Từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ do trung ương phân bổ và nguồn quỹ do tỉnh quản lý, hàng trăm kilômét quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được sửa chữa, cải tạo kịp thời.
Hiện nay, toàn tỉnh Lạng Sơn có 6 tuyến quốc lộ, với chiều dài 459 km do Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho tỉnh và 23 tuyến đường tỉnh, với chiều dài 725 km do tỉnh quản lý. Hầu hết tuyến quốc lộ và đường tỉnh dù đã được đầu tư nhưng thiếu đồng bộ khiến cho hoạt động giao thương giữa các vùng miền còn nhiều khó khăn, bất cập.
Trước tình hình đó, Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn đã tham mưu cho UBND tỉnh sử dụng hiệu quả nguồn vốn quỹ bảo trì để sửa chữa các công trình giao thông. Nhờ đó, nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các điểm đen mất an toàn giao thông đã được cải tạo, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thảm mặt đường từ km 197 đến km 201 QL 279
đoạn qua xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia
Trước năm 2016, tuyến quốc lộ 3B với chiều dài hơn 40 km chạy qua huyện Tràng Định kết nối với cửa khẩu Nà Nưa luôn là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông do kết cấu mặt đường xuống cấp nặng nề mà chưa thể duy tu, sửa chữa kịp thời. Lý do là hằng năm, kinh phí bố trí cho sửa chữa thường xuyên tuyến đường này rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu. Năm 2017, từ nguồn vốn quỹ bảo trì do trung ương phân bổ, Sở Giao thông vận tải đã triển khai cải tạo, nâng cấp hoàn thành đoạn từ thị trấn Thất Khê đến địa phận giáp ranh tỉnh Bắc Kạn với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Công trình hoàn thành đưa vào khai thác đã khắc phục được triệt để các hư hỏng của nền mặt đường và hệ thống các công trình phụ trợ bảo đảm an toàn giao thông, góp phần thúc đẩy phát kinh tế – xã hội cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân.
Ông Lương Hồng Vinh, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tràng Định cho biết: Tuyến đường này trước đây bà con thường xuyên kiến nghị các cấp đầu tư xây dựng, tuy nhiên để làm mới tuyến đường này, tỉnh cần hàng trăm tỷ đồng, trong khi đó tuyến đường không nằm trong danh mục đầu tư trung hạn của trung ương. Do đó, Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn đề nghị trung ương cho phép triển khai thi công cải tạo con đường bằng sử dụng nguồn vốn bảo trì. Dù nguồn vốn bố trí chỉ hơn 50 tỷ đồng nhưng chiều dài tuyến đường được cải tạo tới hơn 40 km, do đó, hiệu quả đầu tư công trình mang lại cho người dân có ý nghĩa rất lớn.
Thi công cải tạo Quốc lộ 4B đoạn qua xã Châu Sơn, huyện Đình Lập
sử dụng vốn quỹ bảo trì đường bộ
Ngoài công trình cải tạo quốc lộ 3B, một số công trình cải tạo khác bằng nguồn bảo trì phát huy hiệu quả như: công trình cải tạo nâng cấp quốc lộ 31 thuộc huyện Đình Lập kết nối từ địa phận tỉnh Bắc Giang tới cửa khẩu Bản Chắt; công trình cải tạo tuyến quốc lộ 279 huyện Bình Gia và xóa các vị trí điểm đen trên quốc lộ…
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn, từ năm 2016 đến hết năm 2018, Lạng Sơn được Bộ Giao thông vận tải bố trí gần 500 tỷ đồng từ nguồn vốn quỹ bảo trì trung ương, qua đó đã triển khai cải tạo trên 60 công trình đường bộ và khắc phục bão lũ đảm bảo giao thông bước một trên các tuyến quốc lộ. Ngoài ra, từ nguồn quỹ bảo trì do tỉnh quản lý, tỉnh đã triển khai sửa chữa, bảo trì trên 43 công trình đường tỉnh, đường đô thị và các công trình cầu trên phạm vi toàn tỉnh.
Trong năm 2018, từ nguồn quỹ bảo trì trung ương phân bổ, Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn đã và đang triển khai hàng loạt công trình đường bộ huyết mạch như: cải tạo mở rộng quốc lộ 4B với chiều dài hơn 40 km; cải tạo 4 km quốc lộ 279 và các công trình cầu trên quốc lộ, đồng thời cải tạo khắc phục 6 điểm đen mất an toàn giao thông trên các quốc lộ: 4A, 1B. Các công trình đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành trong năm 2018.
Ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lạng Sơn cho biết: Đối với điều kiện thực tế hạ tầng giao thông của tỉnh, nguồn vốn bảo trì đã giúp cho tỉnh giải quyết đáng kể trong việc củng cố hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn. Từ nguồn vốn bảo trì, các công trình đường bộ trọng điểm được ưu tiên tập trung giải quyết đã đảm bảo kết nối đồng bộ mạng lưới giao thông và tiết kiệm chi phí xã hội rất lớn. Từ đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.