Vào mùa mưa, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra lũ lớn, gây sạt lở đất, ảnh hưởng không nhỏ đến hạ tầng giao thông. Để giao thông thông suốt, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng đã triển khai các phương án nhằm hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra.
Theo đánh giá của ngành Giao thông vận tải - xây dựng, hằng năm, tỉnh Lào Cai chịu ảnh hưởng của 19/23 loại hình thiên tai. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, tại các địa phương trong tỉnh thường xảy ra nhiều loại hình thiên tai như mưa lớn, dông lốc, lũ quét, ngập lụt, sụt lún và sạt lở đất… Các địa phương như huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát, Văn Bàn và thị xã Sa Pa bị ảnh hưởng nhiều hơn, khiến nhiều công trình hạ tầng giao thông hư hỏng.
Từ đầu mưa lũ năm nay, nhiều tuyến quốc lộ,
tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh đã bị sạt lở do mưa lũ
Trao đổi với phóng viên, ông Tống Minh Thảo, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Sa Pa cho biết: Sa Pa chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Sau các trận mưa lớn từ cuối tháng 5 đến nay, các tuyến Quốc lộ 4D, Tỉnh lộ 152, Tỉnh lộ 155 và đường đến các xã trên địa bàn xuất hiện một số điểm sạt lở, sụt lún mặt đường, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, lưu thông của người dân, du khách.
Để giao thông trên địa bàn được thông suốt, Phòng Quản lý đô thị thị xã đã tham mưu cho UBND thị xã phối hợp với Công ty Cổ phần quản lý đường bộ Lào Cai xây dựng và triển khai kế hoạch sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường trước, trong mùa mưa lũ năm 2022; cùng với đó là lập các phương án hiệp đồng xử lý khi có sự cố giao thông xảy ra.
Hiện nay, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng được giao quản lý, bảo trì 322 km Quốc lộ, 890 km đường tỉnh. Kết quả thống kê cho thấy, trong 2 năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của mưa, lũ, trên các tuyến Quốc lộ như 279, 4D, 4E và 70 đi qua địa bàn tỉnh có 214 vị trí bị sạt lở ta luy dương và ta luy âm, với khối lượng đất, đá gần 40.000 m3; làm hỏng nặng hàng nghìn mét nền đường và 158 vị trí cống, rãnh thoát nước. Trên các tuyến tỉnh lộ quan trọng như 151, 152, 152, 156 và 155… mưa, lũ cũng gây sạt lở ở hơn 700 vị trí; gây xói trôi ở 220 vị trí. Ước thiệt hại do mưa, lũ gây ra cho hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh năm 2020 và 2021 là hơn 300 tỷ đồng.
So với những năm trước, mùa mưa, lũ năm 2022 có nhiều dị thường, thời gian diễn ra mưa lớn kéo dài hơn, cường độ mạnh hơn, gây nhiều thiệt hại cho hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Từ đầu mùa mưa đến nay (nhất là đợt mưa, lũ ngày 23/3, ngày 23/5 và 13 - 14/6), hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh thiệt hại rất nặng, trong đó có 12 tuyến tỉnh lộ (nặng nhất là Tỉnh lộ 152 - Sa Pa, 154 - Mường Khương, 155 - Bát Xát và 160 - Bắc Hà đi Bảo Yên, 151, 151C - Văn Bàn) xuất hiện 130 vị trí sạt lở với khối lượng đất, đá hàng trăm nghìn m3; một số tuyến tỉnh lộ giao thông bị chia cắt trong nhiều giờ. Các Quốc lộ 4D, 70, 279 cũng ảnh hưởng do sạt lở ta luy dương và nền đường tại hơn 126 điểm với khối lượng hơn 10.000 m3 đất đá và hơn 300 m2 mặt đường bị xói hỏng, 10 vị trí nền đường bị sụt lún ta luy âm, làm hư hỏng nghiêm trọng 5 cống thoát nước…
Ông Đoàn Văn Huỳnh, Giám đốc Ban Bảo trì đường bộ (Sở Giao thông vận tải - Xây dựng) cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự cố, ban đã yêu cầu các đơn vị bảo trì đường bộ tập trung nhân lực, vật lực, máy móc, thiết bị sửa chữa để thông xe trong thời gian sớm nhất. Vì nguyên nhân khách quan mà hiện nay, một số điểm sạt lở lớn vẫn chưa được khắc phục triệt để, ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân và du khách.
“Trước tình hình mưa, lũ diễn biến khác thường so với các năm trước đây, ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị, máy móc tại các hạt quản lý đường bộ, đơn vị cũng xây dựng phương án hiệp đồng với địa phương để khi có sự cố sẽ khắc phục nhanh nhất” - ông Huỳnh nói.
Theo ông Trần Xuân Hiện, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, trên cơ sở kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng giao thông trước mùa mưa, lũ, sở đã xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo giao thông trên địa bàn tỉnh năm 2022. Theo đó, việc chuẩn bị vật tư, xe máy, nhân lực, hậu cần; phương án ứng cứu, phương án phân luồng, phân tuyến đã được triển khai nghiêm túc.
Đặc biệt, từ đầu tháng 4/2022, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng đã triển khai đợt tổng kiểm tra, rà soát các công trình đường, cầu, ngầm trên địa bàn tỉnh, từ đó lập phương án chi tiết để chủ động giải pháp ứng cứu, khắc phục trên từng tuyến tỉnh lộ, quốc lộ và điểm cầu, ngầm… Nếu xảy ra sự cố về giao thông sẽ tập trung ngay được máy móc, vật tư, nhân lực theo phương châm 4 tại chỗ.
Những phương án cụ thể mà ngành giao thông vận tải - xây dựng đang thực hiện sẽ giảm thiểu thiệt hại về người, hạ tầng và các công trình, đảm bảo cho giao thông thông suốt, góp phần vào sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.