Ngày 22/3, Cục QLĐB I tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Kiểm soát trong tải xe (KSTTX), bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ (KCHTĐB) và an toàn giao thông năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Vũ Đỗ Anh Dũng, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Bùi Xuân Trường, Cục phó Cục QLĐB I cho biết, trong năm 2015, tình hình tai nạn giao thông tại 25 tỉnh, thành khu vực phía Bắc nhìn chung đã kéo giám cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số thương vong so với năm trước. Tuy nhiên, nhiều địa phương xuất hiện trong top cảnh báo đỏ là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Tuyên Quang, Thái Bình và Bắc Giang. Tình hình tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ do Cục QLĐB I quản lý tại nhiều tuyến đường vẫn còn cao qua đó cho thấy mức độ đầu tư cho an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ này phù hợp và chưa tương xứng.
Trong công tác kiểm soát tải trọng xe năm 2015, triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT “Giảm TNGT, không còn xe quá tải”, Cục QLĐB I đã thực hiện nhiệm vụ giám sát công tác kiểm soát phương tiện vận tải vi phạm tải trọng và thành thùng của 25 tỉnh thành phía Bắc. Qua tổng hợp đánh giá cho thấy, hoạt động tăng cường kiểm soát vi phạm của phương tiện vận tải về tải trọng và kích thước thành thùng được các địa phương chú trọng thực hiện, điển hình là 5 tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Giang và Hải Phòng.
Bên cạnh nhiệm vụ giám sát công tác kiểm soát tải trọng xe tại các địa phương, năm 2015, căn cứ thực tế phát sinh vi phạm trên các địa bàn, theo các nguồn tin báo trước, được sự chỉ đạo kịp thời của Lãnh đạo Tổng cục ĐBVN và qua công tác tuần tra phối hợp kiểm soát thường xuyên, lực lượng công chức thanh tra của Cục được tổ chức thành các tổ công tác, tổ đặc nhiệm đã tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm về tải trọng và thành thùng trên địa bàn các tuyến đường do Cục quản lý.
Lực lượng Thanh tra của Cục đã tập trung xử lý trọng điểm ở 5 địa phương có nhiều vi phạm là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh và Hà Nam. Riêng tại địa bàn 5 tỉnh này Cục đã phát hiện và lập biên bản vi phạm chiếm tới gần 70% số lượng biên bản vi phạm với số tiền xử phạt hơn 73% số tiền ra quyết định xử phạt tại 21 tỉnh thành.
Đến nay, các tổ công tác kiểm soát vi phạm phương tiện vận tải không chỉ tiến hành tuần tra, xử lý trên các tuyến mà còn trực tiếp bám sát các đầu nguồn hàng để ngăn chặn, xử lý ngay tại nguồn. Các Chi cục QLĐB đã thành lập các tổ KSTTX để thực hiện nhiệm vụ thống kế, rà soát các mỏ vật liệu, khai quặng, nơi cung ứng hàng hóa, các cảng đầu mối, bến bãi, kho hàng… để kịp thời nắm bắt thông tin về xu hướng phương tiện vi phạm, tham mưu cho Cục chỉ đạo các lực lượng có biện pháp xử lý kịp thời.
Vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến quốc lộ do Cục quản lý tiếp tục tăng do tốc độ đô thị hóa trên các tuyến khá nhanh, các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung xây dựng ven các tuyến quốc lộ ngày càng nhiều, vì thế phát sinh mới nhiều vi phạm HLATĐB của người dân và cả doanh nghiệp; tốc độ đấu nối đường ngang ngày càng tăng trong khi các địa phương không chú trọng xây dựng đường gom, gây phức tạp và rủi ro cho ATGT chung trên các tuyến. Mặt khác, mức độ chấp hành quyết định xử phạt về vi phạm của người dân là thấp, tỷ lệ tái phạm cao cho thấy sự coi thường pháp luật của người dân và tính phức tạp của công tác bảo vệ HLATGTĐB trên các tuyến đường, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư.
