Hệ thống giao thông nông thôn tỉnh Quảng Trị có tổng chiều dài khoảng 4.160 km, chiếm khoảng 82% tuyến đường bộ trên địa bàn; là một bộ phận quan trọng trong mạng lưới giao thông; có vai trò kết nối cộng đồng dân cư, khu vực, vùng miền phục vụ đời sống sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống giao thông nông thôn tỉnh Quảng Trị có tổng chiều dài khoảng 4.160 km, chiếm khoảng 82% tuyến đường bộ trên địa bàn; là một bộ phận quan trọng trong mạng lưới giao thông; có vai trò kết nối cộng đồng dân cư, khu vực, vùng miền phục vụ đời sống sản xuất kinh doanh, sinh hoạt, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới.
Sau ngày tái lập đến nay, tỉnh Quảng Trị rất quan tâm củng cố, phát triển, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn. Từ điểm xuất phát toàn tỉnh chỉ có 1,5 % (tương đương 62 km) có kết cấu mặt đường kiên cố bằng bê tông xi măng họăc láng nhựa, số còn lại hoặc là mặt đường tự nhiên, nếu có cũng chỉ được rải một lớp cấp phối đất đồi, việc đi lại rất khó khăn, nhất là về mùa mưa lũ, thì đến nay 100% số xã đã có đường ô tô về đến trung tâm. Toàn tỉnh có 2.937 km đường nhựa, bê tông; xây mới, nâng cấp 29 cầu. Tổng nguồn vốn huy động gần 1.718 tỷ đồng và hơn 500.000 ngày công lao động.
Việc từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn đã góp phần kết nối nông thôn với các trung tâm kinh tế, năng lực vận tải được nâng cao, giao thông được thông suốt, an toàn, đặc biệt đã tạo ra dáng dấp bộ mặt nông thôn mới. Tuy nhiên, cái được lớn nhất trong xây dựng giao thông nông thôn đó là người dân đã coi những con đường là một bộ phận gần gũi thân thuộc của cộng đồng, gắn liền với đời sống của mỗi gia đình cần được bảo vệ, đầu tư xây dựng.
Chính điều ấy nên người dân không chỉ chăm lo cho những con đường ngày càng rộng, thoáng, sạch đẹp mà nhiều hộ còn tự nguyện hiến đất để làm đường, đóng góp tiền của, công sức để xây cầu. Một trong những minh chứng đó là phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để bê tông hoá giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng..., ngay từ khi mới khởi xướng đã được sự đồng thuận rất cao của người dân. Trên cơ sở “Giao thông đi trước một bước”, nhân dân có điều kiện mở mang sản xuất kinh doanh, mua sắm phương tiện đi lại, phát triển kinh tế, tổ chức cuộc sống gia đình và cộng đồng thôn, bản.
Một số vùng nông thôn, trong “Hương ước”, “Quy ước” đã có quy định không được lấn chiếm mặt đường, nhà nào dù vô tình hay cố ý xâm hại mặt đường đều có trách nhiệm phục hồi lại nguyên trạng, thậm chí còn bị phạt. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 60% chưa được kiên cố. Trong số đó, một số tuyến đường không chỉ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng ít dân cư và dân cư quá nghèo mà ngay cả đô thị cũng vẫn còn lầy lội. Chất lượng một số con đường còn thấp, mặt đường hẹp, các công trình thoát nước còn bất cập, công tác duy tu, bảo dưỡng chưa thường xuyên.
Nhiều tuyến đường không đảm bảo yêu cầu đi lại thuận lợi, thông suốt và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là trong mùa mưa bão. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông hành lang đường bộ tại các vùng nông thôn còn buông lỏng dẫn đến một số vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển giao thông nông thôn nói chung và chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn nói riêng tuy đã có nhiều cố gắng nhưng so với yêu cầu thì vẫn còn rất hạn hẹp. Trong lúc đó, giá nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thi công ngày càng tăng cao... điều này đã gây khó khăn cho đầu tư xây dựng giao thông nông thôn.
Một số vùng, đời sống người dân còn khó khăn nên việc huy động đóng góp của cộng đồng thực hiện chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn vốn đã khó lại càng khó. Từ thực tế đó, với quan điểm: Phát triển giao thông nông thôn bền vững phải gắn với mạng lưới giao thông quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng đường nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới; phát triển đường giao thông nông thôn cho phương tiện giao thông cơ giới tới tất cả trung tâm xã hoặc cụm xã, đảm bảo thường xuyên thông suốt.
Để phấn đấu tỷ lệ mặt đường cứng, rải nhựa đạt 60 đến 80% theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW (khoá XI) ngày 16/1/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Các địa phương khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch nông thôn mới, (trong đó có quy hoạch giao thông), trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ của chương trình xây dựng nông thôn mới để có kế hoạch triển khai thực hiện một cách đồng bộ xây dựng hệ thống giao thông nông thôn.
Trong quá trình xây dựng giao thông nông thôn, các địa phương phải công khai minh bạch (nhất là các nguồn đóng góp của dân), đẩy mạnh việc giám sát cộng đồng nhằm tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng, tiến độ các công trình. Tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực của xã hội để xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Cùng với cả hệ thống chính trị, cần phát huy vai trò lực lượng xung kích của đoàn viên, thanh niên, học sinh tại các làng bản, thôn, xóm tích cực tham gia xây dựng, chăm sóc những con đường tại địa phương nơi mình sinh sống. Tăng cường công tác quản lý, bảo trì, duy tu, sửa chữa hệ thống giao thông nông thôn bảo đảm tính bền vững của công trình. Các ngành chức năng cần nghiên cứu, đề xuất để UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quy trình và kinh phí duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông nông thôn.
Theo báo Quảng Trị