Sở GTVT tỉnh An Giang cho rằng, nguồn ngân sách từ Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) Trung ương và địa phương bố trí cho công tác duy tu sửa chữa hạ tầng giao thông mới đáp ứng được 40% nhu cầu thực tế.
Nguồn vốn ngân sách bảo trì chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu
duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh An Giang
Ông Ngô Công Thức - Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang cho biết: “Những năm qua việc phân bổ kinh phí từ Quỹ BTĐB Trung ương về địa phương là rất quan trọng, góp phần hỗ trợ cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông. Nhiều công trình đường bộ được sửa chữa cơ bản, chất lượng hạ tầng giao thông được đảm bảo, góp phần tích cực trong công tác đảm bảo TTATGT, tạo thuận lợi cho người dân và phương tiện lưu thông an toàn. Tuy nhiên năm 2018, Quỹ BTĐB Trung ương phê duyệt cấp cho An Giang 28 tỷ đồng, số tiền đó chưa đáp ứng được mục tiêu ngăn chặn sự xuống cấp của các công trình giao thông. Về sửa chữa định kỳ, do nguồn vốn còn hạn hẹp nên chúng tôi sẽ lựa chọn các tuyến đường hư hỏng nặng để ưu tiên. Đồng thời, việc Quỹ BTĐB Trung ương rót về địa phương còn chậm, phân bổ đợt một mới được 12,5 tỷ đồng nên cũng gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện kế hoạch”.
Theo lãnh đạo Sở GTVT tỉnh An Giang, hiện đơn vị đang quản lý khoảng 500km đường tỉnh, nhiều tuyến đường được đầu tư lâu năm, xuống cấp nghiêm trọng nên phải liên tục sửa chữa, dặm vá “ổ gà”. Năm 2018, UBND tỉnh An Giang phê duyệt 40 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch duy tu, sửa chữa công trình giao thông. Trong đó, tỉnh giao cho Sở GTVT làm chủ đầu tư thực hiện công tác duy tu, sửa chữa thường xuyên trên các tuyến đường tỉnh: 941, 942, 943, 945, 946, 947, 951, 953, 954, 955B, 958…; thực hiện thống kê hiện trạng các tuyến đường thủy, khắc phục sạt lở tuyến đường giao thông dọc theo rạch Ông Chưởng, ấp Kiến Thuận 1, xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới (đoạn tiếp giáp) và thực hiện thẩm tra, phê duyệt quyết toán công trình duy tu các năm trước.
Nhiều tuyến đường đã xuống cấp đang đợi vốn bảo trì
Năm 2018, nguồn ngân sách bảo trì Trung ương và địa phương chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu thực tế. Sở GTVT tỉnh An Giang mong muốn Trung ương quan tâm đến An Giang bởi đây là tỉnh đầu nguồn sông Mê Kông, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở, đe dọa nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông. Cụ thể vừa qua, đường tỉnh 946 bị sạt lở hơn 500m nên đã phải tiếp vốn hơn 10 tỷ đồng để khắc phục. Vấn đề sạt lở năm nay tại địa phương diễn ra trên quy mô lớn nên vốn từ quỹ bảo trì không thể “kham” nổi. Để sử dụng nguồn vốn Quỹ BTĐB hiệu quả, Sở GTVT tỉnh An Giang đã áp dụng thực hiện theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, được lãnh đạo UBND tỉnh rất quan tâm và nhận được sự đồng thuận từ người dân. “Những tuyến đường dặm vá quy mô nhỏ ở những địa phương khi có đơn vị duy tu chúng tôi sẽ chuyển vật liệu xuống và họ sẵn sàng bỏ ngày công để thực hiện. Đây là hình thức xã hội hóa trong quản lý, đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông”, ông Thức cho biết thêm.
Mặc dù nguồn kinh phí bảo trì đường bộ còn hạn hẹp nhưng được sự đồng thuận, bảo vệ, quản lý của người dân và ý thức chấp hành luật lệ giao thông nên TNGT 6 tháng đầu năm của tỉnh An Giang đang được kéo giảm cả 3 tiêu chí. Năm 2018, Sở GTVT tỉnh An Giang sẽ triển khai duy tu bảo dưỡng các tuyến đường 954, 952, đường biên giới Campuchia… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương và kết nối với nước bạn Campuchia.
Sở GTVT tỉnh An Giang kiến nghị Quỹ BTĐB Trung ương cần xem xét các địa phương dọc biên giới có hạ tầng giao thông xuống cấp đồng bộ để bổ sung cấp ngân sách bảo trì so với các địa phương khác nhằm đáp ứng được việc duy tu, sửa chữa kịp thời, đảm bảo ATGT. Đồng thời, Quỹ BTĐB Trung ương cần sớm lập dự toán, kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ giải ngân của năm cho các địa phương