Cao Bằng: Cần sự vào cuộc quyết liệt trong thực hiện Dự án LRAMP

Thứ hai, 04/06/2018 08:58
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau 1 năm triển khai thực hiện Dự án LRAMP về công tác bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) đường địa phương bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), toàn tỉnh Cao Bằng mới BDTX được 1.645/1.927 km đường tỉnh, đường huyện, không đạt yêu cầu của Dự án LRAMP đề ra.

Nguyên nhân do dự toán ngân sách tỉnh giao cho công tác quản lý, BDTX đường bộ chưa phù hợp với mạng lưới đường đang khai thác; nhiều địa phương còn nhầm lẫn công tác BDTX với công tác đầu tư xây dựng… Để Dự án đạt kết quả, đòi hỏi sự vào cuộc của tỉnh, sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện của các địa phương.

UBND huyện Phục Hòa dùng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên đường bộ năm 2017 cải tạo,
nâng cấp đường liên xã thị trấn Hòa Thuận - Lương Thiện sau nhiều năm bị hư hỏng nặng

Toàn tỉnh hiện có 900,4 km đường tỉnh, 1.564 km đường huyện, 3.200 km đường xã và 145,8 km đường đô thị. Hằng năm, căn cứ theo định mức giao, tỉnh bố trí mức chi 26 triệu đồng/km đường tỉnh/năm; 13 triệu đồng/km đường huyện/năm và 35 triệu đồng/xã/năm từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn 35% từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cấp để thực hiện nhiệm vụ bảo trì đường tỉnh, đường huyện và đường xã. 

 Thực hiện Dự án LRAMP về công tác BDTX đường địa phương, giai đoạn 2016 - 2021, WB đồng ý cho tỉnh vay 230 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp 50km đường địa phương. Cụ thể, năm 2018 đầu tư nâng cấp 7km; năm 2019 được 15 km; năm 2020 là 15km và năm 2021 là 13km. Nhưng để được vay 230 tỷ đồng, WB yêu cầu tỉnh mỗi năm phải bỏ một số tiền tương ứng với số km đường nhất định để BDTX đường địa phương và nếu đáp ứng được yêu cầu của Dự án thì WB mới giải ngân một phần trị giá khối lượng hoàn thành của đường nâng cấp. Theo đó năm 2017, toàn tỉnh phải bố trí kinh phí tối thiểu là 37 tỷ đồng để BDTX ít nhất 1.927km đường tỉnh, huyện, xã; tương ứng năm 2018 là 38 tỷ đồng cho 2.362km; năm 2019 là 38 tỷ đồng cho 2.798 km; năm 2020 là 38 tỷ đồng cho 3.145 km và năm 2021 là 49 tỷ đồng cho 3.493 km. Nếu tỉnh đáp ứng đủ 2 tiêu chí (số tiền và số km đường BDTX/năm), từ năm 2016 đến năm 2021, WB sẽ giải ngân hết 230 tỷ đồng theo đúng cam kết. 

Song trên thực tế, hết năm 2017, toàn tỉnh mới BDTX được 1.645/1.927 km đường tỉnh, đường huyện, đạt 85,38% yêu cầu của Dự án LRAMP đề ra, trong đó có 2 huyện Quảng Uyên, Phục Hòa không BDTX được km đường nào; huyện Trà Lĩnh chỉ BDTX được 38km, Thành phố BDTX được 56km; còn lại các huyện khác thực hiện không đạt theo kế hoạch đề ra. Lý giải về vấn đề trên, đồng chí Trịnh Thị Thảo,

Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính Sở GTVT cho biết: Nguyên nhân là do dự toán ngân sách tỉnh giao cho công tác quản lý, BDTX đường bộ chưa phù hợp với mạng lưới đường đang khai thác tại địa phương. Một số huyện được UBND tỉnh giao dự toán thấp hơn số đề nghị; một số huyện khác được giao dự toán đủ số km đường hiện có nhưng không dùng cho công tác BDTX trên tất cả các tuyến mà sử dụng kinh phí để sửa chữa đối với một số tuyến đường hư hỏng nặng. Kế hoạch bảo trì đường bộ địa phương được lập và phê duyệt hằng năm, nhưng Nghị quyết 68/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh mới chỉ quy định định suất của công tác BDTX đường tỉnh, đường huyện, đường xã. Còn đối với sửa chữa định kỳ đường bộ mới chỉ quy định đối với đường tỉnh, chưa quy định đối với đường xã.

