Thanh Hóa: Lực lượng công an tăng cường tuần tra, xử lý xe quá tải

Thứ hai, 24/06/2019 08:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thanh Hóa đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung tuần tra, kiểm soát tải trọng phương tiện, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) và kết cấu hạ tầng trên các tuyến đường.

Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh
tăng cường tuần tra, xử lý xe quá khổ, quá tải trên tuyến Quốc Lộ 1A

Để ngăn chặn triệt để tình trạng xe chở hàng hóa quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường làm hư hỏng kết cấu hạ tầng và gây mất ATGT, Công an huyện Yên Định đã tăng cường bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là trên tuyến đường liên xã, đường tỉnh có nhiều xe tải trọng lớn lưu thông, như: ĐT 518 đi mỏ đá Yên Lâm, ĐT 516 đoạn đường tránh thị trấn Quán Lào trên địa bàn huyện, nơi các chủ phương tiện vận tải thường lợi dụng để chở hàng quá tải trọng. 

Ngoài ra, Công an huyện Yên Định còn tăng cường công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận tải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, thực hiện việc xuất hàng, chở hàng đúng tải trọng cho phép, không tự ý cơi nới, thay đổi kích thước thùng xe. Tất cả các trường hợp vi phạm buộc phải tự tháo dỡ thành thùng hoặc cắt bỏ thành thùng dưới sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2019, lực lượng cảnh sát giao thông Công an huyện Yên Định đã kiểm tra, phát hiện, xử lý gần 50 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 100 triệu đồng, tước 8 giấy phép lái xe. Toàn bộ số phương tiện vi phạm đã được yêu cầu hạ tải và cắt bỏ phần cơi nới trả lại nguyên trạng ban đầu.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng của phương tiện giao thông. Theo đó, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh bố trí lực lượng, phương tiện tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng trên các tuyến giao thông; phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện. 

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch chuyên đề kiểm tra, xử lý xe ôtô đầu kéo vi phạm trật tự, ATGT đường bộ; tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm như: Chở hàng quá tải trọng; tránh, vượt sai quy định; phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; sử dụng các loại giấy tờ liên quan đến chủ xe, lái xe và phương tiện không do cơ quan thẩm quyền cấp (giấy tờ giả)...

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh còn phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến chủ xe, chủ doanh nghiệp và người lái xe về các quy định của pháp luật về vận tải hàng hóa bằng đường bộ và hoạt động của lực lượng chức năng xử lý vi phạm quá tải, tạo sự đồng thuận xã hội. 

Chú trọng tuần tra, kiểm soát ở các tuyến đường giao thông trọng điểm, những địa phương có nhiều mỏ đang khai thác và thời gian thực hiện 24h/24h trong ngày, 7 ngày/tuần. Tổ chức cho các chủ phương tiện ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT nói chung, quy định về tải trọng xe nói riêng. 4 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã lập biên bản xử lý gần 1.000 trường hợp xe ô tô chở hàng hóa quá khổ, quá tải, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 4 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe có thời hạn trên 200 trường hợp, tạm giữ 1 xe ô tô.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng phương tiện cải tạo, cơi nới kích thước thùng xe, chở quá tải trọng cho phép hoạt động trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường đê vẫn còn diễn ra nhiều, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, đồng thời gây nhiều bức xúc trong dư luận, như trên: Tuyến Nghi Sơn - Bãi Trành, Quốc lộ 217, Quốc lộ 45, đoạn từ thị trấn Triệu Sơn - Giắt (thuộc địa bàn huyện Triệu Sơn), hay đường tỉnh 515 đoạn từ xã Thiệu Tâm đi xã Thiệu Toán (Thiệu Hóa)... Được biết, mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực, nhưng trên thực tế việc xử lý xe ô tô chở hàng hóa quá khổ, quá tải gặp khó khăn, do các phương tiện chủ yếu hoạt động ngoài giờ hành chính, ban đêm để né tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Để hạn chế tình trạng xe chở quá khổ, quá tải, thời gian tới ngoài việc tăng cường tuần tra, kiểm soát của tổ liên ngành của các địa phương thì công tác tuyên truyền cũng cần được chú trọng đúng mức. Các địa phương cần tổ chức rà soát, thống kê số lượng phương tiện trên địa bàn, đồng thời, giao chính quyền xã, phường phối hợp với các tổ chức đoàn thể, thôn xóm trực tiếp đến tận các doanh nghiệp vận tải, các hộ gia đình có phương tiện vận tải để tuyên truyền, ký cam kết chấp hành nghiêm việc chở đúng tải trọng. 

Sau khi tổ chức tuyên truyền, ký cam kết nhưng vẫn vi phạm, sẽ có biện pháp xử lý nghiêm như: Thông báo cho các cơ quan chức năng để xử phạt nguội, không bình xét gia đình văn hóa đối với các hộ kinh doanh vận tải vi phạm, nhắc nhở trên các phương tiện thông tin đại chúng... Ngoài ra, các cơ quan chức năng và địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, ký cam kết đến các chủ mỏ, chủ hàng, chủ doanh nghiệp và người lái xe về việc chấp hành pháp luật ATGT, chở đúng tải trọng quy định. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng duy trì các tổ liên ngành, kể cả tổ kiểm soát ngay tại các bến bãi, mỏ vật liệu, trong đó, chú trọng đến hoạt động cân tải trọng lưu động tại một số địa phương; chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện đôn đốc và tạo mọi điều kiện để tổ liên ngành cấp huyện hoạt động hiệu quả...
 

kieuanh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)