UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn số 374/ UBND-NC ngày 15/1/2022 yêu cầu tăng cường công tác kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe quá khổ, quá tải, ô tô vận tải khách trái quy định, xe tự chế.
Theo đó, để tăng cường công tác kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe quá khổ, quá tải, xe ô tô dưới 12 chỗ kinh doanh vận tải trái quy định, xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh góp phần bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới. Nhất là dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022.
Đoàn kiểm tra Sở Giao thông Vận tải Nghệ An kiểm tra
xe quá tải trọng tại đường mòn Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu CTV
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu: Thường trực Ban an toàn giao thông tỉnh: Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn liên ngành do lãnh đạo công an tỉnh và lãnh đạo Sở GTVT làm trưởng đoàn kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe quá khổ, quá tải, xe ô tô dưới 12 chỗ kinh doanh vận tải trái quy định, xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh trong quý I năm 2022.
Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ theo đúng quy định; chú trọng kiểm soát tải trọng tại các khu vực đầu mối bốc xếp hàng hóa (các công trình giao thông, xây dựng trọng điểm, cảng, bến, bãi, nhà ga, mỏ vật liệu, kho hàng...); xử lý nghiêm các phương tiện cơi nới kích thước thành, thùng xe nhằm mục đích chở hàng quá tải; phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe mang biển kiểm soát nước ngoài hoạt động kinh doanh vận tải có dấu hiệu chở hàng quá tải, quá khổ khi được đề nghị.
Kết hợp xử lý vi phạm với tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tải trọng phương tiện đến các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, các đơn vị quản lý ga tàu, cảng biển, bến thủy nội địa, công trình, dự án đang triển khai.
Chỉ đạo Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An và đề nghị các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh kiên quyết từ chối đăng kiểm đối với những phương tiện thay đổi kích thước thành, thùng hoặc gia cố các chi tiết khác của xe nhằm mục đích chở hàng quá tải. Đồng thời, kiến nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các Trung tâm đăng kiểm tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định liên quan về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở GTVT rà soát, cắm bổ sung đầy đủ, đúng quy định biển hạn chế tải trọng của cầu, đường bộ trên các tuyến quản lý. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc yêu cầu lực lượng tuần đường, tuần kiểm, đơn vị quản lý đường bộ thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của xe ô tô quá tải, quá khổ hoạt động trên các tuyến đường được giao quản lý, khi phát hiện có hành vi vi phạm phải thông báo ngay cho lực lượng chức năng (Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông) để kiểm tra, xử lý kịp thời. Yêu cầu các nhà thầu thi công cam kết không sử dụng, thuê các phương tiện vi phạm về tải trọng, kích thước thành, thùng để thi công các công trình với các Ban Quản lý dự án của Sở; kiểm tra việc thực hiện cam kết của các nhà thầu thi công các công trình, dự án do Sở làm chủ đầu tư.
Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và cao điểm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp tết Nguyên đán Nhâm Dân và lễ hội Xuân năm 2022 theo chỉ đạo của Bộ Công an, UBND tỉnh. Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân, chủ phương tiện chấp hành nghiêm quy định pháp luật về an toàn giao thông, nhất là đối với các chủ phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách bằng xe ô tô; tổ chức rà soát, vận động các trường hợp đang lưu giữ xe công nông, xe cơ giới tự chế 3, 4 bánh tự nguyện tháo dỡ, hủy bỏ phương tiện.
Đồng thời chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; xe ô tô dưới 12 chỗ hoạt động kinh doanh vận tải khách trái quy định; xe công nông; xe tự chế 3, 4 bánh; điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn; xe mang biển kiểm soát nước người hoạt động kinh doanh trái phép.
Tổ chức rà soát các quy định chưa phù hợp của pháp luật, các bất hợp lý trong tổ chức giao thông để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi. Nắm bắt tình hình hoạt động của các tổ chức, cá nhân môi giới, bán Giấy phép lái xe giả để xử lý theo quy định của pháp luật.
Sở Thông tin Truyền thông, Báo Nghệ An, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Phối hợp Ban An toàn giao thông tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm xe quá khổ, quá tải, xe tự chế 3, 4 bánh; xe công nông; vận động các doanh nghiệp, hộ dân tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Tuyên truyền các mức xử phạt theo quy định mới tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ.
UBND các huyện, thành phố, thị xã: Chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn; thành lập Đoàn liên ngành, nòng cốt là Công an, thành viên Ban An toàn giao thông cấp huyện đồng loạt ra quân kiểm tra và xử lý vi phạm đối với xe chở quá khổ, quá tải trên địa bàn; xe công nông; xe tự chế; xe ô tô dưới 12 chỗ hoạt động kinh doanh vận tải khách trái quy định.
Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tích cực giám sát, phát hiện và thông báo kịp thời các trường hợp xe chở quá khổ, quá tải; xe công nông; xe tự chế; xe ô tô dưới 12 chỗ hoạt động kinh doanh vận tải khách trái quy định trên địa bàn về cơ quan chức năng qua đường dây nóng của Ban An toàn giao thông cấp huyện để xử lý.
Thông báo đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, vật liệu san lấp mặt bằng tại các dự án đường cao tốc, các công trình trọng điểm trên địa bàn phải nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, không chở hàng hóa, vật liệu xây dựng quá khổ, quá tải trọng cho phép; có biện pháp che chắn không để vật liệu rơi vãi trên đường gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường; nếu vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành.
Chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với các Đoàn kiểm tra liên ngành của Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý vi phạm, bố trí nơi tạm giữ phương tiện vi phạm, cũng như việc hạ tải; đồng thời sử dụng có hiệu quả các bộ cân tải trọng cố định, di động được trang cấp trong hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện, thường xuyên nắm tình hình, xây dựng và triển khai các phương án, chuyên đề, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trong đó, tập trung cắt thành, thùng đối với các phương tiện tự ý thay đổi kích thước thùng xe trái quy định trên các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường giao thông nông thôn, đường trên đê….