Quản lý, bảo trì hệ thống giao thông đường bộ có vai trò quan trọng trong việc phát triển và hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh. Việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác duy tu, bảo trì đường bộ đã và đang được ngành GTVT Bắc Kạn chú trọng triển khai.
Chú trọng quản lý bảo trì đường bộ
Hiện nay Sở GTVT được giao quản lý 13 tuyến đường tỉnh với chiều dài 450km đường, 1.268m cầu và 03 tuyến Quốc lộ ủy thác với chiều dài hơn 311km đường, 2.546m cầu (Quốc lộ 3B, Quốc lộ 279, Quốc lộ 3C). Công tác quản lý, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến tỉnh lộ và quốc lộ trên địa bàn được Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh ủy thác giao cho Sở GTVT
Thực hiện nhiệm vụ sửa chữa thường xuyên, năm 2017 Sở GTVT đã chỉ đạo đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì hệ thống quốc lộ, triển khai theo kết quả trúng thầu đã phê duyệt. Các tuyến đường tỉnh được thực hiện theo hình thức đấu thầu và đặt hàng. Năm 2017, ngành GTVT triển khai sửa chữa định kỳ 14 công trình trên tuyến Quốc lộ 3B, Quốc lộ 279 và 11 công trình trên các tuyến đường tỉnh. Đến nay, trên các tuyến quốc lộ đã thi công hoàn thiện 11 công trình và 3 công trình chuẩn bị thi công. Các công trình trên tuyến đường tỉnh đang trong giai đoạn thẩm định hồ sơ, lựa chọn nhà thầu.
Đối với hệ thống giao thông nông thôn, Sở GTVT đã làm việc trực tiếp với các huyện, kiểm tra công tác xây dựng giao thông và nông thôn mới, hoàn thiện xây dựng cầu treo theo đề án của Bộ GTVT. Đặc biệt là hướng dẫn triển khai Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý đường địa phương LRAMP. Theo đó, công tác quản lý bảo trì đường bộ được các huyện, thành phố thực hiện theo phân cấp (UBND các huyện, thành phố thực hiện bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường huyện; UBND các xã, phường thực hiện bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường xã). Năm 2017, Sở GTVT bố trí 26 tỷ đồng nguồn vốn dự án thực hiện duy tu, bảo dưỡng 1.256km đường địa phương, trong đó có 459km đường huyện và 345,5km đường xã.
Các đơn vị trực tiếp quản lý làm công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên thực hiện các công việc như: Phát quang cây cỏ, bảo đảm tầm nhìn không bị che khuất; khơi thông cống rãnh, sửa mái ta luy, thông thoát nước cho công trình cầu, cống; sơn kẻ, thay thế cột tiêu... Hệ thống biển báo hiệu đường bộ trên các tuyến được kiểm tra thường xuyên, các đơn vị chức năng phối hợp xác định các vị trí điểm đen, vị trí nguy hiểm có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông để có biện pháp khắc phục kịp thời đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa lớn liên tục làm sạt lở ta luy dương, xói lở ta luy âm, làm hư hại nặng nề kết cấu hạ tầng giao thông và gây tắc đường cục bộ với khối lượng lớn, nhất là tại các tuyến: Ql3B, QL279, Tỉnh lộ 259B, 258... Sở GTVT đã nhanh chóng phối hợp cùng các đơn vị quản lý đường bộ xác minh khối lượng, nhanh chóng san gạt thông xe, tránh ách tắc kéo dài và đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến.
Hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh được bảo trì bằng 2 nguồn vốn, gồm: Nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương và nguồn bảo trì đường bộ địa phương. Theo kế hoạch vốn năm 2017 từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương giao là 85,3 tỷ đồng, đến nay được cấp 26,5 tỷ đồng, giải ngân trên 22 tỷ đồng, đạt 83% kinh phí đã cấp. Nguồn Quỹ bảo trì đường bộ địa phương năm 2016 chuyển sang là hơn 13,8 tỷ đồng, hiện nay đã giải ngân 12,5 tỷ đồng (gần 91%). Theo Sở GTVT, các nguồn vốn cho công tác quản lý bảo trì đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, chi phí khắc phục hậu quả bão lụt lớn, vi phạm hành lang an toàn đường bộ chưa xử lý dứt điểm, hạn chế trong việc phối hợp quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông giữa các địa phương… Đây chính là những khó khăn trong công tác quản lý bảo trì đường bộ của ngành giao thông vận tải hiện nay.
Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư mới ngày càng hạn hẹp như hiện nay, việc nâng cao chất lượng mạng lưới, đặc biệt là giữ gìn, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, công tác quản lý bảo trì đường bộ phải được nâng cao, các công trình sửa chữa phải đảm bảo chất lượng chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí bảo trì hàng năm. Hệ thống đường giao thông được chú trọng duy tu, bảo dưỡng và quản lý tốt sẽ góp phần kéo dài tuổi thọ các công trình giao thông và phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ giao thông an toàn thông suốt.