưng đến nay mới chỉ có 4/10 tổ dân phố thu được số tiền hơn 20 triệu đồng. Dự kiến, năm 2013 phường Phương Sài chỉ thu được khoảng 50 - 100 triệu đồng.
Ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho biết: “Mức thu phí trên địa bàn tỉnh được xem xét trên cơ sở quy định của Bộ Tài chính và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Theo tôi, trung bình mỗi xe nộp phí từ 8.000 - 10.000 đồng/tháng là không cao. Riêng ý kiến của người dân về việc hóa đơn mỏng, dễ rách và bất tiện khi mang theo, thời gian tới, Hội đồng quỹ sẽ rút kinh nghiệm, từng bước khắc phục những vướng mắc; đồng thời nghiên cứu một loại tem dán chứng nhận lên phương tiện đã nộp để phân biệt với xe chưa nộp và làm cơ sở pháp lý khi lưu thông trên đường. Ngoài ra, Hội đồng quỹ đang tiến hành xây dựng tiêu chí để phân bổ quỹ thu được sử dụng cho đường tỉnh và phân bổ cho UBND các huyện, thị xã, thành phố sử dụng cho đường huyện”./.
Nguồn: Báo Khánh Hòa