Theo kế hoạch, từ tháng 11/2013, thành phố Đà Nẵng sẽ tiến hành thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) đối với xe gắn máy và mô tô. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết.
Theo kế hoạch, từ tháng 11/2013, thành phố Đà Nẵng sẽ tiến hành thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) đối với xe gắn máy và mô tô. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết.
Ông Lê Văn Trung,tổ trưởng tổ 9, An Nhơn, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cho biết: Tổ dân phố đã họp triển khai nội dung về thu phí BTĐB đối với mô tô và xe máy. Qua cuộc họp này, nhiều người dân vẫn chưa thông, cá biệt một số người còn nêu câu hỏi “Vì sao lại đánh thuế xe máy hằng năm?”; một số khác thì nêu vấn đề “Nhà tôi có hai chiếc xe máy, nhưng chỉ sử dụng một chiếc, chiếc còn lại thỉnh thoảng mới đi một lần cũng đóng như chiếc đi thường xuyên là không công bằng”.
Tuy nhiên, theo ông Trung, cái lo nhất chính là nhiều tổ trưởng khá mơ hồ về việc thu phí này. Nguyên nhân chủ yếu là nhiều tổ trưởng không đi tập huấn trên phường nên chưa triển khai, có tổ triển khai nhưng dân hỏi lại không biết trả lời cho dân thông. Còn ông Huỳnh Văn Thịnh, tổ trưởng tổ 10C2, phường Mân Thái, quận Sơn Trà lại cho rằng, việc thu phí BTĐB đưa về cho các tổ trưởng làm là quá sức.
Nhiều người dân cho rằng, Thông tư 197/2012/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu và quản lý sử dụng phí BTĐB của Bộ Tài chính còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, Thông tư ghi: “ ...UBND xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) là cơ quan thu phí đối với mô-tô của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (chủ phương tiện) trên địa bàn”, tuy nhiên lại không quy định cụ thể phương tiện, loại mô-tô ở tỉnh nào phải đóng theo tỉnh đó.
Điều này có nghĩa cho phép chủ phương tiện có quyền đóng phí ở bất cứ nơi nào ngoài địa bàn đăng ký phương tiện. Điều này vừa gây khó khăn cho cán bộ tổ dân phố nơi có người tạm trú (trên 6 tháng) vừa không bảo đảm đúng mức thu vì mỗi địa phương quy định mức thu khác nhau. Đặc biệt, sắp tới đây, khi lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tiến hành kiểm tra xử phạt đối với các trường hợp không đóng phí BTĐB cũng sẽ gặp trở ngại. Lý do, theo Luật Giao thông đường bộ quy định, những giấy tờ người điều khiển phương tiện mang theo không có “giấy chứng nhận đã đóng phí BTĐB”.
Về kinh phí tổ chức thực hiện, đối với cấp quận, huyện cũng là một nỗi lo. Vì theo điều 9, Thông tư 197 quy định: “UBND quận, huyện có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền, tập huấn và tổ chức cho chính quyền cấp dưới thực hiện việc thu phí BTĐB. Tuy nhiên, theo thông tư này thì phần trăm kinh phí từ việc thu phí chỉ cấp cho UBND xã, phường, chứ không dành cho UBND cấp quận, huyện. Đại diện UBND các quận, huyện cho biết, kinh phí dành cho công tác này là không nhỏ vì công việc nhiều và liên quan đến nhiều người, nhưng nếu không có kinh phí sẽ gặp khó khăn.
Đà Nẵng hiện có trên 600.000 mô tô, xe máy, chưa kể số xe máy của người sống và học tập tạm trú cũng khá lớn. Vì vậy, nếu không khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc này thì công tác thu phí BTĐB sẽ gặp nhiều khó khăn.
Nguồn: Báo Đà Nẵng