Với 67km đường huyện, 627,8km đường xã, Quế Võ là địa phương có mật độ giao thông nông thôn khá dày. Tuy nhiên theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay toàn huyện cứng hóa được hơn 60%, tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho nhân dân cũng như phát triển kinh tế-xã hội.
Với 67km đường huyện, 627,8km đường xã, Quế Võ là địa phương có mật độ giao thông nông thôn khá dày. Tuy nhiên theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay toàn huyện cứng hóa được hơn 60%, tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho nhân dân cũng như phát triển kinh tế-xã hội.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, xã Phượng Mao còn là địa phương đi đầu trong việc cứng hóa hệ thống giao thông nông thôn.
Toàn xã có tổng số 28km đường các loại, đến nay có 98% đường trục và 83,3% đường nhánh trong các thôn được bê tông hóa. Xã hiện còn hệ thống đường nhánh trong thôn Mao Yên là đường cấp phối đã xuống cấp, địa phương đang lên kế hoạch sửa chữa, cải tạo.
Cũng như Phượng Mao, thị trấn Phố Mới và các xã Hán Quảng, Phù Lãng là những địa phương có hệ thống giao thông nông thôn tương đối hoàn chỉnh. Với những lợi thế nhất định, thị trấn Phố Mới đã bê tông hóa 100% đường liên thôn và hơn 80% đường nhánh trong các thôn, khu phố. Ở các địa phương này, ngoài những nguồn lực về kinh tế thì điểm nổi bật là sự đồng lòng, nhất trí của nhân dân, chung tay góp sức xây dựng hệ thống giao thông nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh các xã, thị trấn có hệ thống giao thông nông thôn tương đối hoàn chỉnh thì có không ít địa phương vẫn còn nhiều việc cần làm trong vấn đề đầu tư xây dựng hệ thống đường sá.
Điển hình như xã Chi Lăng, trong số 8,5km đường từ trung tâm xã đi các thôn mới có khoảng hơn 10% đường bê tông; hệ thống đường nhánh từ đường liên xã đến các thôn cũng trong tình trạng tương tự. Mới có khoảng 85% đường trong thôn Quế Ổ và 65% ở thôn Đô Đàn được trải bê tông, còn lại hệ thống đường ở 6 thôn khác trong xã vẫn là đường đất đã xuống cấp, đi lại khá khó khăn nhất là trong mùa mưa bão.
Không quá khó khăn như Chi Lăng song hệ thống giao thông nông thôn ở các xã Việt Thống, Nhân Hòa cũng đang ảnh hưởng khá lớn đến việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đời sống nhân dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Công Thương huyện cho biết, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2010, toàn huyện đã huy động đầu tư 31,5 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, đường huyện. Trong đó, bê tông hóa 20,5km, trải cấp phối 5,5km, đắp 1,5km nền đường và 106m cống ngang. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa khá nhanh, việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp dẫn đến gia tăng các phương tiện vận tải có tải trọng lớn dẫn đến hệ thống đường trục huyện xuống cấp nhanh, nguy cơ mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường ngày càng khó khắc phục.
Theo thống kê của Phòng Công thương huyện, trong số 9 đường trục huyện, chỉ có duy nhất đoạn trục từ Quốc lộ 18 đi Phù Lãng đang hoạt động bình thường và trục đường quốc phòng từ Ngọc Xá đi đê Hữu Cầu (Phù Lãng) hư hỏng 10%. Còn lại các trục đường khác đều hư hỏng ít nhất là 30%, cá biệt có tới 2 trục đường hỏng tới 80% là đường trục huyện từ Tỉnh lộ 279 đi Bằng An- phà Cung Kiệm và trục từ quốc lộ 18 đi kè Cách Bi. Trục đường đê Tả Đuống từ địa phận xã Chi Lăng đi Hán Quảng cũng đã hư hỏng tới 70%... Thực tế là vậy nhưng do vốn hỗ trợ giao thông nông thôn chậm và còn tồn đọng nhiều nên “lực bất tòng tâm”.
Hiện tại huyện đang chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thi công phần còn lại của tuyến đường trục huyện Việt Hùng- Bồng Lai và giai đoạn 3 trục đường Yên Giả-Mộ Đạo để sớm đưa các công trình vào sử dụng.
Những nỗ lực của chính quyền và nhân dân huyện Quế Võ trong cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông đã phần nào đem lại bộ mặt mới cho nông thôn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu giao thông và phát triển kinh tế của nhân dân vẫn còn không ít việc cần làm cần sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của các ngành chức năng.
BNN