Thời gian qua, cùng với việc xây dựng mới các tuyến đường, công tác quản lý, bảo trì đường bộ (BTĐB), nhất là công tác bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ngày càng được quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Duy tu, bảo dưỡng Quốc lộ 34, đoạn qua địa phận xã Bắc Hợp (Nguyên Bình)
Hiện nay, hệ thống đường giao thông do tỉnh quản lý gồm 518km quốc lộ; 980km đường tỉnh; 1.447km đường huyện; 3.182km đường xã. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được bảo trì bằng nguồn Quỹ BTĐB Trung ương dùng thực hiện nhiệm vụ bảo trì quốc lộ do Sở GTVT được ủy quyền quản lý, trong đó kinh phí thực hiện BDTX 50 triệu đồng/km/năm; kinh phí sửa chữa định kỳ trung bình khoảng 210 triệu đồng/km/năm.
Nguồn BTĐB địa phương (gồm nguồn ngân sách tỉnh và 35% từ Quỹ BTĐB Trung ương cấp) để thực hiện nhiệm vụ bảo trì đường tỉnh và đường huyện với mức chi BDTX 26 triệu đồng/km đường tỉnh/năm, 13 triệu đồng/km đường huyện/năm, 35 triệu đồng/km đường xã/năm. Từ năm 2014 đến nay, từ nguồn vốn BTĐB Trung ương và địa phương cấp 648 tỷ 833 triệu đồng, Sở GTVT tổ chức đặt hàng, đấu thầu công tác BDTX đối với 5 tuyến quốc lộ, 9 tuyến đường tỉnh do Sở quản lý, gồm cả sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ và chi cho công tác khắc phục hậu quả bão lũ.
Thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) (gọi tắt là dự án LRAMP) giai đoạn 2016 - 2021, WB đồng ý cho tỉnh vay 230 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp 50 km đường địa phương.
Nhưng để được vay 230 tỷ đồng, WB yêu cầu tỉnh mỗi năm phải bỏ một số tiền tương ứng với số km đường nhất định để BDTX đường địa phương và nếu đáp ứng được yêu cầu của Dự án thì WB mới giải ngân một phần trị giá khối lượng hoàn thành của đường nâng cấp. Theo đó năm 2017, toàn tỉnh phải bố trí kinh phí tối thiểu là 37 tỷ đồng để BDTX ít nhất 1.927 km đường tỉnh, huyện, xã; tương ứng năm 2018 là 38 tỷ đồng cho 2.362km; năm 2019 là 38 tỷ đồng cho 2.798km; năm 2020 là 38 tỷ đồng cho 3.145km và năm 2021 là 49 tỷ đồng cho 3.493km.
Công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ đã được chính quyền địa phương quan tâm. Nhiều huyện đã tổ chức cho nhân dân dọc các tuyến quốc lộ ký cam kết không vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn. Tuy nhiên hiệu quả chưa cao, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ; vẫn còn nhiều hộ không chấp hành, phải tổ chức cưỡng chế giải tỏa hành lang an toàn đường bộ.
Chủ tịch UBND huyện Thông Nông Đỗ Văn Thắng cho biết: Theo phân cấp, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện thực hiện công tác quản lý, bảo trì, bảo dưỡng 10 tuyến đường huyện dài 95 km. Các xã thực hiện duy tu, bảo dưỡng 188 km đường nông thôn. Năm 2016, huyện được cấp kinh phí bảo trì 1 tỷ 787 triệu đồng để thực hiện duy tu, sửa chữa 7 tuyến đường với tổng chiều dài 74 km; kinh phí BDTX được cấp 12 triệu đồng/km/năm đối với đường huyện và 30 triệu đồng/năm/xã đối với đường xã. Năm 2017, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện quản lý đường theo quy định của Dự án LRAMP.
Bằng nguồn BDTX 1 tỷ 941 triệu đồng, UBND huyện đã thực hiện duy tu, sửa chữa 10 tuyến đường. Trong đó, 1 tuyến đường tỉnh, 7 tuyến đường huyện và 2 tuyến đường xã với tổng chiều dài 95 km. Năm 2018, chỉ tiêu giao nguồn duy tu đường tỉnh là 624 triệu đồng, đường huyện 994,5 triệu đồng, hiện nay đang hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định của Dự án LRAMP.
Tuy nhiên, hiện một số tuyến đường tỉnh đang xuống cấp do đã đầu tư từ lâu không được nâng cấp. Đường huyện phần lớn là giao thông nông thôn A và B, mặt đường hẹp, tỷ lệ bê tông xi măng đạt 4,7%, nhựa hóa đạt 36,9%, cấp phối 36,79%, còn lại là đường đất. Đường xã tỷ lệ bê tông xi măng đạt 12,55%, nhựa hóa 2,58%, cấp phối 52,55%, còn lại là đường đất. Dự toán ngân sách tỉnh giao cho công tác quản lý, BDTX đường bộ chưa phù hợp với mạng lưới đường đang khai thác tại địa phương. Một số huyện được UBND tỉnh giao dự toán thấp hơn số đề nghị; một số huyện khác được giao dự toán đủ số km đường hiện có nhưng không dùng cho công tác BDTX trên tất cả các tuyến mà sử dụng kinh phí để sửa chữa đối với một số tuyến đường hư hỏng nặng.
Kế hoạch bảo trì đường bộ địa phương được lập và phê duyệt hằng năm, nhưng Nghị quyết 68/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh mới chỉ quy định định suất của công tác BDTX đường tỉnh, đường huyện, đường xã. Còn đối với sửa chữa định kỳ đường bộ mới chỉ quy định đối với đường tỉnh, chưa quy định đối với đường xã.
Để công tác quản lý, bảo trì đường bộ trên địa bàn ngày càng được nâng cao, từ nay đến năm 2020, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GTVT hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy định hiện hành đối với công tác BDTX các tuyến đường được giao quản lý. HĐND, UBND tiếp tục cân đối kinh phí để sửa chữa các tuyến đường bộ được duyệt trong kế hoạch bảo trì đường bộ hằng năm, nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông. Chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về công tác tự quản, tự bảo dưỡng đường nông thôn cấp xã; công tác chống lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ để đảm bảo an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông; thực hiện Quy chế phối hợp xử lý các hành vi vi phạm bảo vệ hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu và triển khai thực hiện đúng các quy định về quản lý, bảo trì đường bộ hiện hành.