Yên Bái: Xã hội hóa phát triển giao thông nông thôn

Thứ năm, 18/10/2012 06:46
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Những năm qua, phong trào phát triển giao thông nông thôn của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả nổi bật. Năm 2012, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới với một đề án hỗ trợ khá toàn diện theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 60%, nhân dân đóng góp 40%.

Những năm qua, phong trào phát triển giao thông nông thôn (GTNT) của tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả nổi bật. Năm 2012, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới với một đề án hỗ trợ khá toàn diện theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 60%, nhân dân đóng góp 40%.

Theo đó, các địa phương đã tích cực vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp sức mở đường. Phong trào làm đường GTNT khắp các địa phương chưa bao giờ sôi động như lúc này.

Tháng 10, những cơn mưa rào kéo dài thưa dần, cũng là mùa lý tưởng cho việc xây dựng. Tại Văn Chấn, Nghĩa Lộ khi vụ mùa vừa thu hoạch, vụ 3 cũng làm gần xong. Người dân dường như không nghỉ ngơi, họ lại bắt tay vào làm đường giao thông.

Trên công trường Bản Khinh, xã Thanh Lương, tiếng máy trộn bê tông nổ giòn giã, người dân nhịp nhàng chuyền tay những xô sỏi đổ vào máy như những công nhân chuyên nghiệp.

Phát triển GTNT là một chặng đường rất dài, không thể một sớm một chiều hoàn thành được. Do nguồn ngân sách cho lĩnh vực này chưa nhiều nên việc xã hội hoá công tác phát triển GTNT là giải pháp tốt nhất. Nhiều địa phương đã và đang làm rất tốt công tác xã hội hoá làm đường GTNT, điển hình như Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Hết tháng 9/2012, huyện Trạm Tấu đã mở mới 70km đường GTNT, Mù Cang Chải gần 58 km. Tuy những tuyến mở mới chưa được bê tông hoá nhưng với nguồn hỗ trợ 70 triệu đồng/km mở mới và 20 triệu/km mở rộng thì đó đã là một kết quả đáng ghi nhận.

Trong chuyến kiểm tra tiến độ thực hiện Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua của tỉnh, nhiều ý kiến của các ngành cho rằng, thời điểm này các huyện vùng cao nên tập trung hoàn thiện, ổn định phần nền đường, tích cực vận động nhân dân thường xuyên tu sửa, có phương án chuẩn bị vật liệu để năm tới đăng ký hỗ trợ bê tông hoá. Những tuyến mở mới không nên đăng ký bê tông hoá ngay vì như vậy sẽ rất nặng các khoản đóng góp của người dân; hơn nữa, các tuyến mở mới nền đường chưa ổn định rất dễ sạt lở, nếu bê tông hoá ngay hiệu quả sẽ không cao.

Cũng từ sự “làm” ở chỗ “không nên” mà ở một vài nơi có cách làm vẫn chưa phù hợp. Có địa phương sau khi được giao kế hoạch kiên cố hóa 2 km đường bê tông thì lại chia nhỏ ra cho mỗi thôn vài trăm mét “để người dân phấn khởi, công bằng”.
Theo ông Bùi Danh Tú, Phó giám đốc Sở GTVT Yên Bái, nên tập trung làm hoàn chỉnh các tuyến đường, như vậy mới thuận lợi cho lưu thông hàng hoá, đi lại của người dân. Phát triển GTNT là một chặng đường dài, cần phải xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực, đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng không thể làm đường bằng mọi giá mà không quan tâm đến khả năng của người dân. Xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ là xã 135, cả xã có tới 67,7% là hộ nghèo, có những tuyến đường khi triển khai làm người dân phải đóng góp đến 5 triệu đồng/hộ. Hay như ở bản Bay xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ, mỗi khẩu phải đóng góp đến 500.000 đồng để làm đường do vừa mở mới vừa kiên cố hoá...

Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2011 - 2015 đã khẳng định quyết tâm của tỉnh để hoàn thiện hệ thống GTNT. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức với mỗi địa phương. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau nhưng cần phải xã hội hoá công tác làm đường GTNT; huy động sức dân, giảm bớt các khoản đóng góp cho dân, tránh trường hợp có thôn 67% hộ nghèo, khi làm đường mỗi hộ phải đóng góp 4 - 7 triệu đồng khiến cho người dân vốn đã nghèo lại thêm gánh nặng.

Theo báo Yên Bái

Kiều Anh (Theo báo Yên Bái)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)