Hậu Giang: Phát triển giao thông nông thôn tại Phú An

Thứ hai, 17/12/2012 08:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Giao thông nông thôn ở xã Phú An (huyện Châu Thành, Hậu Giang) đã có nhiều chuyển biến. Đây không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, trao đổi hàng hóa, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Giao thông nông thôn ở xã Phú An (huyện Châu Thành, Hậu Giang) đã có nhiều chuyển biến. Đây không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, trao đổi hàng hóa, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân.

Là địa bàn được chia tách ngay sau khi những ngày đầu thành lập tỉnh, xã Phú An có diện tích đất tự nhiên nhỏ so với các xã ở huyện Châu Thành, trong khi điều kiện đi lại rất khó khăn. Trước thực trạng này, xã Phú An đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông nông thôn để phục vụ đi lại và phát triển sản xuất. Theo UBND xã Phú An, sau nhiều năm xây dựng, hiện tại toàn xã có gần 40 km đường giao thông, đã có khoảng 21,8 km được nhựa hóa và bê tông hóa, chỉ còn lại là những tuyến đê bao thủy lợi nội đồng, khu vực ít dân cư. Ông Nguyễn Thành Hiếu, Chủ tịch UBND xã Phú An, nhận định: Xây dựng giao thông không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại mà còn góp phần giao lưu văn hóa trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Song, trong tình hình khó khăn như hiện nay, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho giao thông có hạn, điều kiện vật chất người dân cũng còn nhiều khó khăn, vì thế việc xây dựng phải dựa trên tinh thần tự lực, tự cường và khả năng của từng giai đoạn.

Trong năm 2012, Phú An đã đưa vào sử dụng tuyến ô tô về trung tâm xã, ngoài ra còn tiến hành thực hiện được tuyến giao thông nông thôn Mương Kinh ở ấp Khánh Hội A với chiều dài 3.000 m. Đồng thời, gia cố 7 con đập, thuê xáng cạp đào đắp, nâng cấp bờ bao chống lũ tuyến Kênh Mới và rạch Ông Thần (ấp Khánh Hội B) với chiều dài 5.800 m, khối lượng đất 7.500 m3, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và giao thông nông thôn được thuận lợi. Tổng kinh phí huy động đầu tư cho giao thông đạt 6 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 3 tỉ đồng, còn lại là vốn do hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Theo UBND xã Phú An, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, vận dụng tốt các quy chế dân chủ trong đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nên phong trào làm đường nông thôn được người dân hưởng ứng khá mạnh. Các tuyến giao thông trong quá trình nâng cấp, mở rộng mặt đường đều được người dân đóng góp bằng tiền, ngày công lao động, vật liệu và tự nguyện hiến đất, hoa màu trên đất để giải phóng mặt bằng. Ông Võ Văn Lâm, ở ấp Khánh Hội A, xã Phú An đã hiến khoảng 300 m2 đất và đốn mấy trăm cây bạch đàn chưa tới ngày thu hoạch để mở rộng tuyến đường 3 m theo chuẩn nông thôn mới. Ông Lâm phấn khởi cho biết: “Trước đây, tuyến đường này chỉ là con đường lộ dân sinh do người dân tự góp tiền làm để phục vụ đi lại trong hai mùa mưa nắng. Sau khi nghe địa phương vận động, các hộ dân ở đây đều thống nhất cao, chấp hành theo chủ trương của Nhà nước. Dù tuyến đường chưa hoàn chỉnh, nhưng mỗi gia đình giờ đây ít nhất cũng có một chiếc xe máy để lưu thông”.

Ông Nguyễn Thành Hiếu, Chủ tịch UBND xã Phú An, cho biết thêm: Trong phát triển giao thông nông thôn, Đảng bộ, chính quyền xã vừa tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, vừa huy động nguồn lực tại chỗ, chủ yếu là sức dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó có đường giao thông, đảm bảo nền, mặt đường đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định, phấn đấu năm 2015 xã sẽ đạt tiêu chí giao thông trong nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay do đặc thù dân cư phân bố không đồng đều, trong đó nhiều tuyến đường được xây dựng theo tiêu chí cũ nên việc đầu tư cần rất nhiều thời gian. Chính vì vậy, việc nâng cấp cũng như quản lý đường giao thông sau đầu tư ở Phú An đang gặp nhiều khó khăn. Tới đây, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng, gìn giữ và bảo vệ hệ thống đường giao thông nông thôn. Tăng cường xã hội hóa trong đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn bằng nhiều hình thức ủng hộ, đóng góp để đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo báo Hậu Giang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)