Tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện Nam Giang, Phước Sơn, lực lượng quản lý, bảo trì đường bộ Quảng Nam vẫn túc trực tuần tra, theo dõi sạt lở...
Những ngày này, trên tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện Nam Giang, Phước Sơn, lực lượng quản lý, bảo trì đường bộ Quảng Nam vẫn túc trực tuần tra, theo dõi, nhất là tại các vị trí xung yếu, thường xuyên xảy ra sạt lở, đứt đường trong thời gian qua.
Bảo trì, vá mặt đường hư hỏng tại Km1399+755 tuyến đường Hồ Chí Minh ở Quảng Nam
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục QLĐB III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), trong năm 2020, các đợt mưa bão liên tiếp khiến tuyến đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam có 1.068 điểm sạt lở taluy dương, 17 điểm sạt lở taluy âm, 4 cầu xói lở tứ nón mố, 800m dài rãnh dọc bị cuốn trôi; 5 đoạn đường bị lún võng.
Nặng nề nhất là các vị trí sạt lở gây đứt đường, gồm điểm đứt đường hoàn toàn tại Km1353+800 (chiều dài 180m) và điểm đứt đường với sụt trượt trên 3/4 bề rộng mặt đường tại Km1368+500 (chiều dài hơn 100m, thân cống thoát nước ngang bị đứt gãy).
“Trong thời gian chờ được bảo trì (sửa chữa vừa), Cục QLĐB III đã chỉ đạo Chi Cục QLĐB III.1 phối hợp với bộ phận quản lý duy tu thường xuyên Công ty CP QL&XD đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng rà soát tổng thể, lập kế hoạch sửa chữa tạm (theo từng quý) để đảm bảo giao thông bằng nguồn kinh phí bảo dưỡng thường xuyên (do khối lượng quá lớn), tuyệt đối không để xảy ra mất ATGT. Hiện nay các đơn vị đang triển khai vá sửa đồng loạt để đảm bảo ATGT và góp phần ngăn ngừa phát sinh hư hỏng”, ông Bình thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, từ kinh nghiệm thực tế ứng phó thiên tai cho thấy, ở khu vực, đoạn tuyến nào mà đơn vị quản lý, duy tu, bảo dưỡng có phương án bố trí nhân lực, máy móc, vật tư chu đáo, nghiêm túc, trách nhiệm sẽ giảm thiểu được mức độ thiệt hại, những tình huống, sự cố xảy ra được xử lý, giải quyết kịp thời. So với những năm trước, năm nay công tác ứng phó với thiên tai, mưa bão được triển khai thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Do vậy, ngay từ đầu, Cục QLĐB III đã yêu cầu các đơn vị cần thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thiên tai, thời tiết và diễn biến dịch Covid-19.
Theo đó, đối với các địa phương đã, đang và có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh Covid-19, các đơn vị cần rà soát, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai phù hợp.
Phát huy tính hiệu quả của phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Đây được xem là giải pháp nhằm sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả trong điều kiện sự hỗ trợ từ bên ngoài gặp nhiều hạn chế.
Từ đó, vừa bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, đồng thời ngăn chặn, giảm thiểu mức độ phá hoại, bảo vệ công trình đường bộ và an toàn cho người dân.
“Muốn vậy, các đơn vị quản lý cần bám hiện trường, kiểm tra tình trạng hoạt động các cầu, cống, các đoạn tuyến có nguy cơ ngập nước, sạt, lở… nhằm kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu hư hỏng, có nguy cơ gây mất ATGT để sửa chữa, xử lý hoặc chấn chỉnh công tác quản lý, bảo dưỡng. Còn các đơn vị duy tu, bảo dưỡng phải nghiêm túc trong việc kiểm tra tình trạng cầu đường, hệ thống ATGT, các đoạn tuyến, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét để có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
PV