Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí khó đạt được do chi phí cũng như công tác thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự đồng thuận của người dân, nhiều địa phương trong tỉnh Đắc Lắc đã thực hiện trôi chảy công việc tưởng chừng như rất khó này…
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí khó đạt được do chi phí cũng như công tác thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự đồng thuận của người dân, nhiều địa phương trong tỉnh Đắc Lắc đã thực hiện trôi chảy công việc tưởng chừng như rất khó này…
Thôn 8 xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) là một trong những khu vực có điều kiện kinh tế tương đối tốt so với những thôn khác trong xã. Người dân trong thôn chủ yếu trồng tiêu, cà phê và các loại cây công nghiệp lâu năm khác. Hơn nữa đây là khu dân cư lâu năm nên những công trình phụ trợ như cổng, tường rào đã được xây dựng kiên cố. Thế nên, để mở đoạn đường liên thôn rộng thêm mỗi bên 1m sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất kinh doanh của người dân.
Phó chủ tịch UBND xã Ea Ning Trần Tấn Công cho hay, nếu việc mở rộng đoạn đường liên thôn này mà phải thực hiện đền bù thì số tiền sẽ rất lớn. Do đó biện pháp tối ưu là tuyên truyền, thuyết phục để người dân đồng tình với chủ trương của địa phương. Thực tế khi mở rộng đoạn đường trên, vườn của mỗi hộ dân không chỉ phải lùi vào 1m mà còn phải tháo dỡ 90m tường rào kiên cố, phá bỏ gần 100 gốc tiêu, 40 gốc muồng và nhiều loại cây ăn quả khác với tổng diện tích đất lên đến trên 1.200 m2. Tuy nhiên, khi địa phương có chủ trương mở rộng đường, tất cả người dân hai bên mặt đường đã đồng tình ủng hộ mà không đòi hỏi điều kiện nào, thậm chí nhiều hộ dân chịu thiệt khá lớn đã chủ động thực hiện trước để làm gương. Trong số đó, tiêu biểu có gia đình ông Phạm Đình Tiến đã phải chặt bỏ 30 gốc tiêu đang cho thu hoạch, hay như hộ ông Nguyễn Đức Quý phải dỡ bỏ 30m tường rào kiên cố… Ông Tiến chia sẻ, thực tế đường vào thôn 8 đã quá nhỏ và xấu nên gây rất nhiều khó khăn trong việc đi lại. Thế nên việc tu sửa, mở rộng đoạn đường này rất phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu thực tế của người dân. Do đó nếu có chịu thiệt đôi chút cũng là vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Từ những sự tự nguyện ban đầu đầy nhiệt huyết đó, lần lượt 22 hộ dân trên tuyến đường này đã cùng một lòng làm theo và tự nguyện tháo dỡ những tài sản trong vườn, bàn giao mặt bằng và hỗ trợ đơn vị thi công. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, tuyến đường dài 1,7 km đã được mở rộng, tu bổ khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân quanh vùng.
Mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng người dân buôn M’Blớt, xã Ea Bông (Krông Ana) đã không ngần ngại hiến đất và tháo dỡ các công trình kiên cố để bàn giao mặt bằng cho địa phương triển khai làm đường giao thông nông thôn.
Buôn M’Blớt có 286 hộ, 1.387 nhân khẩu, đại đa số là đồng bào Êđê, sống chủ yếu bằng nghề nông. Những năm trước đây, đường vào buôn nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa, khiến việc đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa thu hoạch nông sản, chuyện xe công nông bị lật, va chạm nhau xảy ra như cơm bữa. Từ thực tế đó, Ban tự quản buôn xác định, việc đẩy mạnh phong trào làm đường giao thông là vấn đề đầu tiên phải làm. Được biết, ban đầu, công tác dân vận gặp nhiều khó khăn, bởi đa số đồng bào trong buôn còn nghèo, đất sản xuất, đất ở chật hẹp, nhưng sau nhiều lần các đoàn thể trong buôn tuyên truyền về lợi ích của việc mở rộng đường, tất cả người dân đều đồng tình hưởng ứng. Nhờ vậy, phong trào này đã lan tỏa khắp buôn, chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có hơn 50 hộ dân tự nguyện hiến đất, sẵn sàng bàn giao mặt bằng phục vụ công tác triển khai làm đường tại buôn. Điển hình như gia đình chị H’Lăn Niê, mặc dù không có đất canh tác, nguồn thu nhập chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng từ việc làm thuê ở các lò gạch, nhưng gia đình chị vẫn đồng tình với chủ trương hiến đất làm đường của buôn. Cùng với gia đình Y Lũ, hàng chục hộ khác cũng sẵn sàng giao đất cho buôn làm đường. Ông Y Khía cho hay: “Chính quyền cần bao nhiêu, mình hiến đất bấy nhiêu, chẳng phải đo đạc gì hết. Miễn sao, đường trong buôn được mở rộng, hết lầy lội để bọn trẻ đến trường không bị muộn học, việc đồng áng của người dân bớt phần khó khăn, mình tin rồi buôn làng sẽ được khởi sắc…”. Nhờ phong trào hiến đất của người dân, từ đầu năm đến nay, buôn MB’lớt đã bê tông hóa được 5 trục đường, với tổng chiều dài gần 2 km./.
Theo báo Đắc Lắc