Những năm qua, phong trào bảo dưỡng đường giao thông nông thôn sau đầu tư được huyện Bảo Thắng, Lào Cai chú trọng và trở thành tiêu chí thi đua trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị.
Xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) làm tốt công tác bảo dưỡng đường giao thông nông thôn
Toàn huyện Bảo Thắng, Lào Cai có 68km đường giao thông tuyến huyện, 639km đường giao thông tuyến xã (355km rải đá cấp phối, 284km được đổ bê tông). Sau đầu tư, các tuyến đường giao thông nông thôn được giao cho các đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa và tổ chức bảo vệ. Để nâng cao “tuổi thọ” các công trình, những năm gần đây, Bảo Thắng đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua bảo dưỡng đường giao thông nông thôn với cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Ông Phạm Văn Tùng, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Bảo Thắng cho biết: Đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng các chính sách, kế hoạch, phương án quản lý đường giao thông nông thôn sau đầu tư. Công tác này còn được lồng ghép vào các chương trình, như Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng nông thôn. Để người dân nắm được quy định, quy trình bảo dưỡng, cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật thi công, bảo dưỡng từng loại đường, cầu, cống, rãnh.
Đối với đường giao thông do cấp huyện quản lý, các đơn vị tổ chức sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên, như lấp ổ gà, phát cây, cỏ ven đường. Đối với đường giao thông nông thôn do cấp xã quản lý, địa phương chủ động giao cho các đoàn thể tự quản và phát động thi đua đến các hội, đoàn thể. Nhờ vậy, các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Bảo Thắng luôn đảm bảo thông suốt, những điểm xuống cấp sớm được khắc phục.
Xã Thái Niên - một trong những địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ, tu sửa đường nông thôn sau đầu tư. Theo đó, Thái Niên hiện có 124km đường trục xã, trong đó 41 km được đổ bê tông, 24 km đường rải đá cấp phối, số còn lại là đường đất. Tuy điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi tuyến đường, cây cầu tại Thái Niên đều được các thôn, xóm thường xuyên duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa. Các phong trào thi đua như: “Phụ nữ với phong trào tự quản đường nông thôn”, “Đoàn thanh niên xây dựng nông thôn mới”, “Hội nông dân bảo dưỡng đường giao thông”… được triển khai hiệu quả. Ông Vũ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Niên cho biết: “Xã giao các đoàn thể phụ trách 21 thôn thực hiện tu sửa đường giao thông nông thôn, nhờ đó, việc bảo dưỡng đường trở thành thói quen của mỗi người dân trên địa bàn”.
Cùng với Thái Niên, tại nhiều xã, như Xuân Giao, Xuân Quang, Phú Nhuận, phong trào tu sửa, bảo vệ đường giao thông nông thôn sau đầu tư cũng được chú trọng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất tại Bảo Thắng là hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn đều chưa hoàn thiện, dễ bị xuống cấp, nhất là trong mùa mưa bão, do thiếu rãnh dọc, cống ngang, địa hình phức tạp. Mặt khác, các tuyến đường nông thôn giao cho địa phương quản lý, nhưng do nhiều nguyên nhân (xe quá trọng tải lưu thông, mưa lũ…) ảnh hưởng đến kết cấu vẫn khá phổ biến. Đơn cử như tuyến đường dài 7 km từ trung tâm thị trấn Tằng Loỏng tới 2 thôn vùng cao khó khăn là Trát 1 và Trát 2. Địa hình phức tạp, độ dốc lớn, có nhiều khe nước chảy qua bề mặt khiến tuyến đường này luôn trong tình trạng xuống cấp, dù mới được đổ bê tông.
Trước tình hình đó, Phòng Quản lý đô thị huyện đã có văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn làm barie khống chế chiều cao, chiều rộng các phương tiện tham gia giao thông tại một số tuyến đường. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện, việc nêu cao ý thức của người dân trong bảo vệ đường giao thông nông thôn mới là quan trọng nhất, bởi cấp địa phương không có lực lượng chuyên trách gác đường, thanh tra, kiểm tra phương tiện vi phạm, xử lý các trường hợp có dấu hiệu làm ảnh hưởng đến kết cấu đường giao thông nông thôn. “Giải pháp hữu hiệu được địa phương thực hiện là gắn việc bảo dưỡng các tuyến đường sau đầu tư với các phong trào thi đua, làm cho người dân thấy rõ trách nhiệm của mình trong khai thác hạ tầng nông thôn gắn với quyền lợi thiết thực”- ông Tùng nhấn mạnh.