Một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) là sự hưởng ứng và tham gia của cộng đồng, nhất là tiêu chí giao thông, một trong những tiêu chí được xem là khó đạt nhất. Thực tế đã chứng minh nếu tuyên truyền đến nơi đến chốn cho dân hiểu, những tuyến đường gồ ghề, nhỏ hẹp nhanh chóng được dal hóa, nhựa hóa thông suốt đến tận xóm, ấp.
Một trong những nhân tố quan trọng quyết định đến công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) là sự hưởng ứng và tham gia của cộng đồng, nhất là tiêu chí giao thông, một trong những tiêu chí được xem là khó đạt nhất. Thực tế đã chứng minh nếu tuyên truyền đến nơi đến chốn cho dân hiểu, những tuyến đường gồ ghề, nhỏ hẹp nhanh chóng được dal hóa, nhựa hóa thông suốt đến tận xóm, ấp.
Qua 2 năm triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, kết quả đạt được dễ nhận thấy nhất là các tuyến đường liên ấp, liên xã được trải dal, láng nhựa đến tận ngõ xóm; bộ mặt nông thôn khởi sắc. Đạt được những kết quả đó có sự tham gia đóng góp không nhỏ của nhân dân.
Cụ thể là, 4 tuyến giao thông nông thôn (GTNT) được mở rộng, láng nhựa với tổng chiều dài 6,2 km, kinh phí thực hiện 9,1 tỷ đồng là nhờ có 259 hộ hiến trên 15.000 m2 đất (trị giá 3,1 tỷ đồng). Ngoài ra, các hộ dân còn tự nguyện tháo gỡ bờ rào và vật chất khác trị giá 200 triệu đồng.
Tiếp theo đà thuận lợi trên, xã đang tiếp tục triển khai mở rộng, nâng cấp tuyến Phú Khương sau khi được nhân dân khu vực này đồng ý giao đất mà không nhận đền bù; năm 2013 triển khai thực hiện 3 tuyến (công việc vận động người dân đã hoàn tất).
“Nguồn kinh phí thực hiện hạn hẹp, muốn mở rộng đường đạt tiêu chuẩn NTM phải có sự tham gia hưởng ứng của người dân qua việc hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu mới thực hiện được. Sự hưởng ứng của người dân rất quan trọng, quyết định đến việc các tuyến đường nông thôn có được mở rộng hay không”-anh Lê Hữu Dụng, khái quát như vậy.
Tại Bình Nhì (huyện Gò công Tây), người dân đã hiến 7.170 m2 đất và tự nguyện dỡ bỏ 7 hàng rào (trong đó có 2 hàng rào kiên cố) để mở rộng và trải nhựa tuyến đường số 6. Giờ đây, tuyến đường đã được trải nhựa mở rộng từ 3 m lên 4,5 m (chiều ngang đường 7 m) chạy dài 3,5 km, xe ôtô đến tận xóm ấp.
Hiện nay, tuyến đường số 7 và tuyến đường chùa Hai Nóc đang triển khai mở rộng, nâng cấp với tổng chiều dài 3 km, trong đó phần người dân đóng góp lên đến 6.000 m2 đất và tự nguyện dỡ bỏ 11 hàng rào (có 1 hàng rào kiên cố và bốc 27 ngôi mộ).
Trên cơ sở đó, thời gian tới xã triển khai mở rộng, nâng cấp 4 tuyến đường (1 trục chính, 3 đường ấp). Hiện nay, có 95% hộ sống dọc các tuyến đường này đã đồng ý hiến đất mở rộng đường. Ngoài ra, xã còn đang vận động người dân hiến đất để mở rộng tuyến huyện lộ đi qua địa bàn xã từ 5 m lên 6,5 m mặt nhựa (toàn mặt đường mở rộng lên 9 m).
Còn tại Tân Thanh (huyện Cái Bè), nơi mà việc hiến đất làm đường đã trở thành nền nếp, tính cộng đồng được khơi dậy qua chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong xây dựng GTNT từ những năm trước đây, khi bước vào công cuộc “chung tay” xây dựng NTM hôm nay xã triển khai khá thuận lợi.
Làm đường giao thông rất quan trọng nhưng trong điều kiện đời sống nông dân hiện nay còn rất khó khăn, mảnh đất gắn liền với “khúc ruột”, việc tuyên truyền, vận động dân hiến đất mở rộng, nâng cấp đường GTNT mà không có chính sách đền bù sẽ không đơn giản.
Dù vậy, theo các nhà quản lý có kinh nghiệm, khó nhưng không phải không làm được. Nếu chính quyền cho người dân thấy được ý nghĩa của việc mình làm, biết khơi dậy sức dân, tôn trọng dân, kiên trì vận động với tính cầu thị chắc chắn sẽ thành công.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) cho biết cách làm của xã, trước hết phải tạo sự thống nhất cao trong nội bộ về kế hoạch nâng cấp, mở rộng các tuyến đường; phân công thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã phụ trách ấp tiến hành họp dân theo từng cụm dân cư thông báo kế hoạch mở rộng đường theo tinh thần dân biết, dân bàn, dân kiểm tra (yêu cầu phải có đa số dân tham dự).
“Thường qua vận động, người dân đồng tình hưởng ứng, nhưng cũng có một vài trường hợp người dân không đồng ý. Thậm chí có trường hợp, chúng tôi phải vận động nhiều lần mới thành công do họ so sánh tại sao cùng mất đất nhưng nơi được đền bù cao (mở rộng Quốc lộ 50), nơi không đền bù.
Kế hoạch từ năm 2011 - 2015, Bình Nhì vận động nhân dân hiến trên 11 ha để mở rộng đường giao thông. Nếu đạt được, các trục đường chính, đường trục ấp, đường nội đồng và 70% đường ngõ xóm sẽ được mở rộng, nâng cấp, khi đó xã sẽ cơ bản hoàn thành tiêu chí giao thông.
Các xã chỉ đạo xây dựng NTM hôm nay có nhiều khởi sắc. Thành quả đó bắt nguồn từ kết quả phát triển, mở rộng GTNT mà hợp lực từ sức mạnh cộng đồng đóng vai trò quyết định. Có thêm những con đường được mở rộng, cơ hội vươn lên của hộ dân sẽ lớn hơn, nhanh hơn; kinh tế nông thôn có thêm điều kiện phát triển hơn.
Theo báo Ấp Bắc