Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, công tác duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống đường bộ thuộc tỉnh quản lý còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn chế.
Những năm gần đây, hệ thống đường giao thông do tỉnh quản lý không ngừng được mở rộng, tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong việc đi lại cũng như phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hiện, mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ do tỉnh quản lý có 34 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 500km. Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã thường xuyên cập nhật, thống kê hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý và xây dựng kế hoạch bảo trì. Bên cạnh đó, Sở thực hiện nhiều giải pháp tích cực để bảo trì, bảo dưỡng và hạn chế đến mức thấp nhất những hư hỏng hạ tầng giao thông. Theo đó, nhiều tuyến đường đã xóa bỏ được những ổ gà, điểm mất an toàn giao thông, lún võng trên đường, sơn kẻ mặt đường, xử lý kịp thời các hư hỏng, xuống cấp...
Mặt khác, Sở GTVT đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động phối hợp với lực lượng công an giao thông tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nhằm giảm thiểu tình trạng xe chở quá khổ, quá tải trọng trên địa bàn tỉnh.
|
Đường Nguyễn Xiển (TP. Nha Trang) bị xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa |
Theo đánh giá của Sở GTVT, hệ thống đường giao thông trong tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, công tác quản lý, sửa chữa, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí hạn chế. Trong khi nhiều tuyến đường chưa được đầu tư xây dựng cơ bản hoặc sửa chữa lớn thì hiện đã hư hỏng, đặc biệt đối với các tuyến đường bộ có lưu lượng xe ngày một lớn.
Ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở GTVT cho biết, theo định mức Bộ GTVT quy định, mỗi năm kinh phí cho công tác quản lý, sửa chữa, bảo trì đường bộ thường xuyên khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, mỗi năm tỉnh chỉ dành được khoảng 25 đến 30 tỷ đồng để thực hiện công tác này. Chính vì vậy, việc quản lý, bảo dưỡng thường xuyên còn hạn chế.
Năm 2016, tỉnh bố trí 33 tỷ đồng để thực hiện việc bảo dưỡng các tuyến đường do tỉnh quản lý. Ngay trong quý I, Sở GTVT đã thực hiện hợp đồng với các hạt quản lý cung đường 8 huyện, thị xã, thành phố thực hiện bảo dưỡng với tổng kinh phí hơn 11,3 tỷ đồng. Các hạt quản lý cung đường chủ yếu thực hiện vá ổ gà, đắp rãnh dọc thoát nước, đắp lề đường, tưới nhựa mặt đường, sửa mái taluy… Cùng với đó, kinh phí cũng dành một phần để thực hiện công tác quản lý hành lang đường bộ trên các tuyến đường giao thông.
Theo ông Nguyễn Văn Trực - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông, Sở GTVT, từ nay đến cuối năm, sở sẽ tiếp tục yêu cầu các hạt quản lý cung đường 8 huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát những điểm hư hỏng trên toàn tỉnh để kịp thời khắc phục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Với kinh phí ít ỏi được phân bổ, sẽ ưu tiên sửa chữa những điểm hư hỏng nặng, những tuyến đường xung yếu trong mùa mưa lũ; đường có lưu lượng phương tiện lưu thông lớn.
Để khai thác hiệu quả các công trình giao thông, công tác bảo trì, duy tu phải được đầu tư đúng mức và chú trọng quan tâm hơn nữa. Bên cạnh bố trí thêm kinh phí bảo trì theo quy định, Sở GTVT cần nắm bắt rõ thực trạng hạ tầng giao thông, kịp thời khắc phục, sửa chữa..., góp phần khai thác tối đa lợi ích kinh tế - xã hội của công trình mang lại.