Ông Bùi Xuân Trường, Cục phó Cục QLĐB I báo cáo công tác đảm bảo ATGT trong năm 2015.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN giao cho, trong năm 2016, trong công tác ATGT, Cục QLĐB I sẽ cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ đặt ra, đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả. Như vậy, cần phải nâng cao hiệu quả quản lý, theo dõi tuyến để kịp thời nắm bắt được các vấn đề phát sinh tiềm ẩn TNGT để có biện pháp kịp thời xử lý, ưu tiên các tuyến đang trong cảnh báo đỏ; tăng cường kết hợp với các địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác tuyên truyền về pháp luật bảo vệ HLATĐB, xử lý triệt để các vi phạm đấu nối trái phép, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ…
Để làm tốt và tiến tới chấm dứt tình trạng xe vi phạm tải trọng, trong năm 2016, Cục QLĐB I sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ đã được phê duyệt về kiểm soát vi phạm về tải trọng và kích thước thành thùng trên các tuyến quốc lộ do Cục quản lý nhưng chú trọng tập trung tăng cường cho các vùng trọng điểm, phức tạp, những nơi đầu mối nguồn hàng những nơi lực lượng địa phương còn mỏng…
Đóng góp ý kiến tham luận tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở GTVT Vĩnh Phúc Đào Văn Minh cho biết: Vĩnh phúc là một trong những tỉnh có nhiều xe quá tải chở đất đá, vật liệu cung cấp cho các tỉnh lân cận, trong năm 2015, tỉnh luôn làm tốt công tác kiểm soát tải trọng xe. Tuy nhiên, để việc thực hiện quy chế phối hợp đạt kết quả cao hơn nữa thì các chế độ, chính sách hướng dẫn thực hiện đối với địa phương phải rõ ràng, cụ thể hơn nữa.
Ông Mai Văn Bộ, Chánh Thanh tra Sở GTVT Yên Bái cũng cho rằng: trong thời gian qua với sự phối hợp của 2 Bộ, ngành kết quả kiểm soát tải trọng xe đạt được như thế là quá tốt và vai trò của truyền thông, báo chí trong công tác KSTTX là rất cần thiết, nếu không có truyền thông thì không làm được. Tuy nhiên truyền thông phải đúng hướng.
“Tôi đề nghị phải xem xét lại Luật Báo chí. Giờ có nhiều nhà báo quá. Nhiều người được cơ quan cấp cho một cái giấy giới thiệu, cũng bìa đỏ, thẻ của Hội nhà báo… đến chìa giấy ra để yêu cầu cung cấp thông tin. Vừa rồi trên một số trang báo điện tử, mạng xã hội có đăng tải một đoạn video clip kèm theo dòng bình luận: “Thanh tra giao thông tận tụy với công việc, làm cả trưa thế này bảo sao mọi vi phạm luôn ở mức ổn định…". Làm gì có báo chí nào lại định hướng như thế? Kể cả thanh tra, CSGT cũng không phải là người nhà Phật, cũng có cái dở, cái tốt nhưng đừng bám vào lý do này, kia để làm việc khác…”, ông Bộ bức xúc.
Tuy nhiên ông Bộ cũng thẳng thắn đánh giá: “Nhiều cán bộ thanh tra còn lười, tác phong làm việc còn út ết lắm. Ở trạm cân toàn mở điện thoại ra xem. Giá như thời gian ấy mở tài liệu ra trau dồi, để trả lời báo chí, lái xe được ngọn ngành thì tốt hơn. Lắm lúc các anh cũng oai lắm và có nhận thức chưa đúng…”.
Các đại biểu tham gia Hội nghị.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kết quả KSTTX đạt kết quả tích cực góp phần giảm tai nạn giao thôn cả 3 tiêu chí thông qua thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: siết chặt quản lý phương tiện, siết chặt quản lý sát hạch đầu, phát hiện xử lý kịp thời các điểm đen TNGT, tổ chức tốt giao thông trên tuyến, mà trách nhiệm chính thuộc về các Cục quản lý và địa phương, trong thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý đường bộ và địa phương để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm phát sinh.
Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh: Trên mặt trận đảm bảo an toàn giao thông, vi phạm hành lang an toàn giao thông là vấn đề lớn và yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ phải xác định giữ nguyên hiện trạng không để phát sinh vi phạm mới, nếu phát sinh mới trên tuyến quốc lộ nào thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
"Đối với công tác kiểm soát tải trọng xe, tôi cho rằng đây là một chuyên đề trong công tác đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng cần phải tiếp tục thực hiện quyết liệt để tiến tới chấm dứt xe quá tải theo chỉ đạo của U ATGT quốc gia và của Bộ GTVT. Công tác kiểm soát xe quá tải đã trở thành biểu tượng của ngành, trong thời gian qua công tác kiểm soát đạt nhiều kết quả được xã hội và dư luận ghi nhận và đánh giá cao chủ trương đúng đắn đã góp phần đảm bảo an toàn giao thông", ông Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đồng chí Vũ Đỗ Anh Dũng khẳng định, công tác tuyên truyền là đặc biệt quan trọng, hỗ trợ rất nhiều cho công tác KSTTX thời gian qua. Quan điểm của Tổng cục Đường bộ VN là trên "mặt trận" này, các lực lượng đều phải nhìn về cùng một hướng. Tuyên truyền là cho cả hệ thống và cho cả chính lực lượng thực thi công vụ, ở đây là ngành giao thông, công an. Báo chí phát hiện chỗ này chỗ kia thì cần phải rút kinh nghiệm chứ không nên phàn nàn. Đây là mặt trận chung chứ không riêng một lực lượng nào có thể làm được hết cả”, Thiếu tướng Dũng cho biết.
Đường bộ