Đoàn công tác Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) vừa có buổi kiểm tra, ghi nhận công nghệ cào bóc tái sinh đường được Ban QLDA5, nhà thầu ứng dụng sửa chữa mặt đường tuyến tránh Tam Kỳ (Quảng Nam).
Nhân rộng công nghệ cào bóc tái sinh sửa chữa đường
Đoàn công tác Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT) vừa có buổi kiểm tra, ghi nhận công nghệ cào bóc tái sinh đường được Ban QLDA5, nhà thầu ứng dụng sửa chữa mặt đường tuyến tránh Tam Kỳ (Quảng Nam).
Đoàn do Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường cùng các đơn vị chức năng trực tiếp ghi nhận hiện trường thi công công nghệ cào bóc tái sinh nguội mặt đường của nhà thầu Công ty CP Hoàng An. Gần 20 đầu thiết bị chuyên dụng cào bóc tái sinh nguội tại chỗ bằng bitum bọt và xi măng dày 18cm triển khai nhịp nhàng, ổn định.
Theo đó, nhà thầu tiến hành sửa chữa khôi phụ nền, mặt đường, hệ thống thoát nước, ATGT trên đoạn Km990+300 - Km996+889,31, QL1 tránh TP. Tam Kỳ.
Đặc biệt đây là lần đầu tiên tuyến tránh Tam Kỳ được sửa chữa, khôi phục đồng bộ và bằng công nghệ hiện đại, cào bóc tái sinh nguội đối với làn xe cơ giới.
Ông Hoàng Quốc Thêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng An cho hay: với nỗ lực đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thi công, sửa chữa đường, đơn vị đã đầu từ hơn 80 tỷ đồng cho dây chuyền chuyên dụng cào bóc tái sinh nguội tại chỗ và "mở hàng" thi công tại tuyến tránh TP.Tam Kỳ.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường
kiểm tra, ghi nhận hiện trường thi công bằng công nghệ cào bóc tái sinh nguội
Theo ông Thêm, với công nghệ này, sẽ rút ngắn ít nhất 1/2 thời gian thi công, tận dụng tối đa vật liệu cũ để tái sinh, qua đó, giảm chí phí đầu tư sửa chữa, thân thiện môi trường...
Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Hải, Phó giám đốc Ban QLDA 5 (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay: đây là giải pháp công nghệ với hàng loạt ưu điểm: xử lý sâu và triệt để hư hỏng mặt đường cũ (Sau tái sinh, cường độ mặt đường (mô đun đàn hồi) trên mặt đường đạt rất cao), giá thành giảm so với phương án truyền thống; hạn chế nâng cao độ mặt đường, đặc biệt phù hợp với các tuyến đường đi qua các khu vực đông dân cư và đô thị; tiến độ thi công "siêu nhanh", đảm bảo giao thông tốt khi vừa thi công, vừa khai thác.
"Đơn vị đang nhân rộng công nghệ cào bóc tái sinh nguội trong công tác duy tu, sửa chữa đường để nâng cao chất lượng sửa chữa, sử dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay", ông Hải nói.
Trước đó, Ban QLDA 5 triển khai công nghệ cào bóc tái sinh nguội trên tuyến tránh TP.Đà Nẵng, Bình Định... các kết quả đánh giá rất tốt.
Dự kiến dự án sửa chữa khôi phục nền, mặt đường, hệ thống thoát nước, ATGT trên QL1 đoạn tránh TP.Tam Kỳ sẽ hoàn thiện vào tháng 6/2018 tới, sau 4 tháng triển khai.
Trực tiếp ghi nhận hiện trường thi công, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường cho hay: qua kiểm nghiệm thực tế, công nghệ này cho hiệu quả thiết thực, đảm bảo tiến độ, chất lượng trong công tác sửa chữa mặt đường.
Đây cũng là đòi hỏi thực tiễn trước nhu cầu ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong quá trình xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, nhằm triển khai “Chiến lược phát triển khoa học công nghệ ngành GTVT giai đoạn 2014-20120 và định hướng đến năm 2030” và “Đề án Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013-2202” của Bộ GTVT.