Bên cạnh đó, phương thức thực hiện công tác BDTX đường bộ địa phương còn nhiều bất cập; Đối với đường huyện, có 11/13 huyện, Thành phố chỉ định thầu cho đơn vị có tư cách pháp nhân thực hiện công tác BDTX đường bộ. Tuy nhiên, do thời gian chỉ định thầu thực hiện chưa hợp lý, chưa giao từ đầu năm, thường giao từ tháng 4 đến tháng 6, cá biệt có huyện giao tháng 10/2017, hoàn thành tháng 12/2017.

UBND huyện Quảng Uyên dùng kinh phí được giao năm 2017 của 12 tuyến đường huyện để trả nợ khối lượng sửa chữa đường bộ năm 2016, còn một phần dùng để sửa chữa 1 danh mục trong năm 2017. UBND huyện Phục Hòa quản lý 9 tuyến đường huyện, song lại dùng kinh phí BDTX để cải tạo, sửa chữa 3 danh mục, thực hiện theo trình tự, thủ tục của đầu tư xây dựng. Năm 2017, cấp xã chưa tổ chức BDTX đường xã mà dùng kinh phí 35 triệu đồng/xã/năm để mua xi măng làm đường bê tông xi măng thôn, xóm hoặc hỗ trợ vật tư, công kỹ thuật làm đường thôn xã, liên thôn và xóm. 

Ngoài ra, một số huyện không phân bổ chi tiết dự toán được giao cho từng tuyến đường quản lý; hạng mục công việc trong dự toán chưa phù hợp với tính chất của công tác BDTX đường bộ; dự toán lập theo hướng dẫn của đầu tư xây dựng, đưa chi phí hạng mục chung, chi phí tư vấn khảo sát, thiết kế vào dự toán; thời gian phê duyệt dự toán chưa phù hợp. Nhiều địa phương chưa phân định rõ công tác BDTX đường bộ là một sản phẩm dịch vụ công ích, còn nhầm lẫn với công tác đầu tư xây dựng, do đó tổ chức triển khai theo mô hình của đầu tư xây dựng cơ bản…

Trước yêu cầu ngày càng cao của Dự án LRAMP, Sở GTVT Cao Bằng đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung quy định về công tác quản lý bảo trì đường bộ địa phương để tổ chức triển khai thực hiện. Trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, trong đó quy định về bố trí kinh phí sửa chữa định kỳ đường huyện, đồng thời hằng năm bố trí kinh phí để sửa chữa các tuyến tuyến bị hư hỏng nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do UBND cấp huyện quản lý; giao UBND cấp huyện theo điều kiện thực tiễn của địa phương để phân bổ khoản chi 35 triệu đồng/xã/năm theo số km đường hiện có trong năm, nhằm đáp ứng tiêu chí BDTX đường xã tối thiểu 1,5 triệu đồng/km của Dự án LRAMP. 

UBND các huyện, Thành phố cần chấn chỉnh và thực hiện công tác BDTX đường bộ trên địa bàn theo đúng quy định hiện hành và hướng dẫn của Dự án. Nâng cao năng lực công tác quản lý đường bộ địa phương đối với cơ quan chuyên môn cấp huyện, xã, đồng thời cam kết và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chất lượng thực hiện công tác BDTX trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo tiêu chí giải ngân Dự án LRAMP của Ngân hàng Thế giới đối với tỉnh.
 

kieuanh

Nguồn: Báo Cao Bằng

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)