Khảo sát của Sở GTVT Quảng Bình cho biết, đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 3.055 km đường giao thông nông thôn (không bao gồm hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ) nhưng chỉ mới cứng hóa được 593 km (chiếm 19,4%). Vì vậy, để kiên cố hoá hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh đến năm 2015 vẫn đang là bài toán khó
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông được nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình cho là khó thực hiện nhất so với những tiêu chí khác. Khảo sát của Sở GTVT Quảng Bình cho biết, đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 3.055 km đường giao thông nông thôn (không bao gồm hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ) nhưng chỉ mới cứng hóa được 593 km (chiếm 19,4%). Vì vậy, để kiên cố hoá hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh đến năm 2015 vẫn đang là bài toán khó.
Nhiều địa phương trong tỉnh đã cố gắng khắc phục khó khăn, tận dụng mọi nguồn lực để tập trung cho việc dần “kiên cố hóa” các tuyến đường GTNT. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình MTQGXDNTM tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 41 xã, với hơn 5.750 hộ dân tự nguyện hiến trên 420.000 m2 đất (trong đó, đất ở 13.750 m2; đất vườn gần 272.000 m2; đất ruộng trên 132.000 m2) với tổng giá trị ước tính gần 11 tỷ đồng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 27 xã, với khoảng 12.000 hộ dân tự nguyện phá dỡ 1.971.083 mét hàng rào, 187 trụ cổng, hơn 119.000 cây cối các loại... Theo lộ trình đến năm 2015, tỉnh chọn ra 41 xã để chỉ đạo thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới...
Mặc dù trong những năm qua, hệ thống giao thông đã được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn (Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp) cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt của nhân dân, nhưng chủ yếu là những tuyến đường quan trọng như quốc lộ, đường liên huyện, xã..., còn hệ thống đường GTNT thì ít được đầu tư. Một phần nguyên nhân là do điều kiện kinh tế tỉnh nhà còn khó khăn, kinh phí từ ngân sách Trung ương còn hạn chế, nguồn lực huy động ở dân chưa nhiều..., nên các tuyến đường GTNT đầu tư chưa đồng bộ, công tác quản lý và duy tu sửa chữa vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Theo kế hoạch thực hiện tiêu chí giao thông để xây dựng nông thôn mới của Sở GTVT trong giai đoạn 2012 đến 2015, toàn tỉnh cần phải cứng hóa 198 km đường giao thông liên xã, 403 km đường thôn xóm, 436 km đường ngõ xóm và 202 km trục đường chính nội đồng. Tổng nguồn vốn dự kiến cứng hóa toàn bộ những tuyến đường nói trên là gần 1.700 tỷ đồng.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra, Sở GTVT đưa ra các giải pháp cụ thể: Yêu cầu các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội có trách nhiệm tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tích cực, hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển GTNT. Chú trọng học tập, nhân rộng các cách làm hay; cần huy động nhiều nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa GTNT một cách hiệu quả.
Sở GTVT cũng xác định, ngân sách cấp xã và đóng góp của nhân dân là nguồn lực chủ đạo để xây dựng GTNT. Do đó, các xã cần chủ động, tích cực khai thác các thế mạnh sẵn có nhằm tạo nguồn thu từ quỹ đất, tài nguyên... đầu tư cho xây dựng GTNT; bảo đảm nguyên tắc và phát huy quyền kiểm tra, giám sát, bàn bạc, đóng góp ý kiến của nhân dân thông qua Quy chế dân chủ ở cơ sở; việc lập quy hoạch phải được công khai ở địa phương, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các địa phương thực hiện không đúng quy hoạch đã được duyệt.../.
Theo báo Quảng Bình